19/01/2025 | 10:14 GMT+7, Hà Nội

Nút thắt tích tụ đất đai

Cập nhật lúc: 20/06/2019, 06:00

Tiềm năng phát triển lớn nhưng dấu ấn của thị trường bất động sản nông nghiệp vẫn còn mờ nhạt do còn nhiều nút thắt gây khó cho doanh nghiệp, trong đó, nan giải nhất là vấn đề tích tụ đất đai.

Nhận thấy những tiềm năng vượt trội khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã lấn sân đặt cược những khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực này, tạo thành những vùng sản xuất quy mô lớn và sử dụng công nghệ hiện đại, bước đầu tạo ra những kết quả khả quan.

“Với hiện trạng là một đất nước có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng chúng ta lại chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu mang tầm vóc quốc tế. Muốn nền nông nghiệp phát huy được hiệu quả thì không chỉ tự cung tự cấp sản phẩm mà phải hướng tới xuất khẩu, hướng tới công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm năng suất và chất lượng. Nếu không làm được thế thì thu nhập của nông dân thấp, đời sống nông dân không thể cải thiện được”, lời khẳng định của ông Phạm Thành Công, Chủ tịch tập đoàn GFS, một doanh nghiệp địa ốc đang cho những chiến lược mới cho việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh những doanh nghiệp mạnh dạn gạt bỏ những rào cản, tiên phong bước vào lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như GFS, Vingroup, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, T&T…, vẫn còn nhiều doanh nghiệp rõ ràng nhìn thấy được tiềm năng của lĩnh vực này nhưng còn “chùn chân”, lo ngại. Đó cũng là lý do khiến thị trường bất động sản nông nghiệp dù đã được nhắc đến nhưng vẫn còn rất mờ nhạt trên thị trường.

Nhiều doanh nghiệp đang bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều doanh nghiệp đang bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Đất nông nghiệp vẫn bị “trói chặt” vào người nông dân

Muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra hiệu quả thì buộc phải sử dụng diện tích đất lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đất nông nghiệp dường như vẫn gắn chặt với người nông dân theo từng “bờ xôi, ruộng mật”, manh mún, nhỏ lẻ.

Theo Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI), tỷ lệ đất nông nghiệp chia theo đầu người ở Việt Nam rất nhỏ và chỉ đạt bình quân 0,07ha/người, thấp hơn nhiều so với mức 0,27ha/người tại Thái Lan. Trong khi đó, số lượng mảnh đất bình quân mỗi hộ nông dân ở mức cao, đặc biệt là đất trồng cây hằng năm, ở mức 3,1 mảnh đất/hộ. Điều này làm tăng chi phí giao dịch thuê và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Do vậy, để có thể tích tụ được một quỹ đất sạch như ý muốn, doanh nghiệp có thể phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đàm phán với người nông dân, trong khi chính sách hiện nay chưa hỗ trợ nhiều cho họ.

“Hiện không có diện tích đất đủ lớn, xứng đáng để doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Bởi đất nông nghiệp vốn được phân theo hộ gia đình nên rất manh mún. Hiện cũng chưa có sở hữu tư nhân về đất nông nghiệp. Các doanh nghiệp chỉ còn cách đi thuê đất. Nhưng gian nan ở chỗ hiểu biết của nông dân về thị trường còn hạn chế, dẫn đến tâm lý lo sợ mất đất nếu cho thuê dài hạn, nhà này cho thuê, nhà kia lại không muốn, do đó rất khó trong việc thu hút đầu tư và tạo ra chuỗi sản xuất lớn”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Lâm nghiệp) cho biết thêm, nguyên nhân khiến việc tích tục đất đai gặp khó là do hiện nay, nước ta chưa có thị trường đất đai thực sự do không có chuyện mua bán quyền sử dụng đất mà chỉ có chuyện Nhà nước thu hồi và đền bù theo giá quy định:

“Luật Đất đai quy định về điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải là người có hộ khẩu ở địa phương, phải liên quan đến sản xuất nông nghiệp thì mới được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Đây đang là cản trở lớn trong việc các doanh nghiệp ngoài nông nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, còn có những quy định về hạn điền cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, chưa mạnh dạn đầu tư”.

Các chuyên gia cho rằng, thực tế đất đai vẫn bị “trói chặt” vào người nông dân nên đang tạo ra một nghịch lý rằng người cần đất thì không có, người có đất thì không cần, nhiều nơi, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, lãng phí.

Tại một số tỉnh miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc… tình trạng các thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang đang ngày càng tăng. Việc ruộng đất bị bỏ hoang có mẫu số chung là do tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chi phí lớn nhưng thu nhập thấp dẫn đến việc nhiều nông dân chán ruộng. Và trên thực tế, nhiều hộ dân tuy không “ly hương” nhưng đã “ly nông”, bỏ việc đồng áng chuyển sang kinh doanh hoặc tìm việc khác.

Tưởng chừng như việc người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng là cơ hội để các doanh nghiệp dễ dàng gom đất để đầu tư nhưng thực tế thì ngược lại. Việc đàm phán với người nông dân nhằm tích tụ ruộng đất vốn không hề dễ dàng. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý muốn giữ đất của các hộ nông dân, vì với nhiều người nông dân, đất đai vốn gắn bó như máu thịt.

Do vậy, kể cả khi ruộng đất không còn nuôi sống họ, họ vẫn muốn giữ cho bằng được. Nếu không có những giải pháp can thiệp kịp thời thì nghịch lý người có đất thì bỏ hoang, người cần đất thì khoanh tay đứng nhìn vẫn sẽ còn tồn tại, đồng nghĩa với việc, ngành nông nghiệp khó có thể tăng trưởng tốt, tạo ra giá trị.

Người nông dân vẫn đang tự loay hoay trên chính mảnh ruộng của mình.

Người nông dân vẫn đang tự loay hoay trên chính mảnh ruộng của mình.

Gỡ nút thắt, hình thành “ngân hàng đất đai”

Giải quyết bài toán tích tụ đất đai, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường bất động sản nông nghiệp là giải pháp tất yếu cần có để cứu vãn tình trạng ngành nông nghiệp manh mún, không phát huy được tiềm năng, tạo ra giá trị.

Xoay quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Bá Long nhấn mạnh, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ngoài mang lại lợi nhuận lớn, còn đem đến nhiều lợi ích cho việc phát triển kinh tế nông thôn, tạo cú hích để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho người dân nông thôn: “Hiện nay, lao động nông thôn đang dư thừa rất nhiều nếu không giải quyết được thì sẽ kéo theo tình trạng di dân ra đô thị, gây ra nhiều bất cập.

Vì thế, nếu doanh nghiệp đầu tư vào đất nông nghiệp thì sẽ kéo lực lượng lao động ấy về lại nông thôn, để họ có thể tiếp tục sống dựa vào mảnh ruộng của mình nhưng dưới một hình thức khác, hiệu quả hơn như liên kết sản xuất, cho thuê đất".

Đặt ra chủ trương cần phải tích tụ ruộng đất nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chính quyền tỉnh Hà Nam đã đứng ra thuê đất của dân 20 năm, sau đó cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đúng như thời gian thuê đất và giá thuê đất của dân. Nông dân vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Hà Nam cũng thí điểm lấy ngân sách tỉnh ứng trả tiền thuê đất cho các hộ dân trong thời gian thuê đất 20 năm. Doanh nghiệp sẽ trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi ký hợp đồng, sau 10 năm nộp trả hết số tiền thuê đất còn lại. Nhờ đó, Hà Nam đã quy hoạch được 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 654,7ha.

Tuy nhiên, hình thức này cũng có bất cập vì Luật chưa quy định cho chính quyền ứng tiền ngân sách để thuê đất và cơ quan quản lý Nhà nước tham gia vào quản lý kinh tế là không phù hợp, cho nên hiện tại doanh nghiệp phải “đi đường vòng".

Theo đó, TS. Nguyễn Bá Long cho rằng muốn gỡ bỏ nút thắt tích tụ đất đai thì Quốc hội phải sửa đổi Luật Đất đai, Chính phủ và các địa phương phải có cơ chế chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai, phải tăng hạn điền lên hoặc bỏ hạn điền đi, đồng thời bỏ điều kiện nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để doanh nghiệp và những người có nhu cầu sử dụng đất ngoài địa phương có thể tiếp cận được với quyền sử dụng đất qua thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư quy mô lớn…

Bên cạnh đó, Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế và mô hình tạo quỹ đất nông nghiệp “sạch” (có thể nói là ngân hàng đất nông nghiệp) để phục vụ cho thuê đất thông qua đơn vị trung gian (HTX của các xã, Trung tâm quỹ đất) hoặc để cơ quan Nhà nước đứng ra làm cầu nối để người dân yên tâm hơn, doanh nghiệp cũng thuận lợi khi làm thủ tục thuê đất, tránh phải đàm phán, thỏa thuận với từng hộ gia đình rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có phương pháp định giá đất nông nghiệp phù hợp để đẩy giá đất lên cao và làm căn cứ tính tiền thuê đất.

TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm: “Muốn gỡ khó cho doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp thì phải quy hoạch lại đất nông nghiệp, theo hướng “cứng” và “mềm”. “Cứng” là đất lúa không thể chuyển đổi mục đích sử dụng và “mềm” là có thể chuyển đổi và cho thuê lâu dài. Bên cạnh đó, phải làm cho người nông dân chuyển từ tư tưởng giữ khư khư mảnh ruộng để sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thành người nông dân công nghiệp hóa, có tầm nhìn để sẵn sàng đồng hành cùng với doanh nghiệp, tăng gia sản xuất./.

Ngoài ra, theo TS. Thịnh, phải có cơ chế quy định rõ ràng quyền lợi của các bên khi tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp đặc biệt là quyền lợi của người nông dân. Từ đó, mới tạo ra được cơ sở hạ tầng tối thiểu cho sự phát triển đó là nguồn lực đất đai./.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/nut-that-tich-tu-dat-dai-36366.html