19/01/2025 | 02:44 GMT+7, Hà Nội

Nuôi dạy con thông minh: Trẻ cần làm gì khi bị lạc?

Cập nhật lúc: 25/05/2016, 12:37

Phòng tránh trẻ lạc là một trong những bài học khởi đầu cần thiết ba mẹ cần sớm lưu tâm. Chỉ cần một chút sơ suất của cha mẹ cũng có thể khiến trẻ bị lạc trong đám đông khi đi chơi ở những nơi công cộng. Trong tình huống đó sẽ có rất nhiều nguy hiểm mà trẻ phải một mình đối diện.

Con của bạn có thể bị lạc khi đến những nơi đông người như siêu thị, bãi biển, khu vui chơi, đặc biệt với trẻ còn nhỏ… Nhưng phần lớn trẻ khi đi lạc thường trở nên hoảng loạn, chỉ biết khóc, không biết tìm cách nhờ người khác hỗ trợ. Vì thế, sẽ không thừa nếu các bậc phụ huynh trang bị cho trẻ những kiến thức, lưu ý khi đi lạc.

Trẻ bị lạc cần nhờ người tin cậy giúp đỡ

Trẻ bị lạc cần nhờ người tin cậy giúp đỡ

1. Dạy trẻ bình tĩnh, đứng yên tại chỗ

Khi trẻ nhỏ bị lạc, theo bản năng, điều đầu tiên chúng làm là sẽ cố gắng đi tìm ba mẹ. Tuy nhiên, việc đi lại nhiều càng ba mẹ sẽ khó tìm thấy trẻ hơn. Vì vậy, trong bất kỳ tình huống nào, nguyên tắc đầu tiên phải dạy trẻ là đứng yên tại chỗ, đừng cố đi tìm bố mẹ.

Bạn cũng cần dạy con luyện tập hét thật to tên ba mẹ hoặc chỉ đơn giản là “Bố ơi!”, “Mẹ ơi!” vì như thế bố mẹ mới có thể nghe thấy và tìm bé được. Hãy trang bị cho trẻ những vật dụng có thể hỗ trợ cho trẻ khi bị lạc. Ví dụ cái còi để trẻ thổi lên hay cái cờ để đứng trên cao vẫy.

Ngoài ra, ba mẹ hãy giải thích cho bé hiểu rằng, lúc bị lạc, trẻ cần phải bình tĩnh, không khóc thét lên, kẻ xấu sẽ phát hiện có thể dụ dỗ, dẫn trẻ đi mất.

2. Dạy trẻ cảnh giác với người lạ

Khi cho bé tới chỗ đông người, kỹ năng sống đầu tiên cha mẹ cần dạy cho bé là không đi theo và nghe lời của người lạ nếu chưa được sự đồng ý của người thân. Dặn con nên giữ khoảng cách với những người lạ mặt nhưng cố ý dụ bé bằng cách cho quà, đồ chơi,… Đồng thời chỉ cho trẻ cách thu hút sự chú ý của những người lớn khác ở xung quanh, nói với bé có thể chạy về chỗ của cha mẹ, hoặc tới chỗ thật đông người khi cảm thấy không thoải mái với người lạ. 

Đặc biệt, khi tới chỗ đông người, luôn nhắc trẻ không được tách khỏi cha mẹ, luôn luôn đi cạnh cha mẹ. Dù trẻ rất thích tự do chạy nhảy nhưng việc nắm tay con chốn đông người là hoàn toàn không thừa. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên bế trên tay. Cha mẹ không nên để bé đi khỏi tầm mắt mình quá xa.

Hiện nay có rất nhiều trường hợp giả làm người quen của ba mẹ để bắt cóc hoặc có những hành vi xấu với trẻ. Vì vậy, để tránh trường hợp trẻ bị dụ dỗ, phụ huynh cần dạy con không được tiếp xúc và tin lời người lạ.

Để trẻ hiểu rõ hơn vấn đề, ba mẹ có thể đóng giả định một số tình huống khác nhau hoặc lồng ghép vào những câu chuyện để bé dễ hình dung ra khi gặp người lạ. Điều này giúp cho trẻ biết cách phản ứng và hành động đúng nhất. Giới hạn cho trẻ những người mà trẻ có thể tin tưởng như ba, mẹ, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột của trẻ. Ngoài ra, không đi theo hoặc nghe lời của bất cứ ai khác, kể cả người nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên bố mẹ.

3. Dạy con thuộc những thông tin cần thiết

Khi con bắt đầu biết nói bạn hãy thường xuyên nói chuyện và đố con những thông tin về bản thân về gia đình như: tên của con là gì? mẹ tên là gì? số điện thoại của mẹ là như thế nào? Những câu hỏi như vậy có thể giúp kích thích bộ nhớ của con đồng thời cũng là một kênh thông tin hiệu quả khi con bạn không may bị lạc và có người lạ hỏi để có thể giúp đỡ. 

Tuy nhiên, không phải bé nào cũng có trí nhớ tốt, đặc biệt khi lâm vào tình trạng hoảng loạn, vì vậy, bạn nên viết những thông tin đó vào một tờ giấy, và bỏ vào balo, túi áo hoặc túi quần của bé. Đồng thời dặn trẻ giữ mảnh giấy này cẩn thận và hãy đưa người lớn để được giúp đỡ trong trường hợp bị lạc.

4. Dạy con nhờ người tin cậy giúp đỡ

Ba mẹ nên luôn nhắc nhở trẻ nếu lỡ đi lạc thì phải bình tĩnh và tìm đến những người tin tưởng xung quanh để giúp đỡ. Đó là những người mặc đồng phục, đeo bảng hiệu (Cảnh sát, nhân viên an ninh, nhân viên siêu thị, nhân viên nơi nghỉ mát, khách sạn, nhà hàng)… Dặn bé khi gặp họ, hãy đọc những thông tin cá nhân cần thiết mà trẻ đã ghi nhớ hoặc đưa ra tờ giấy bạn đã ghi chép đầy đủ thông tin để được giúp đỡ. Một điều chú ý là bạn hãy dặn bé kiên quyết nói "không" với người lạ để tránh những mối nguy hiểm xung quanh.

5. Dạy con dùng điện thoại công cộng

Cha mẹ nên dạy trẻ nếu không có điện thoại di động mà trong người có tiền thì nên tìm điện thoại công cộng để gọi cho bố mẹ, anh chị hoặc các số điện thoại khẩn như 113, 115 nếu thấy mình đang gặp nguy hiểm./.