Kỹ năng sinh tồn cha mẹ buộc phải dạy con càng sớm càng tốt
Cập nhật lúc: 12/12/2016, 06:24
Cập nhật lúc: 12/12/2016, 06:24
Cha mẹ nào cũng sẽ muốn luôn luôn che chở và bảo vệ con cái của mình, thế nhưng không phải bất cứ lúc nào bạn cũng có thể ở cạnh con của mình. Có rất nhiều trường hợp bất ngờ không thể lường trước được mà đứa trẻ phải xa cha mẹ như bị lạc, bị bắt cóc, bị đặt vào ranh giới của sự nguy hiểm, sống chết...
Câu chuyện về bé gái bảy tuổi Sailor Gutzler là nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay gia đình thảm khốc hồi đầu tháng 1/2015 ở Kentucky (Mỹ) là minh chứng rõ rệt nhất cho sự cần thiết phải dạy trẻ những kỹ năng sinh tồn trong cuộc sống.
Nhờ ghi nhớ những lời dạy bảo của bố mà Gutzler đã tự mình chui ra khỏi đống đổ nát của chiếc máy bay đang bốc cháy và đi bộ khoảng 1,6 km đường rừng, lội sông mặc mưa quất rát mặt để tìm đến nhà dân cầu cứu. Để đề phòng mọi trường hợp xấu, các bậc phụ huynh nên dạy cho con mình những kỹ năng sau:
Bố mẹ cần hướng dẫn con nhớ địa chỉ nhà cùng số điện thoại và nên thường xuyên hỏi lại trẻ để kiểm tra. Việc ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ và địa chỉ nhà sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi gặp nguy hiểm.
Nếu có điều kiện, cha mẹ hãy trang bị các thiết bị định vị như vòng tay, đồng hồ dành riêng cho trẻ để luôn đặt con trong tầm kiểm soát.
Một tình huống hoàn toàn có khả năng xảy ra đó chính là trẻ bị lạc khỏi bố mẹ, vì vậy cha mẹ cần giải thích rõ cho con về hoàn cảnh khi bé bị lạc, tập dượt trước các khả năng có thể xảy ra để bé có thể nhận biết và ghi nhớ các hành động cần làm khi bị lạc:
- Dặn con hãy đứng yên tại chỗ, bình tĩnh, không khóc lóc, gọi tên bố mẹ hoặc tên của con, nhớ số điện thoại của bố mẹ và địa chỉ nhà.
- Cung cấp số điện thoại cho những người có thể tin tưởng mặc đồng phục như cảnh sát, nhân viên an ninh, nhân viên của siêu thị, khu vui chơi...
Ngoài ra, cha mẹ khi đưa con ra ngoài chơi cần đeo ở cổ trẻ một chiếc còi và trẻ cần được huấn luyện kỹ mỗi khi có vấn đề xảy ra với bản thân hãy thổi còi để thu hút sự chú ý của mọi người.
Bơi là kỹ năng sinh tồn quan trọng nhưng vì những lý do khác nhau mà nhiều người coi nhẹ. Bất cứ khi nào trẻ cũng có thể gặp nguy hiểm với nước, bởi vậy trẻ cần phải dạn nước và bình tĩnh khi bị rơi xuống nước. Bơi lội cũng là một môn thể thao bổ ích, vì vậy cha mẹ nên tập bơi cho con càng sớm càng tốt.
Cha mẹ hãy dạy cho trẻ gọi cấp cứu và phải làm gì trong trường hợp có tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Bạn nên dạy chúng cách sơ cứu như cầm máu, chăm sóc vết bỏng, khử trùng vết thương, dán băng y tế đơn giản... để cứu mình và người khác.
Trên tủ lạnh, cánh cửa hay bất cứ chỗ nào dễ nhìn thấy, bạn nên treo một danh sách số điện thoại quan trọng như: số điện thoại của người thân trong gia đình, xe cấp cứu, cứu hỏa, cảnh sát... để con bạn dễ nhận ra.
Ở các nước tiên tiến, chương trình học của trẻ có những bài ngoại khóa hướng dẫn vấn đề này tùy theo từng lứa tuổi. Biết cách gọi cấp cứu là một hành động đơn giản để đứa trẻ được cứu sống. Cùng đó, việc hướng dẫn trẻ nếu dùng điện thoại di động thì để loa để vừa nói được, vừa có thể giúp đỡ bố/mẹ, người đang ở trong trạng thái bị thương chẳng hạn.
Bạn nên dạy con nguyên tắc là không được mở cửa cho bất cứ ai trừ bố mẹ nhưng nếu thấy có người có vẻ cố tình rình rập ở cửa để vào nhà thì trẻ nên bật TV thật lớn, gây tiếng ồn trong nhà để kẻ lạ mặt nghĩ trong nhà có người lớn. Đồng thời liên lạc ngay lập tức cho người thân để thông báo tình hình.
Hiện nay có rất nhiều trường hợp giả làm người quen của bố mẹ lân la trò chuyện với trẻ rồi bắt cóc hoặc có những hành vi đồi bại. Vì vậy, bạn dặn con cố gắng tránh đi vào toilet ở nơi công cộng một mình, nếu có bạn đi cùng thì cũng không la cà lâu ở bên trong để tránh những rủi ro không lường.
Ngoài ra bạn còn cần dặn con tuyệt đối không được nhận quà và tiếp xúc thân mật với người lạ khi bố mẹ chưa cho phép. Bạn cần hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng từ chối khéo léo khi có người lạ mang cho đồ ăn mà bố mẹ không có ở đó hoặc chưa đồng ý. Hãy dặn con: “Nếu thấy người lạ cho đồ ăn thì phải hỏi xin phép bố (mẹ) mới được ăn” .
Bố mẹ hãy tự dựng lên cho con một số tình huống khi gặp người lạ để từ đó cho trẻ biết cách phản ứng và hành động đúng nhất. Giới hạn cho trẻ những người mà trẻ có thể tin tưởng (như bố, mẹ, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột của bé), ngoài ra không đi theo hoặc nghe lời của bất cứ ai khác nếu không được bố mẹ dặn dò.
Hãy nói với trẻ rằng chúng có thể la hét hoặc thét lên khi cần thiết. Nếu có người lạ dắt trẻ đi, chúng cần biết mình phải làm gì trong trường hợp này. Vì vậy, tốt nhất bạn nên dạy trẻ thét to những câu như “Cháu không biết cô/ chú”, la hét, phản ứng mạnh mẽ để gây sự chú ý của những người xung quanh. Những người xung quanh sẽ nhận thấy sự khác thường và can thiệp.
Thực tế cuộc sống hiện đại cho thấy, nhiều trẻ em ở thành phố hoàn toàn lúng túng khi bị đói lúc chỉ có một mình. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên dạy con mình xác định thứ gì ăn được, thứ gì không, thực phẩm trông như thế nào là đã hỏng, mốc, không còn có thể ăn được. Thậm chí nên dạy trẻ những thứ có thể ăn được trong thiên nhiên, những nơi nào là có thể có nguồn nước ... phòng khi rơi vào tình trạng nguy hiểm ở ngoài trời.
Chúng ta không đòi hỏi bé nhìn bản đồ giỏi hoặc có thể xác định hướng theo vị trí của mặt trời khi lỡ bị lạc hoặc mất tích nhưng nhận thức và định vị hướng cơ bản có thể giúp chúng an toàn trong nhiều trường hợp.
Hãy giúp con của bạn phát triển kỹ năng này bằng cách cho phép chúng dẫn đường khi ra khỏi trung tâm mua sắm để quay trở lại bãi đỗ xe hoặc xung quanh khu phố khi đi dạo cùng bạn.
Bạn hãy hướng dẫn con mình cách đi đường đúng theo luật giao thông (đi bộ lên hè đường, bên phải; đèn xanh- đèn đỏ- đèn vàng); nhận diện phương tiện như biển số xe, tên công ty xe, những tòa nhà hay biển hiệu quan trọng trên đường.
Ngoài những kỹ năng quan trọng trên, nếu có điều kiện, bố mẹ nên dạy cho con một số kỹ năng khác như kỹ năng xử lý động đất, cách thoát hiểm khi nhà bị cháy, cách kháng cự khi bị xâm hại…
13:56, 22/07/2015
23:43, 19/07/2015
21:28, 18/07/2015