19/01/2025 | 13:10 GMT+7, Hà Nội

Nới room tín dụng: Doanh nghiệp bất động sản vừa mừng vừa lo

Cập nhật lúc: 18/09/2022, 09:03

Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room), nhưng tỷ lệ nới room không nhiều khiến doanh nghiệp bất động sản vừa mừng vừa lo.

Sau một thời gian chờ đợi, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng có đề nghị và gửi thông báo cho các đơn vị này. Việc điều chỉnh hạn mức (room) tín dụng dựa vào việc đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng và còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ...

Theo đó, việc nới room tín dụng nhằm thuận tiện cho triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Ghi nhận thực tế, sau khi nhận được thông tin này, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản phấn khởi bởi 457.000 tỷ đồng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% sẽ được "bơm" ra thị trường. Mặc dù tỷ lệ nới room không quá cao và giới hạn chỉ trong vài ngân hàng nhưng đó cũng được coi là tín hiệu đáng mừng cho thị trường vốn vào bất động sản.

Ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch VNGroup cho rằng, đối với nhà đầu tư bất động sản, nguồn vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng do tính đặc thù nên đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, tại Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng về vốn để đầu tư dự án nếu không vay vốn từ ngân hàng.

Ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch VNGroup.
Ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch VNGroup.

Nguồn vốn từ ngân hàng rất quan trọng đối với doanh nghiệp, là bộ khung nâng đỡ cho các dự án của doanh nghiệp. Đối với mỗi dự án, việc được cấp tín dụng được xem như bảo chứng đáng tin cậy cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho khách hàng khi mua sản phẩm.

Chính vì vậy, khi nguồn vốn bị siết chặt, các doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nhiều kênh khác, trong đó có nguồn vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Tuy nhiên, điều kiện huy động vốn từ các tổ chức này rất khắt khe do liên quan đến những thủ tục pháp luật… khiến doanh nghiệp khó có thể tiếp cận.

Theo ông Thành, thời gian qua có những bất cập trong một số dự án đầu tư bất động sản, song Chính phủ không nên đánh đồng các doanh nghiệp vì không phải doanh nghiệp nào cũng yếu kém mà có nhiều doanh nghiệp rất chắc chắn, đủ khả năng để đảm bảo an toàn cho các khoản vay. Những doanh nghiệp này cần được sớm tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tiếp tục hoạt động và triển khai dự án đưa ra thị trường.

“Thông tin nới room tín dụng là tín hiệu đáng mừng, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản được hưởng từ việc nới room là bao nhiêu thì chưa rõ ràng. Đặc biệt, điều kiện giải ngân là một vấn đề mà các doanh nghiệp bất động sản rất trăn trở. Bởi việc hoàn thiện hồ sơ với điều kiện phù hợp theo quy định của ngân hàng, Nhà nước, Luật Tổ chức tín dụng đã mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu điều kiện quá khắt khe khiến doanh nghiệp khó được giải ngân thì việc nới room này cũng không có tác dụng gì cả”, ông Thành nói.

Theo đó, ông Thành lý giải việc giải ngân chậm có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở 3 góc độ: Thứ nhất là kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai là rủi ro của doanh nghiệp với khách hàng, bởi hợp đồng ký kết giữa 2 bên có ghi cụ thể thời gian bàn giao sản phẩm. Muốn bàn giao sản phẩm thì doanh nghiệp phải có nguồn tài chính thuê nhà thầu, mua nguyên vật liệu. Nếu doanh nghiệp không có khả năng chi trả để bàn giao sản phẩm đúng thời hạn thì đương nhiên khách hàng có thể kiện vì chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group cũng chia sẻ, ngay sau khi thông tin nới room tín dụng được phát đi, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản đều cảm thấy rất phấn chấn và đầy hy vọng về sự phục hồi của thị trường sau thời gian dài trầm lắng. Những tín hiệu từ chính sách vĩ mô này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, đây đơn thuần chỉ là yếu tố cảm xúc của các nhà đầu tư trên thị trường. Ngoài việc các chính sách từ Chính phủ luôn có độ trễ về thời gian tác động thì việc nới room tín dụng chỉ áp dụng đối với một số ngân hàng, nên vẫn chưa thể giúp các doanh nghiệp và người dân hết “khát vốn”.

Mặt khác, mỗi ngân hàng được nới room chỉ khoảng 2 - 3% nên số vốn được tăng không nhiều. Phần nới room này cũng không phải chỉ cho bất động sản mà còn cho các ngành nghề khác, do đó sự tác động đối với thị trường bất động sản là không lớn.

Còn TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nhiều ngân hàng đã được nới room nhưng số tiền không nhiều, chỉ vài trăm nghìn tỷ và con số này không thấm tháp gì với thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó cũng cần hết sức cân nhắc, dòng vốn không nên dễ dãi đưa vào những hoạt động không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Chẳng hạn, đối với các dự án có tính chất có ích cho xã hội, phù hợp nhu cầu sử dụng khai thác kinh doanh thì nên cho phép tiếp cận nguồn vốn. Tiếp theo là các dự án sắp hoàn thành thì cần tạo điều kiện tiếp tục hoạt động để tạo ra lợi ích cho cả doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế của đất nước.
Theo TS. Đính, việc dòng tiền trên thị trường địa ốc gặp trục trặc đang ảnh hưởng trực tiếp đến các chủ đầu tư dự án, khách hàng và những ngành nghề có liên quan.

“Tôi đang mường tượng trong khoảng tháng 10 tới đây, rất nhiều doanh nghiệp đến hạn phải trả lãi trái phiếu. Vậy tiền đâu để trả? Vấn đề này đang gây ra rất nhiều hệ lụy, khó khăn dồn khó khăn. Có thể thấy, đây chính là nguyên nhân làm giảm nguồn cung ra thị trường... do dự án bị tạm dừng hoạt động”, TS. Nguyễn Văn Đính nói.

Bàn về giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, các ngân hàng cần cân nhắc, tính toán rủi ro về việc nên tăng thêm hay giữ mức tín dụng 14% như hiện nay.

"Có thể không bơm tín dụng ra thêm để tránh dư nợ xấu nhưng nếu không bơm ra, nợ xấu sẽ ngày càng tăng thêm vì các doanh nghiệp không giải tỏa được vốn, không đưa dự án vào kinh doanh, sinh lời để có tiền trả cho ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán tổng thể và có biện pháp phòng trừ rủi ro", ông Thiên nhận định.

Do đó, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, bên cạnh giải pháp hỗ trợ về vốn, một trong những việc quan trọng trong cách làm chính sách của Chính phủ đối với doanh nghiệp là không nên có sự "quay xe đột ngột", làm như vậy doanh nghiệp sẽ rất khó xoay sở.

Các cơ quan làm chính sách cần dự báo được rủi ro và tác động đến thị trường, nhất là lúc này khi doanh nghiệp vừa trải qua 2 năm chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Đây là yếu tố quan trọng để các nhà hoạch định chính sách biết cách ứng xử với nền kinh tế và các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay./.

Nguồn: https://reatimes.vn/noi-room-tin-dung-doanh-nghiep-bds-vua-mung-vua-lo-20201224000014531.html