21/11/2024 | 20:31 GMT+7, Hà Nội

Nỗi buồn bảo hiểm (5): Những tồn đọng của thị trường bảo hiểm nhân thọ

Cập nhật lúc: 14/12/2018, 06:00

Tăng trưởng kinh tế bền vững, lãi suất tăng và thu nhập đầu tư cao hơn đã góp phần tạo nên những dấu ấn cho các công ty bảo hiểm trong năm 2018 nhưng bên cạnh đó, ngành bảo hiểm nhân thọ cũng còn một số vấn đề tồn tại.

Vấn đề tồn đọng của thị trường bảo hiểm

Bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm cơ bản khó bán khi nó đòi hỏi người mua phải nghĩ đến rủi ro, thậm chí là cái chết – điều mà chẳng ai mong muốn.

Do đó mặc dù, thời hiện đại công nghệ đổi mới và các công ty trong lĩnh vực tài chính đều phát triển nhưng bảo hiểm nhân thọ vẫn không thay đổi nhiều.

Bảo hiểm nhân thọ vẫn còn nhiều tồn đọng

Bảo hiểm nhân thọ vẫn còn nhiều tồn đọng

Cho đến khi insuretech ra đời, được ví như cơn bão, phá tan mọi cách thức hoạt động truyền thống của ngành bảo hiểm và cải thiện thị trường này. Báo cáo của Bussiness Insider, đầu tư vào Insurtech đang đạt mức tăng trưởng đột phá kể từ năm 2012, tăng từ con số 980 triệu euro lên 4,5 tỷ euro vào năm 2016.

Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm nhân thọ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn tồn tại một số vấn đề như sau:

Thiếu “giáo dục”

40% người tiêu dùng Mỹ trả lời Hiệp hội Nghiên cứu Thị trường và Bảo hiểm Nhân thọ (LIMRA) rằng, họ cảm thấy bị e ngại quy trình đăng ký bảo hiểm nhân thọ và do đó loay hoay không biết mình nên mua bảo hiểm nào. Họ luôn hoa mắt trước những gói bảo hiểm mà nếu nghe tư vấn viên giảng giải đều thấy giống nhau.

Còn ở Việt Nam, hầu hết người chủ động tìm đến với bảo hiểm là rất thấp mà hầu như được tư vấn viên tìm đến để mời chào. Thậm chí, có người còn mua bảo hiểm nhưng không hiểu gì về nó, chỉ đơn giản “nể” mặt người quen, bạn bè và đóng bảo hiểm theo niềm tin với tư vấn viên chứ không phải với gói bảo hiểm đó.

Điều này cũng được ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam lý giải. Nguyên nhân của việc người dân không mặn mà tham gia bảo hiểm một phần là do họ có những hiểu biết đầy đủ và cần thiết về bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về bảo hiểm nhân thọ cũng chưa được rộng rãi, thường xuyên và liên tục, dẫn đến việc cung - cầu chưa gặp nhau.

Quy trình nộp đơn bất tiện

Thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều tồn đọng

Thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều tồn đọng

Phải mất vài tuần hoặc vài tháng thì bảo hiểm mới có hiệu lực do thủ tục giấy tờ và quy trình quá lâu. Trong khi đó, rủi ro của công ty bảo hiểm lại được đánh giá từ nhân viên tư vấn, người môi giới thậm chí là khâu kiểm tra y tế khi có rủi ro xảy ra. Đó cũng là yếu tố khiến khách hàng không mặn mà với gói bảo hiểm.

Dù đã có tư vấn viên hướng dẫn nhưng hầu như hợp đồng bảo hiểm đều dài hàng chục trang với phông chữ nhỏ như kiến khiến việc đọc hiểu thông tin rất khó khăn. Đó cũng là lý do mà khách hàng tỏ ra chán nản và không muốn tìm hiểu các gói bảo hiểm.

Mức độ trung thành của khách hàng thấp

Đúng là bảo hiểm nhân thọ thường có xu hướng “để đó và quên đi”, rất ít người ngó ngàng tới hợp đồng sau khi mua. Do đó, bảo hiểm và người tiêu dùng có mối liên hệ kém. Đó là lý do mà rất nhiều người ký xong lại bỏ xó bảo hiểm hoặc đóng tiền “đứt gánh giữa chừng".

Tại Việt Nam, theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện đang ở mức thấp, rất nhiều hợp đồng bảo hiểm bị khách hàng hủy bỏ. Chỉ tính riêng năm 2014, đã có tổng cộng 436.749 hợp đồng bị hủy bỏ. Các năm sau đó, Bộ Tài chính không công bố số lượng hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ. 

Quản lý và xử lý dữ liệu không hiệu quả

Các công ty bảo hiểm nhân thọ tổng hợp dữ liệu thông qua các thuật toán về người dùng kết hợp với các tài liệu y tế đương thời. Tuy nhiên, dữ liệu này không sát sao với nhu cầu của người dùng vì vậy % từ chối mua bảo hiểm rất cao.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam

Tuy vậy, ở thị trường Việt Nam, báo cáo năm qua hầu như các công ty bảo hiểm nhân thọ nào cũng có tăng trưởng khá bền vững, thậm chí là “mạnh” – như một yếu tố thể hiện niềm tin từ người dùng ngày càng tăng cao.

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ năm 2018 được báo cáo tăng trưởng mạnh

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ năm 2018 được báo cáo tăng trưởng mạnh

Báo cáo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, Bộ Tài chính cho thấy, 7 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới thị trường bảo hiểm nhân thọ 7 tháng đầu năm ước đạt hơn 15.195 tỷ đồng, tăng 33,29% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, một vị tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm đã đặt ra câu hỏi là: “Tại sao các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn chỉ cạnh tranh nhau trong 8% này mà không chịu vượt ra ngoài giới hạn?” thì có nghĩa con số báo cáo về doanh thu trên một chỉ là con số ảo hay chỉ là những gói hợp đồng bảo hiểm ngắn hạn.

Hơn nữa, kể từ năm 2015 trở lại đây, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ liên tục báo lỗ lợi nhuận dù cho số lượng các phòng giao dịch, chi nhánh vẫn gia tăng, doanh thu báo tăng trưởng ổn định thì quả là khập khiễng.

Thêm nữa, những vụ kiện cáo và thất thiệt liên quan đến bảo hiểm nhân thọ trong năm vừa qua không phải là ít, vậy thì các công ty bảo hiểm đã làm tròn trách nhiệm “trọn niềm tin ở khách hàng” hay chưa?.

Do vậy, để nói thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2018 có khả quan hay không cũng chỉ là con số “trên giấy” chưa thực sự xác thực đối với người dùng.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có nhiều cơ hội mới để phát triển, nhất là với phân khúc khách hàng thành thị, những người gia tăng ứng dụng công nghệ số, mong muốn tìm kiếm nguồn thu cao hơn nhờ các hoạt động đầu tư.