Nỗi buồn bảo hiểm (2): Khi người dân mất niềm tin
Cập nhật lúc: 14/11/2018, 06:31
Cập nhật lúc: 14/11/2018, 06:31
Có mặt tại thị trường Việt Nam hơn 20 năm nhưng bảo hiểm nhân thọ vẫn như một chú nhím gai góc để rồi mỗi người đều e ngại khi tiếp xúc, sợ không cẩn thận sẽ bị những chiếc gai kia làm tổn thương.
Nói không oan khi bảo hiểm bị gắn cho biệt danh “lừa đảo” bởi qua những câu chuyện của Prudential, Dai-ichi, Manulife... với những vụ án lừa đảo, sai phạm lên tới hàng trăm triệu đồng, người dân chỉ còn biết ở đó ôm đống giấy tờ mà khóc than.
Trong khi bảo hiểm tại các quốc gia như Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan,... phát huy tối đa sức mạnh của mình, trên 90% người dân chủ động tìm đến bảo hiểm để được tư vấn tham gia thì tại Việt Nam, những cuộc gọi điện tư vấn bảo hiểm lại luôn nhận được cái lắc đầu ngao ngán của người nghe.
Nhưng "không có lửa làm sao có khói", khoảng năm 2012-2013, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm nhân thọ đã kéo theo một làn sóng những công ty bảo hiểm nước ngoài gia nhập Việt Nam, với sự hấp dẫn của một loại hình đầu tư, tiết kiệm mới, những khoản thưởng kếch xù được tung ra, vì thế, rất nhiều người từ ngành khác đã nhảy sang bảo hiểm với hy vọng đổi đời.
Cũng chính từ đây, nhiều chiêu trò nhằm thu hút khách hàng, lôi kéo hợp đồng xuất hiện. Nhân viên bảo hiểm liên tục gọi điện, "xin lỗi làm phiền, xin chút thời gian tư vấn,..." rồi vẽ ra tương lai sáng lạn, tung ra những khoản chiết khấu khủng,... Người tin lao đầu vào mua, người còn nghi ngờ thì cảm thấy bị làm phiền và có ác cảm dần với bảo hiểm nhân thọ.
Đó chính là nguyên nhân khiến cho doanh số bảo hiểm thời gian đó tăng đột biến. Nhưng rồi, tái tục 2 năm, khách hàng không còn muốn đóng, làm tỷ lệ duy trì hợp đồng giảm đáng kể, tụt xuống chỉ còn khoảng 6-7% người dân mua và duy trì bảo hiểm/năm. Đến nay, con số này chỉ nâng lên mức khoảng 8% dân số.
Khi tìm kiếm các thông tin về bảo hiểm, khách hàng không thấy những tin PR, quảng cáo thì lại là tin lừa đảo. Với từ khóa “bảo hiểm nhân thọ” kết quả sẽ cho ra hàng loạt những tin tức dưới dạng quảng cáo, những bài viết rất dài với cơ man là lợi ích của bảo hiểm mà khi lạc vào đó, người dùng chỉ muốn mua ngay cho mình vài gói bảo hiểm.
Nhưng ở chiều ngược lại, khi tìm kiếm từ khóa “sai phạm bảo hiểm” thì cũng lại xuất hiện không ít những tin tức về hoạt động bảo hiểm lừa đảo, người mua ở cảnh “tiền mất, tật mang” khi mua bảo hiểm nhân thọ.
Có nhu cầu mua bảo hiểm, chị Trần Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Mình muốn mua một gói bảo hiểm cho con và cho bản thân nhưng khi tìm kiếm trên internet thì từ không hiểu rõ lại thành ra hoang mang vì có quá nhiều thông tin, tốt xấu lẫn lộn không biết đường nào mà lần. Tin tiêu cực rất nhiều, bên cạnh đó, những thông tin quảng cáo cũng rất nhiều. Mà đã là quảng cáo thì khó lòng tin được.”.
Vậy là từ không biết, không hiểu, muốn tìm kiếm thông tin thì người dân lại bị đẩy vào thế bất an, hoang mang vì không có được cho mình những thông tin cần thiết để hiểu về bảo hiểm.
Một lựa chọn khác là người mua tới các chi nhánh và được tư vấn, làm rõ thông tin từ các tư vấn viên. Tuy nhiên, với nhiệm vụ bán hàng thì ắt hẳn các tư vấn viên cũng sẽ có những màn cung cấp thông tin như quảng cáo và còn chân thực, sống động hơn nhiều lần.
Bên cạnh đó, hầu hết các hợp đồng bảo hiểm đều khá dài, ngôn ngữ trình bày hoặc đi sâu vào chuyên môn hoặc có nội dung “na ná” nhau nên người đọc cũng sẽ dễ dàng lạc vào “mê hồn trận”.
Sự bùng nổ mạnh mẽ của bảo hiểm nhân thọ đã khiến cho thị trường trở thành cửa hàng... tạp hóa với đủ các loại hình, thêm vào đó, áp lực cạnh tranh khiến các hãng đua nhau tăng doanh số, áp chỉ tiêu, tuyển dụng nhân sự ùn ùn để rồi dẫn đến tình trạng không kiểm soát được chất lượng nhân viên, gia tăng những vụ việc lừa đảo khách hàng, nhân viên môi giới ôm tiền bảo hiểm rồi cao chạy xa bay.
Mặc dù khi thành lập các công ty bảo hiểm đều phải có sự chấp thuận của Nhà nước để đi vào hoạt động nhưng nhiều hãng bảo hiểm không kể lớn nhỏ, từ Prudential, AIA đến Manulife... vẫn thường xuyên dính phải tin đồn xấu và các vụ việc liên quan đến lừa đảo, kiện tụng từ người dùng.
Đánh giá về thị trường bảo hiểm nhân thọ trong nước, các chuyên gia trong ngành hầu hết đều có cái nhìn tích cực với một thị trường mới mẻ và đầy tiềm năng như Việt Nam. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn đẩy mạnh phát triển và khai phá hết thị trường còn quá nhiều dư địa như vậy. Tuy nhiên, để tăng trưởng mà vẫn đảm bảo chất lượng thì còn là câu chuyện rất dài.
Cũng đã có ý kiến nghi ngại rằng mức độ tăng trưởng tới hơn 30% của bảo hiểm nhân thọ sẽ dễ đẩy thị trường vào trạng thái nóng. Đặc biệt là khi thị trường tăng trưởng nhưng lại chỉ tăng về giá trị hợp đồng, còn số lượng hợp đồng và con số tái tục bảo hiểm không lớn, chứng tỏ vẫn còn rất nhiều người dân chưa được bảo vệ.
06:30, 08/11/2018
02:00, 30/10/2018
01:04, 08/02/2018
21:14, 15/01/2018