Nợ vay "phình to", chi phí lãi vay của các doanh nghiệp BĐS tăng đột biến
Cập nhật lúc: 04/09/2024, 07:09
Cập nhật lúc: 04/09/2024, 07:09
Theo thống kê từ VietstockFinance, tổng dư nợ vay của 116 doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán tại ngày 30/6/2024 là hơn 491.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Nếu so với đầu năm 2020, mức dư nợ vay này tăng tới gần 60%.
Trong đó, Địa ốc Hoàng Quân, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp), Bất động sản Phát Đạt hay Nhà Khang Điền là những doanh nghiệp lớn có tỷ lệ nợ vay tăng mạnh.
Đáng chú ý nhất là CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã: HQC) ghi nhận dư nợ vay tăng đột biến đến hơn 22 lần (+ 2.126%), từ 62 tỷ đồng thời điểm đầu năm nay lên đến 1.370 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2024, chiếm 13% tổng tài sản.
Theo giải trình của doanh nghiệp, khoản vay tăng đột biến là do HQC mua cổ phần và hợp nhất báo cáo tài chính CTCP Đầu tư Thành phố Vàng (HQC sở hữu 98,04%) trong quý I/2024.
Hay CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP), ở thời điểm đầu năm 2024, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận nợ vay đạt 1.686 tỷ đồng, nhưng kết thúc quý II/2024, con số này đã tăng 81%, lên 3.043 tỷ đồng, chiếm 13% tổng tài sản.
Theo báo cáo tài chính doanh nghiệp, nguyên nhân khiến nợ vay tăng là do phát sinh thêm khoản nợ dài hạn tại Vietcombank hơn 780 tỷ đồng. Khoản vay này nhằm chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (giai đoạn 3). Ngoài ra, trong kỳ vừa qua, SIP còn có thêm khoản nợ vay ngắn hạn 600 tỷ đồng tại các ngân hàng khác.
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG) cũng là một trong những doanh nghiệp có dư nợ vay tăng mạnh. Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận nợ vay tăng 39%, đạt 4.325 tỷ đồng ở thời điểm cuối tháng 6/2024, trong khi đầu năm chỉ ở mức 3.112 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do dư nợ trái phiếu DIG phát hành cho HDBank vượt mức hơn 1.550 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2024, trong khi đầu năm chỉ hơn 250 tỷ đồng. Thuyết minh về khoản mục này, DIG cho biết đây là khoản huy động của công ty từ HDBank thông qua 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.600 tỷ đồng, cùng có kỳ hạn 36 tháng.
Theo sau DIG là CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR). Doanh nghiệp này ghi nhận nợ vay tăng 35% trong 6 tháng đầu năm, từ mức 3.105 tỷ đồng lên 4.184 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay ngân hàng và một số bên khác.
Đáng chú ý, PDR phát sinh khoản vay tín chấp hơn 63 tỷ đồng đối với CTCP Kinh doanh và Dịch vụ Bất động sản Realty Holdings, nhằm bổ sung vốn lưu động. Realty Holdings là đối tác ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với PDR, cam kết bán và mua toàn bộ sản phẩm thuộc dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1&2 (Bình Dương) và Khu đô thị Bắc Hà Thanh (Bình Định).
22% là mức tăng nợ vay của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã: KDH). Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận nợ vay đạt 7.740 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu là tăng vay dài hạn tại các ngân hàng nhằm tài trợ cho các dự án trọng điểm như Khu nhà ở Bình Trưng Đông, Khu trung tâm dân cư Tân Tạo - khu A và Khu nhà ở Bình Hưng 11A.
Bên cạnh 5 doanh nghiệp nêu trên, một số cái tên khác cũng ghi nhận xu hướng nợ vay tăng và nằm trong top 20 doanh nghiệp bất động sản có dư nợ vay tăng mạnh nhất tại thời điểm 30/6/2024 là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC) tăng 34%, Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (mã: SGR) với 16%, CTCP Long Hậu (mã: LHG) tăng 13%...
Với tổng nợ vay tăng cao, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp bất động sản cũng ghi nhận "phình lên". Theo thống kê của VietstockFinance, tổng chi phí lãi vay của 116 doanh nghiệp bất động sản trong quý II/2024 ở mức 9.081 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023 và xu hướng này được dự báo sẽ có khả năng tăng dần đều qua các quý.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh sức khỏe các doanh nghiệp vẫn cần thời gian để bình phục, tổng nợ phải trả bao gồm nợ vay, nợ trái phiếu… tăng cao sẽ là gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, chi phí lãi vay đang tăng lên từng ngày, song hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nếu không hiệu quả sẽ tạo thêm khoản lãi khổng lồ hàng năm, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, việc nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản tăng cao không hẳn là điều tiêu cực. Bởi nợ vay tăng chứng tỏ các doanh nghiệp đang cải thiện dần khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn tín dụng. Và đây là điều mà thị trường đang trông ngóng suốt gần 2 năm nay, kể từ khi nguồn vốn chảy vào thị trường bất động sản ngày càng hạn chế ở thời điểm cuối năm 2022.
Do đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp bất động sản phải cân đối cẩn thận các khoản vay và có kế hoạch sử dụng khoản vay hợp lý./.
Nguồn: https://reatimes.vn/no-vay-phinh-to-chi-phi-lai-vay-cua-cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-tang-dot-bien-202240831183316184.htm
09:00, 26/08/2024
09:18, 22/08/2024
10:00, 20/08/2024
07:09, 16/08/2024
09:16, 15/08/2024