21/11/2024 | 15:44 GMT+7, Hà Nội

Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau trong ngày Tết

Cập nhật lúc: 04/02/2024, 18:07

TP. Hà Nội tăng mức tiền và mở rộng đối tượng được tặng quà Tết để mọi nhà đều đón Tết. Đây là chia sẻ của Phó Giám đốc Sở LĐ TB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong về chăm lo Tết 2024 cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thưa ông, với Kế hoạch số 308/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có hướng dẫn các quận, huyện thực hiện như thế nào và đạt kết quả ra sao?

- Để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc Xuân Giáp Thìn, Thành ủy đã có chỉ đạo từ rất sớm và UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 308/KH-UBND. Căn cứ vào chỉ đạo của Thành ủy cũng như UBND TP, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã xây dựng hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể để các đơn vị, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện việc tặng quà tới các đối tượng, đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội trong dịp Tết.

Trong đó, quan tâm nhiều đến các chế độ, chính sách ưu đãi người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người cao tuổi. Chúng tôi dự kiến tặng quà cho khoảng hơn 1 triệu người với tổng kinh phí trên 552 tỉ đồng.

Ngoài các chính sách chung của Nhà nước, TP Hà Nội có những chính sách riêng đối với các đối tượng đặc thù, đối tượng chính sách. Đó là, ngoài 2 mức quà tặng bằng tiền mặt 600.000 đồng/suất và 300.000 đồng/suất của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, TP Hà Nội cũng đưa ra 2 mức là 2.000.000 đồng/suất và 1.000.000 đồng/suất. Chính sách này được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND TP Hà Nội. Qua đó đã thể hiện chính sách rất nhân văn, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo Tết đối với các đối tượng trên địa bàn của TP Hà Nội.

Và, không chỉ có mức tiền cao, TP Hà Nội cũng mở rộng thêm nhiều đối tượng được tặng quà so với Trung ương quy định. Và cùng với việc thực hiện các quy định của Nhà nước, chính sách đặc thù của TP Hà Nội, các đơn vị, quận, huyện đã vận động thêm những nhà hảo tâm, DN ủng hộ để quan tâm, chăm lo thêm đối với những cơ sở có nhiều người lao động sản xuất, gia đình chính sách, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội trên địa bàn quận, huyện.

Dịp Tết Giáp Thìn này, đã có bao nhiêu suất quà tặng được gửi tới người có và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được chăm lo ra sao, thưa ông?

- Tính đến hôm nay, chúng tôi đã cùng với các cấp, các ngành quan tâm tặng quà đến 274.950 đối tượng người có công, với mức chi khoảng 242 tỉ đồng, từ nguồn kinh phí Trung ương, TP Hà Nội và nguồn xã hội hóa.

Ngoài đối tượng tặng quà của Chủ tịch nước, TP Hà Nội tặng thêm quà cho các đối tượng là đại diện thân nhân của người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” đã chết, với mức 2.000.000 đồng/suất và 300 nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức quà tặng 1.000.000 đồng/suất.

Trong các chính sách đó, chúng ta đặc biệt quan tâm tới các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 64 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; TP đã có văn bản chỉ đạo và chúng tôi có hướng dẫn việc quan tâm, chăm lo đối với các Mẹ trong dịp này.

Đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng có thân nhân, gia đình, ngoài các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước cũng như đặc thù của TP thì các cơ quan, đơn vị, DN nhận đỡ đầu chăm sóc, phụng dưỡng. Trong dịp này các cơ quan, đơn vị đỡ đầu cũng tới thăm, tặng quà và chúc Tết các Mẹ, qua đó tạo nên sự đầm ấm, gắn bó.

Với những Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống cô đơn, chúng tôi có đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là các bác trong tổ dân phố quan tâm chăm lo, thăm hỏi, chia sẻ. Từ đó để đảm bảo các Mẹ sẽ có một cái Tết thực sự vui vẻ và hạnh phúc bên cạnh những người thân ở hàng xóm láng giềng, tổ dân phố.

Thưa ông, TP Hà Nội có một số Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có chỉ đạo những đơn vị này chăm lo Tết cho các đối tượng người có công thế nào?

- Hiện nay, toàn TP có 5 Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công. Thực tế hiện nay có 2 Trung tâm đang nuôi dưỡng người có công đó là Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội đang chăm sóc và nuôi dưỡng 4 bác thương binh mất trên 80% sức lao động do thương tật. Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội đang chăm sóc 38 người có công và thân nhân liệt sĩ. TP Hà Nội đã quan tâm để đầu tư, cải tạo những đơn vị này và ban hành chính sách đặc thù để người có công được ở trong điều kiện tốt hơn và mức sống cao hơn.

Về phía các Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức những hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ví dụ như tổ chức cho các đối tượng người có công ăn tất niên, gói bánh chưng, chương trình văn hóa – văn nghệ tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi để các bác cảm thấy ấm áp hơn. Và sẽ được đón một cái tết vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc bên những người thân quen, đặc biệt là các anh chị am ở Trung tâm.

Đối với Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam/Dioxin thì việc chăm lo Tết Nguyên đán 2024 cho họ được thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Đây là trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng các nạn nhân cũng như là con đẻ của những người bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin; chúng tôi cũng đã có chỉ đạo việc chăm lo Tết cho họ. Và trong những ngày này, Trung tâm đón tiếp những sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể để có thêm nhiều điều kiện chăm lo cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng và điều trị tại đây.

Hiện nay Trung tâm có khoảng 123 nạn nhân da cam/dioxin là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học đang được chăm sóc tại Trung tâm. Trung tâm đã chuẩn bị những điều kiện để đón Tết cũng như lên kế hoạch tổ chức các hoạt động, chẳng hạn như gói bánh chưng, các chương trình vui chơi cho đa phần các đối tượng tham gia để họ cảm nhận được không khí ngày Tết rất là vui vẻ và đầm ấm. Đối với các trường hợp có thân nhân, gia đình lên đón về nhà ăn Tết, Trung tâm sẽ tạo điều kiện tốt nhất, để mọi người vừa vui Tết ở tại Trung tâm nhưng đồng thời được đón Tết sum họp bên gia đình.

Thưa ông, để chăm lo cho mọi người đều có Tết 2024, ngoài nguồn ngân sách từ Trung ương, TP Hà Nội thì các quận huyện đã vận động xã hội hóa như thế nào?

- Năm nay, với mong muốn mọi người, mọi nhà đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau, ngoài sự quan tâm của Nhà nước thì các tổ chức, cơ quan, đoàn thể và các nhà hảo tâm cũng đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả các Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin.

Và do vậy nhiều địa phương đã triển khai thực hiện xã hội hóa và thực hiện rất tốt. Chúng tôi đánh giá một số địa phương vận động xã hội hóa đạt kết quả tốt là quận Long Biên, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm và các huyện Mê Linh, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì... Và, có nơi tặng cho các đối tượng những suất quà mức 1 triệu đồng, 2 triệu đồng, rồi có thêm gói quà là những thứ đồ thực phẩm thiết yếu dùng trong ngày Tết như dầu ăn, gia vị, gạo, bánh chưng, thịt... Qua đó, giúp cho các đối tượng có thêm nhiều điều kiện tốt hơn, thực sự có một cái Tết rất vui vẻ.

Những ngày này, trời Hà Nội rất lạnh, có nhiều hôm nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C nhưng có những người lang thang nằm co ro nơi vỉa hè, đường phố. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có chỉ đạo các Trung tâm Bảo trợ xã hội để tập trung đưa người lang thang về tránh rét, ăn Tết ra sao, thưa ông?

- Thực sự là trong những ngày này, thời tiết ở Hà Nội đang giá lạnh và một số địa bàn công cộng đã phát sinh số người lang thang nhiều hơn mọi khi.

Chúng tôi đã chỉ đạo để tất cả các quận, huyện phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội để đi kiểm tra, rà soát những nơi người lang thang tập trung để có giải pháp. Một là, đối với các đối tượng có thân nhân, gia đình ở đây thì vận động họ trở về nhà. Hai là, đối với những đối tượng lang thang không có nơi ăn chốn ở thì Đội Trật tự xã hội lưu động của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội có xe ô tô đón và đưa vào Trung tâm. Như thế, người lang thang được giúp vượt qua khó khăn để tránh rét cũng như đảm bảo được đón một cái Tết như mọi gia đình.

Chúng tôi rất mong muốn tất cả mọi người được về đoàn tụ với gia đình hoặc là nếu trường hợp lang thang cơ nhỡ thì được đón vào các Trung tâm để đón Tết. Cũng có thể trong đêm giao thừa hoặc đến ngày mùng 1 Tết, mùng 2 Tết sẽ có những người dân ở các địa phương có thể vì công việc ở Hà Nội không kịp về quê đón Tết còn cơ nhỡ trên địa bàn Thủ đô. Chúng tôi cũng đã có hướng dẫn các quận, huyện là: Trong nguồn chung để chăm lo Tết cho người dân thì cũng dành một phần để trong trường hợp cần phải hỗ trợ các trường hợp cơ nhỡ trong dịp Tết. Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội thường xuyên trực 24/24h để kịp thời đón nhận thông tin trường hợp lang thang cơ nhỡ do các quận, huyện gửi về trong dịp Tết để họ được đón Tết trong không khí đầm ấm và vui vẻ, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-no-luc-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-trong-ngay-tet.html?fbclid=IwAR1JGfctBK1bk9ZiTE_8S1LGPueGtbZgJI1wjj8MOM8u9OL4hVGLWNtxTFI