18/01/2025 | 19:08 GMT+7, Hà Nội

Năm 2024 hoàn thành tối thiểu 130.000 căn hộ nhà ở xã hội

Cập nhật lúc: 26/01/2024, 08:58

Đây là một trong những chỉ đạo của Chính phủ được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu ra tại Hội nghị UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 9, khóa IX và thông tin về tình hình KTXH năm 2023, định hướng phát triển KTXH 2024.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ thông tin về tình hình KTXH năm 2023, định hướng phát triển KTXH năm 2024. (Ảnh: VGP)

Theo Phó Thủ tướng, năm 2023, Chính phủ đã thành lập 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ trực tiếp nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương. Trong đó, có Tổ công tác của Chính phủ để giải quyết vấn đề bất động sản.

Nhờ đó, năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng tăng 6,2% so với năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài…

Trước những kết quả khả quan của nền kinh tế, Việt Nam trở thành một trong hai nước ở châu Á - Thái Bình Dương được nâng hạng. Theo đó, Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022.

Để vượt qua khó khăn, đồng thời nắm bắt cơ hội trong năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%)

Cùng với giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%), bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam.

Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn cho phép, cắt giảm chi thường xuyên 5%.

Tập trung vào ba động lực tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 6% so với năm 2023.

Năm 2024 hoàn thành tối thiểu 130.000 căn hộ nhà ở xã hội

Nhiệm vụ thứ hai là phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Năm 2024 hoàn thành tối thiểu 130.000 căn để đáp ứng nhanh phần nào nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp.

Nhà ở xã hội của Kim Oanh Group tại Bến Cát, Bình Dương. (Ảnh minh họa)

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Trong năm 2024, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.

Nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công một số dự án đường bộ cao tốc.

Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và các hạ tầng quan trọng khác.

Tích cực triển khai Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững đô thị Việt Nam; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt trên 43,7%.

Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Cần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới.

Nhất là phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn...

Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Mục đích là tháo gỡ rào cản, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

Theo đó, Chính phủ quyết tâm hoàn thành toàn bộ 7 mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế, 16 chỉ tiêu về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện nền tảng tích hợp cơ sở dữ liệu, tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia; tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến./.

Nguồn: https://reatimes.vn/nam-2024-hoan-thanh-toi-thieu-130000-can-ho-nha-o-xa-hoi-202240125102813241.htm