18/01/2025 | 17:09 GMT+7, Hà Nội

Nợ chồng nợ vì trốn nghĩa vụ trả nợ vay tiêu dùng

Cập nhật lúc: 17/04/2020, 17:25

Vay nợ rồi tìm cách trốn nợ, chây ỳ trả nợ…, người đi vay đã tự đẩy mình vào thế khó khi phải chịu mức lãi phạt cao hơn, dính 'vết đen' trên lý lịch tài chính, bị nợ xấu trên CIC,...

Lãi phạt cao khi chây ỳ không trả nợ

Cần gấp một khoản tiền song lại không thể vay ngân hàng, anh N.T.H. (Hà Nội) có vay một công ty tài chính 50 triệu đồng. Thủ tục vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp, số tiền vay được công ty nhanh chóng giải ngân trực tiếp vào tài khoản.

Thế nhưng, sau 4 tháng trả nợ, khi công việc kinh doanh không thuận lợi, anh H. đã không thanh toán. Sau nhiều lần thông báo yêu cầu trả nợ theo đúng hợp đồng và quy định của pháp luật không thành, anh H. nhận được thông báo của công ty tài chính yêu cầu trả nợ với số tiền cao hơn nợ gốc do bị tính lãi phạt, nếu không sẽ bị khởi kiện ra tòa.

Cũng giống như anh H., rất nhiều khách hàng khi vay vốn tiêu dùng đã xem nhẹ trách nhiệm trả nợ, dẫn tới những hệ lụy không nhỏ, bị nợ xấu trên CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia) và không thể vay vốn ngân hàng nhiều năm sau đó…

Theo các chuyên gia kinh tế, việc công ty tài chính có lãi suất vay cao hơn so với ngân hàng thương mại, và việc áp lãi phạt cao đối với khách hàng chây ỳ, trốn nợ để bù đắp rủi ro là điều đương nhiên. Bởi công ty tài chính đa phần cho vay tín chấp không có tài sản đảm bảo, nếu không áp lãi phạt cao, tỉ lệ trốn nợ sẽ rất lớn, dẫn đến khó bảo toàn vốn hoạt động.

Các chuyên gia cũng cho rằng với các món vay của công ty tài chính, cho vay 10 thì 2 món có nguy cơ mất trắng. Chưa nói các chi phí, rủi ro cao là lý do các công ty này phải đưa lãi suất cho vay, biên độ lợi nhuận phù hợp để bù đắp rủi ro.

"Khách hàng bao giờ cũng muốn vay lãi suất thấp, nhưng vấn đề là thị trường có chấp nhận hay không. Nếu không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, người dân chỉ có hai lựa chọn: vay vốn công ty tài chính hoặc "tín dụng đen" với lãi suất cao gấp hàng trăm lần lãi suất của công ty tài chính. Nếu cộng tất cả các yếu tố chi phí sẽ thấy lãi vay của công ty tài chính cao gấp 2,5 - 3 lần ngân hàng vẫn là hợp lý", một chuyên gia phân tích.

Đối với trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã quy định khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. "Nếu không trả nợ đúng hạn, khách vay sẽ bị nợ chồng nợ", luật sư Hà Huy Phong, giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, cảnh báo.

Trả nợ đúng hạn để giảm rủi ro khi vay vốn

Theo ý kiến của các chuyên gia ngân hàng, lãi suất cho vay phản ánh mức độ rủi ro của việc cho vay. Rủi ro cao thì lãi suất càng cao, rủi ro thấp thì lãi suất càng thấp. Trên thực tế, không chỉ Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, lãi vay tiêu dùng và lãi phạt cũng được các ngân hàng áp dụng ở mức cao.

Chính vì vậy, muốn được hưởng lãi suất thấp, người vay nên có kế hoạch trả nợ rõ ràng, đúng hạn, tránh bị áp lãi phạt. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay nhận thức của nhiều khách hàng vay vốn tại Việt Nam về trách nhiệm trả nợ vẫn còn thấp, gây rất nhiều khó khăn cho công ty tài chính trong công tác thu hồi nợ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường này. Về lý, các công ty tài chính hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa để đòi nợ, song theo luật sư Trương Thanh Đức, tòa án cũng đang quá tải.

"Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh việc bảo vệ người đi vay và trật tự an toàn xã hội, luật cũng phải đặc biệt chú ý bảo vệ quyền sở hữu nói chung, quyền của bên cho vay nói riêng", luật sư Đức đề nghị.

Để giảm thiểu rủi ro cho người đi vay, về phía công ty tài chính, ông Nguyễn Thành Phúc - phó tổng giám đốc FE Credit - cũng khuyến nghị khách hàng cần có kỷ luật và quyết tâm trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay mỗi tháng, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hay nghiêm trọng hơn là mất khả năng thanh toán nợ.

"Việc thực hiện thanh toán đúng thời hạn theo thỏa thuận ban đầu giúp cho khách hàng không bị phát sinh thêm các khoản phí về lãi suất và phí phạt. Lịch sử tín dụng tốt sẽ hỗ trợ cho khách hàng có nhiều cơ hội tiếp cận với việc vay vốn với nhiều kênh khác nhau và được hỗ trợ nhanh chóng hơn. Người tiêu dùng cần hiểu rõ hệ lụy nếu có "vết đen" tài chính khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Bởi lẽ, chỉ cần người sử dụng phát sinh nợ xấu tại một tổ chức thì tất cả các nơi khác đều được thông báo và ngưng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nợ xấu", ông Phúc cảnh báo.