24/01/2025 | 04:28 GMT+7, Hà Nội

Những “vùng mờ” trong bảo tồn di sản kiến trúc Việt Nam

Cập nhật lúc: 27/04/2022, 05:50

Theo các chuyên gia, trong hoạt động bảo tồn di sản kiến trúc đô thị có những "vùng mờ", do đó, cần có giải pháp ứng xử với các công trình này sao cho cân bằng được lợi ích kinh tế và giữ gìn giá trị di sản.

Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, vì lẽ đó mà mỗi tấc đất đều in đậm những dấu tích lịch sử của ngàn xưa. Những dấu tích ấy không chỉ có giá trị về văn hóa, tinh thần, vật chất mà còn có giá trị về kiến trúc đặc biệt. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn và phát triển ngày càng sâu sắc, số lượng các di sản quy hoạch kiến trúc bị tổn hại, hư hao, bị phá bỏ để làm dự án là rất lớn.

Tại Talkshow: “Ứng xử với di sản kiến trúc: Từ tham chiếu quốc tế nhìn về Việt Nam” diễn ra vào ngày 23/4 do Midnight Talks tổ chức, TS. KTS. Tô Kiên, Quy hoạch sư Cao cấp kiêm Quản lý Ban Quốc tế, Tập đoàn EJEC chia sẻ, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Dù là quốc gia giàu hay nghèo cũng phải đối mặt với thách thức ngân sách eo hẹp cho bảo tồn và trùng tu di sản, trong khi áp lực từ kinh tế thị trường, đô thị hóa ảnh hưởng đến sự tồn vòng của di sản.

TS. KTS. Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) cho hay, trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, vấn đề xoay quanh các di sản kiến trúc đang rất “nóng”, đã có rất nhiều công trình kiến trúc cổ bị đe dọa, bị phá bỏ và xây thành các dự án. Hơn nữa, có nhiều công trình kiến trúc truyền thống như làng cổ, đình, chùa,… có thể được coi là di sản nhưng lại vô tình bị biến dạng, mất đi cái gốc ban đầu.

“Bên cạnh mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn hiện diện, còn có một điểm đặc biệt ở Việt Nam chúng ta là các công trình đang gặp phải nguy cơ mai một, bị xóa bỏ đều có một điểm chung là nằm trong ‘vùng mờ’. Nghĩa là các công trình có giá trị di sản nhưng chưa hoặc không được xếp hạng di tích nên không được bảo vệ và phát huy đúng đắn”, ông Lân bày tỏ. 

Hiện nay, tại Việt Nam một số khu như nhà thờ Bùi Chu (Nam Định), Khu Trung tâm Hòa Bình (Đà Lạt), Tòa Pháp cổ 61 Trần Phú (Hà Nội), Trạm phát sóng Bạch Mai (Hà Nội),… và nhiều công trình nữa đều đang nằm trong những “vùng mờ”. 

Ông Lân cho rằng có 4 loại di sản thường nằm trong "vùng mờ":

Thứ nhất, đó là những di sản chưa được phát hiện. 

Thứ hai, là di sản đã kiểm kê, đánh giá nhưng ko được xếp hạng di tích vì không có sự đồng thuận của chủ đầu tư.

Thứ ba, di sản có những giá trị “xa lạ” với quan niệm Việt Nam (công trình công nghiệp, hạ tầng, công trình sau năm 1954). 

Thứ tư, là những công trình chưa đủ để xếp hạng di tích nhưng có giá trị nhất định, có đóng góp tổng thể với vùng di sản (nhà cổ trong làng cổ, phố cổ, biệt thự cổ loại 2, 3). 

Theo ông Lân, nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của những “vùng mờ” này là do hướng dẫn xác định giá trị di sản của luật, văn bản dưới luật còn sơ lược, chưa đầy đủ. Trong đó, còn quá coi trọng di sản gắn với sự kiện lịch sử, chính trị, nhân vật lịch sử cụ thể, tập trung vào cá thể công trình mà chưa thực sự quan tâm thích đáng đến tổng thể mối liên hệ.

Bên cạnh đó, do quan niệm của nhà quản lý, công chúng về di sản không hoàn toàn tương đồng với thế giới. Còn bỏ sót những di sản công nghiệp, coi nhẹ giá trị di sản trong một số kiến trúc hiện đại, coi việc phục dựng không khác bảo tồn…

Hơn nữa, những công trình mà không được xếp hạng di tích, bảo vệ còn do vai trò quá lớn của chủ sở hữu di sản trong việc thực hiện quy trình xếp hạng di tích lịch sử.

ng xử với di sản kiến trúc sao cho vừa tạo động lực thúc đẩy phát triển, vừa bảo tồn được những giá trị đặc sắc. (Ảnh minh họa)
Ứng xử với di sản kiến trúc sao cho vừa tạo động lực thúc đẩy phát triển, vừa bảo tồn được những giá trị đặc sắc. (Ảnh minh họa)

“Mặc dù đã có nhiều công cụ xử lý những 'vùng mờ' này như: Luật Kiến trúc, văn bản dưới luật, danh mục các công trình có giá trị, quy hoạch nhưng thực tế vẫn còn khái quát, không cụ thể rõ ràng, thiếu sót trong quá trình bảo vệ”, ông Lân cho biết. 

Để xóa bỏ những “vùng mờ” trong bảo tồn di sản kiến trúc tại Việt Nam, TS. KTS. Trương Ngọc Lân nhìn nhận, một trong những công cụ rất tốt để bảo tồn là chính sách hoán đổi phát triển, ngoài ra cần công khai các thông tin bảo tồn, hướng dẫn chi tiết và có những phương án chuyển đổi các quyền lợi vừa bảo tồn được, vừa bảo vệ lợi ích cho chủ đầu tư mà vẫn đảm bảo được sự phát triển.

Chia sẻ tại Talkshow, các chuyên gia cũng chỉ ra ra những cách tiếp cận bảo tồn của các nước trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Đức, Pháp,... mỗi nước đều có lối tiếp cận bảo tồn riêng, đa dạng và hiệu quả. Đó sẽ là những bài học kinh nghiệm giúp ích cho công tác bảo tồn và phát triển tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, khi nhắc đến di sản là chúng ta đã động đến rất nhiều về câu chuyện kinh tế. Rõ ràng, vấn đề kinh tế vẫn được đặt lên hàng đầu bởi nếu không có quỹ tiền để trùng tu, bảo tồn. Việc hợp tác công tư, không có thành phần tư nhân thì sẽ làm gia tăng gánh nặng cho Nhà nước rất nhiều. Do đó, cần ứng xử với các công trình di sản kiến trúc sao cho mang lại sự đồng thuận của công chúng, cân bằng được lợi ích kinh tế - xã hội./.

Nguồn: https://reatimes.vn/nhung-vung-mo-trong-bao-ton-di-san-kien-truc-viet--20201224000011384.html