Những vui buồn của thợ chơi kính cổ Hà thành
Cập nhật lúc: 30/04/2019, 14:00
Cập nhật lúc: 30/04/2019, 14:00
Thú chơi đồ cổ, với những món đồ gốm, đồ đồng, đồ đá hay các trang sức thời xa xưa có niên đại hàng trăm năm, hàng nghìn năm có từ rất lâu, nhưng chỉ trong ít năm trở lại đây xuất hiện thú chơi kính cổ ở các TP, đô thị lớn, có những chiếc kính cổ được người chơi giao dịch với số tiền lên đến cả nghìn đôla.
Gượng dậy từ niềm đam mê
Trong giới anh em chơi kính Hà Nội đã không còn lạ gì cái tên “Hòa kính”, anh ta xuất hiện ở hầu khắp các khu chợ đồ cổ, đồ cũ, đồ xưa trên địa bàn Hà Nội, tới các khu chợ thuộc tỉnh Nam Định và ít lần xuất hiện ở các khu chợ vùng biên giới để “săn hàng”.
Tôi biết “Hòa kính” từ một phiên chợ đồ cổ ở làng Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, khi anh ta đang nâng lên, đặt xuống một chiếc kính Solex cổ đang được rao bán với giá 20 triệu đồng, là vì theo anh nhận định nếu còn nguyên zin, chiếc kính sẽ có giá cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, chiếc kính này đã bị mất ốc vít nên được chế đính vào, nếu chỉ mua để dùng thì được nhưng bán sẽ không được vì mất giá, thậm chí còn lỗ. Sau khi nghe “Hòa kính” tư vấn, tôi đã quyết định lấy chiếc kính và được anh ta giúp sức nên giảm xuống còn 13 triệu đồng. Sau đó tầm 1 năm anh trả tôi giá 25 triệu vì gặp khách đang săn mà kiếm đồ nguyên zin không có…
“Hòa kính” tên thật là Nguyễn Trọng Hòa (SN 1980), người quê Nam Định, dáng cao gầy, đầu trọc và đôi mắt hoắm sâu trông rất “nghề”. Từng đi xuất khẩu lao động được một thời gian ở bên Tiệp, Nhật Bản sau khi kiếm được ít vốn trở về Việt Nam cưới vợ rồi đầu tư vào buôn bán bất động sản, đồ điện tử, hàng Nhật bãi như loa đài, amply… thời điểm đó kiếm được tiền, nhưng bản tính lãng tử, tiền vào đến đâu tiêu xài tới đó, “đốt tiền” vào lò lô đề rồi Hòa phá sản lúc nào không hay.
“Cũng may là trời phú cho tôi cái sức khỏe và thời điểm đó dù ăn chơi phá phách tới mức nào thì cũng không “bập” vào ma túy, nên chơi hết vốn thì lại còng lưng kiếm tiền, giờ nghĩ lại thấy mình dại, nhưng tất cả cũng đã qua rồi nên đành cố gắng đánh vật lại với đời và thỏa chí đam mê vậy…” anh Hòa kể lại.
“Hòa kính” chia sẻ: Đến với kính là vì đam mê, nhưng khi bước chân tới Hà Nội, giao lưu với nhiều tầng lớp trong xã hội thấy thú chơi này được nhiều người đón nhận, nên từ đam mê, giao lưu anh chuyển sang kinh doanh, bán nốt suất đất ở quê để làm vốn đầu tư vào kính, chuyên đi “săn hàng kịch độc” cho những người cùng đam mê.
Tới nay, anh đã mua được căn nhà nhỏ nằm trên phường Thanh Xuân Nam và có trong nhà đến cả chục chiếc kính có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng trong bộ sưu tập kính Solex, Amor, Rayban, Lamy…, đồ của anh có chủ yếu có giá trên dưới 10 triệu đồng 1 chiếc kính. Chiếc đắt nhất mà anh đang sở hữu có người trả giá 7.000 USD nhưng anh không bán.
“Hòa kính” chia sẻ: “Đôi khi chỉ mất có vài chục triệu đã có trong tay mặt hàng có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng”… Ảnh: Hoàng Giáp |
Những buồn vui của “thợ săn” kính cổ
Anh Hòa cho biết: Các loại kính hiện đại, sang trọng được bán khá phố biến và có ở hầu khắp các nơi, từ đô thị tới nông thôn với phong cách trẻ trung, đa dạng. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người lại có xu hướng hoài cổ, nên nhiều người trở nên “dị biệt” khi kiếm cho mình những vật dụng đã được “nhuốm màu thời gian”, đặc biệt là với những chiếc kính cổ mạ vàng. Những món đồ càng độc, dị lại càng thể hiện đẳng cấp của những tay chơi, tuy nhiên việc có cho mình những chiếc kính như vậy thật không dễ dàng gì.
“Ví dụ như một chiếc kính Lynor Amor nguyên zin hàng cổ xịn bọc vàng 18k của Pháp là món hàng “kịch độc” cực hiếm trên thị trường "độc nhất vô nhị", hàng cổ "xịn" mạ vàng 18k của Pháp. Đây là món hàng mà dân sành chơi ai cũng muốn sở hữu nhưng không phải ai cũng có được, vì chỉ cần nhìn thấy kính là biết ngay đẳng cấp người chơi. Đôi khi chỉ mất có vài chục triệu đã có trong tay mặt hàng có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng, người trong nghề chúng tôi gọi đấy là cái duyên, nhiều khi đi săn lùng cả tháng trời cũng không được chiếc nào ưng ý…!”, anh Hòa tâm sự.
Một góc chợ đồ cổ Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. |
"Giá thì vô cùng. Với người này thì đắt đỏ, với người khác lại thấy vừa túi tiền. Giá cả không quan trọng mà điều cốt lõi là người chơi được sở hữu món đồ mình yêu thích, bởi thế có những chiếc kính được nâng giá lên tới 8.000 USD. Nhưng thường thì những chiếc kính cổ đang được dùng phổ biến chỉ có giá trên dưới 10 triệu đồng đều là những chiếc kính đời không sâu, như của tôi có hai loại là kính Solex mắt quả trứng, Solex chữ H… hoặc là không còn nguyên bản, vì thời gian đã làm chúng bị hỏng hóc, mai một…!” ông Tuấn nhà ở phố Đại Từ, Hà Nội, một tay chơi kính cổ chia sẻ.
“Nhiều người thậm chí bỏ ra cả nghìn đô tiền môi giới để tìm chiếc kính xịn chơi mà không được, còn hiện nay hàng ở Việt Nam hiện đang được rao bán phổ biến trên các trang mạng chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc. Có những chiếc kính được gọi là kính cổ nhưng có giá còn chưa tới 1 triệu đồng, điều này khiến cho không ít anh em trong nghề cảm thấy buồn và như vừa bị ai đó nói xấu sau lưng vậy…!”, ông Tuấn nói.
Những người “bén duyên” với kính cổ thường là để thỏa mãn đam mê, nhưng cũng không ít người chỉ là để kiếm tiền khi mà trào lưu chiếm hữu những món đồ độc đáo, lạ và quý hiếm của các đại gia Hà thành ngày một phổ biến và kính cổ được nhiều người yêu mến. Chính điều này đã khiến trào lưu chơi kính bị ảnh hưởng không ít, với sự thâm nhập của các loại kính giả cổ, hoặc hét giá trên trời, vượt quá giá trị thực của những chiếc kính cổ gấp nhiều lần.
Trên mạng, chỉ sau một vài từ khóa về kính cổ và một cú nhấp chuột, hàng loạt những thông tin rao bán kính cổ mạ vàng hiện trước mắt. Chủ nhân của những chiếc kính đều quả quyết bán kính cổ mạ vàng "xịn", có chiếc thì để giá công khai chỉ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng, hoặc giá cả thỏa thuận. Tuy nhiên, theo nhận định của anh em trong nghề thì đa phần đây là những chiếc kính nhái đồ cổ và được nhập từ Trung Quốc.
Vì các kính được rao bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc kính mà anh em trong nghề đưa ra, “Hòa kính” mách nước: Chơi đồ cổ không chỉ bằng tai nghe, mắt thấy mà người chơi phải có nghề, nếu không rất dễ bị mất tiền thật để lấy về đồ "rởm". Tất nhiên, vẫn có những lúc mình mua được với giá rất rẻ lại có giá trị cực lớn, thậm chí là vô giá, nhưng ngược lại thì có những thứ mua với giá cực đắt lại là đồ… giả.
Nói đâu xa, ngay cả bản thân là người có nghề như “Hòa kính” cũng đã từng bị mất trắng 50 triệu đồng cho một phiên giao dịch ngay từ những ngày đầu chập chững bước chân vào nghề “Lúc ấy, vì làm ăn thua lỗ nên khi bắt đầu đến với nghề chơi kính, mình chỉ là tìm đến đam mê để quên đi thất bại. Vì thế mà đã bị lừa, tôi có khách hỏi mua chiếc kính Solex cổ bọc vàng với giá 70 triệu, tin tưởng nên không yêu cầu phải đặt cọc tiền. Sau khi giao dịch xong chiếc kính với giá 50 triệu đồng với một thợ kính, đến hôm trao hàng cho khách thì không thể liên lạc được, sau mới phát hiện ra là mình rơi vào một kịch bản của đội chuyên lừa. Nhờ anh em trong nghề định giá thì chiếc kính chỉ rơi vào tầm 15 triệu đồng, đấy là chiếc kính mà tới tận bây giờ tôi vẫn đang đeo…!”.
Hoàng Giáp
19:00, 28/04/2019
14:00, 27/04/2019
09:01, 23/04/2019