18/01/2025 | 14:51 GMT+7, Hà Nội

Những vụ trốn thuế của các "ông lớn" gây chấn động toàn cầu

Cập nhật lúc: 14/12/2018, 08:31

Trong số những “gương mặt” trốn thuế đình đám, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Apple, Google... với hàng loạt thủ đoạn tinh vi đến giật mình.

"Ông lớn" lừng danh làng công nghệ Apple trốn thuế

Một bức ảnh người dân châu Âu ra mặt biểu tình buộc Apple đóng thuế đầy đủ

Một bức ảnh người dân châu Âu ra mặt biểu tình buộc Apple đóng thuế đầy đủ

Theo báo cáo tài chính năm 2017, Apple thu về 44,7 tỷ USD từ các thị trường nước ngoài nhưng chỉ phải nộp 1,65 tỷ USD thuế cho các chính phủ, tương đương 3,7%. Tỷ lệ này chưa bằng một phần sáu thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trên thế giới. Trong khi Apple là công ty công nghệ hàng đầu thế giới thì con số đó là quá nhỏ.

Tuy nhiên, hồ sơ Paradise (Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế) chỉ ra, Apple đã lợi dụng lỗ hổng chính sách thuế để đảm bảo trốn thuế và thu trọn lợi nhuận từ thị trường nước ngoài.

Để trốn thuế, Apple đã thành lập các công ty con Apple Sales International (ASI) và Apple Operations International (AOI) tại một quốc gia cụ thể mà không cần di chuyển toàn bộ hoạt động của công ty đến quốc gia đó. Điều này cho phép Apple không phải đóng thuế doanh nghiệp tại các quốc gia trên toàn thế giới, trừ khoản thuế doanh thu.

Chỉ khi Apple tại Ireland bị phanh phui chuyện trốn thuế thì các hoạt động trên mới được đưa ra ánh sáng. Sau đó, trước sức ép từ Ủy ban Châu Âu, Apple tại Ireland đã bị truy thu 15 tỷ USD và 1,4 tỷ USD tiền lãi.

Phi vụ trốn thuế siêu tinh vi của "ông lớn" Google

Ông lớn Google cũng tìm cách lách luật không chịu đóng thuế

Ông lớn Google cũng tìm cách lách luật không chịu đóng thuế

Đại gia ngành công nghệ thế giới Google cũng tìm cách biển thủ thuế với chiêu hết sức tinh vi khiến dư luận châu Âu bất bình và dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ.

Cuối năm 2015, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã phanh phui ra việc các chi nhánh của công ty này ở nước ngoài đã bỏ túi trót lọt 43 tỷ USD tiền thuế.

Bằng cách lợi dụng “lỗ hổng thuế” của một số khu vực, Google đã chuyển khoản doanh thu khổng lồ tới các chi nhánh khắp thế giới. Google chuyển 12 tỷ USD đến một công ty chi nhánh ở Hà Lan.

Tại Anh, các quan chức cũng điều tra ra trong vòng 10 năm, Google kê khai thuế hụt đến 187 triệu USD. Sau đó, Úc cũng bắt tay vào điều tra đơn vị này.

Theo báo cáo thường niên, Google kê khai khoản thuế phải đóng năm 2011 chưa tới 2,6 tỷ USD. Con số này vẫn quá nhỏ so với số thuế thực tế mà Google phải đóng.

Phạm Băng Băng trốn thuế 130 triệu USD

Sự nghiệp của nàng Hoa Đán dường như chấm dứt vì scandal trốn thuế

Sự nghiệp của nàng Hoa Đán dường như chấm dứt vì scandal trốn thuế

Tháng 8 vừa qua, làng showbiz Hoa ngữ và toàn thế giới không khỏi bàng hoàng nghe tin Phạm Băng Băng và quản lý cấp cao đã bị bắt giữ để điều tra vụ trốn thuế.

Đến đầu tháng 10, Tân Hoa Xã đưa tin Tổng cục thuế Trung Quốc và Cục thuế Giang Tô đã đưa ra kết luận về những cáo buộc liên quan đến vụ Phạm Băng Băng trốn thuế. Theo đó, Phạm Băng Băng đã nhiều lần gian lận thu nhập cá nhân để tránh nộp thuế.

Không những vậy, với vai trò quản lý doanh nghiệp, đại diện pháp nhân, công ty do Phạm Băng Băng đứng tên cũng trốn thuế số tiền lên đến 20 triệu USD.

Cá nhân Phạm Băng Băng thì trốn thuế số tiền lên đến 37 triệu USD, và nộp phạt tới 69,74 triệu USD do hành vi gian lận này. Như vậy, tổng cộng nữ diễn viên Hoàn Châu cách cách sẽ phải nộp hơn 106 triệu USD, có nguồn tin còn cho biết, có thể số tiền này thực chất lên đến 130 triệu USD

Do đây là lần phạm tội đầu tiên nên Phạm Băng Băng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Cô chỉ bị xử phạt hành chính và yêu cầu nộp đủ số tiền phạt. Tuy nhiên, sự nghiệp của cô gần như là chấm dứt sau bê bối này.

CEO liên minh ô tô lớn nhất thế giới bị bắt vì cáo buộc trốn thuế

Ông Carlos Ghosn bị buộc tội đã biển thủ

Ông Carlos Ghosn bị buộc tội đã biển thủ 81.9 triệu USD tiền thuế

Ông chủ cũ của liên minh xe hơi lớn nhất thế giới Nissan-Renault-Mitsubishi đang bị cáo buộc về hành tri trốn thuế thu nhập lên đến 65 triệu Bảng (81.9 triệu USD). Ông Carlos Ghosn cũng bị cáo buộc đã vi phạm nhiều nguyên tắc chi tiêu tài chính của liên minh này khi ăn bớt tiền lương của nhà sản xuất ô tô.

Truyền thông Nhật cho biết, ông Ghosn bị cáo buộc không báo cáo thu nhập khoảng 44 triệu USD trong thời gian 5 năm và luôn khai báo lên Uỷ ban Chứng khoán Tokyo mức thu nhập thấp hơn so với thực tế.

Ông Carlos Ghosn có thể sẽ phải đối mặt với án tù 10 năm và đóng thêm tiền phạt 4,9 triệu Bảng nếu bị kết tội.

Vụ trốn thuế của ông trùm F1 lớn nhất nước Anh

Ông Bernie Ecclestones

Ông Bernie Ecclestones đã biển thủ hàng tỉ bảng tiền thuế

Ông trùm F1 Bernie Ecclestone bị buộc tội trốn thuế vào năm 2014 và được xem là vụ gian lận thuế lớn nhất lịch sử nước Anh và lịch sử ngành thuế trên thế giới.

Ông trùm đua xe công thức 1 đã trốn thuế bằng cách chuyển gần hết gia tài của mình cho vợ cũ Slavica vào năm 1996. Số tài sản khổng lồ này sau đó được chuyển vào công ty của gia đình Ecclestone bên Liechtenstein.

Do đó, ông không có trách nhiệm đóng thuế cho khoản lợi nhuận của công ty và không dính dáng đến công ty này dù ông vẫn ngấm ngầm cai quản hoạt động. Cơ quan điều tra đã phải theo dõi đến 9 năm mới có được sơ hở của ông trùm và đưa ra phán quyết ông trùm phải đóng 10 triệu Bảng Anh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng số tiền này đối với ông Ecclestone chỉ như muối bỏ biển. Thực tế con số này đáng lẽ phải 1,2 tỉ Bảng.