19/01/2025 | 02:19 GMT+7, Hà Nội

Những nội dung nổi bật của Luật An ninh mạng năm 2018

Cập nhật lúc: 13/06/2018, 11:31

Ngày 12/6, với hơn 86% đại biểu đồng ý tán thành Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng. Luật có hiệu lực 1/1/2019.

Những nội dung nổi bật của Luật An ninh mạng năm 2018

Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng với 86,86% đại biểu tán thành

Sau đây là một số nội dung chính của Luật An ninh mạng năm 2018. Những điều luật này định nghĩa hành vi, nội dung thông tin bị nghiêm cấm đăng tải, phát tán trên không gian mạng và biện pháp xử lý.

Những hành vi nghiêm cấm

Điều 8 của Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: “Sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc”

Các hành vi sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác cũng là hành vi bị nghiêm cấm.

Hành vi bị nghiêm cấm còn gồm có việc sử dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Kiểm tra an ninh mạng được thực hiện khi nào?

Điều 13 quy định về việc kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia

Kiểm tra an ninh mạng là hoạt động xác định thực trạng an ninh mạng của hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin hoặc thông tin được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống thông tin nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý nguy cơ đe dọa an ninh mạng và đưa ra các phương án, biện pháp bảo đảm hoạt động bình thường của hệ thống thông tin.

Kiểm tra an ninh mạng được thực hiện trong trường hợp sau đây:Khi đưa phương tiện điện tử, dịch vụ an toàn thông tin mạng vào sử dụng trong hệ thống thông tin; khi có thay đổi hiện trạng hệ thống thông tin;Kiểm tra định kỳ hằng năm;Kiểm tra đột xuất khi xảy ra sự cố an ninh mạng, hành vi xâm phạm an ninh mạng; khi có yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh mạng; hết thời hạn khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật theo khuyến cáo của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

Đối tượng kiểm tra an ninh mạng bao gồm:Hệ thống phần cứng, phần mềm, thiết bị số được sử dụng trong hệ thống thông tin;Quy định, biện pháp bảo vệ an ninh mạng;Thông tin được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống thông tin;Phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng của chủ quản hệ thống thông tin;Các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước, phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật;Nhân lực bảo vệ an ninh mạng.

Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin do mình quản lý, thông báo kết quả bằng văn bản cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng đối với hệ thống thông tin quân sự trước tháng 10 hằng năm.

Thế nào là thông tin vi phạm luật?

Điều 16 của Luật An ninh mạng quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Đây là những nội dung thông tin không được đăng tải, phát tán trên không gian mạng.

Điều luật này quy định cụ thể thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

Điều 16 cũng quy định chi tiết thế nào các thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế...

Phòng, chống khủng bố mạng

Điều 20 quy định về Phòng, chống khủng bố mạng

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm áp dụng các biện pháp theo quy định của Luật này, Điều 29 của Luật An toàn thông tin mạng và pháp luật về phòng, chống khủng bố để xử lý khủng bố mạng.

Chủ quản hệ thống thông tin thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống thông tin do mình quản lý nhằm loại trừ nguy cơ khủng bố mạng.

Khi phát hiện dấu hiệu, hành vi khủng bố mạng, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải kịp thời báo cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Cơ quan tiếp nhận tin báo có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ tin báo về khủng bố mạng và kịp thời thông báo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai công tác phòng, chống khủng bố mạng, áp dụng biện pháp vô hiệu hóa nguồn khủng bố mạng, xử lý khủng bố mạng, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra đối với hệ thống thông tin, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai công tác phòng, chống khủng bố mạng, áp dụng các biện pháp xử lý khủng bố mạng xảy ra đối với hệ thống thông tin quân sự.

Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai công tác phòng, chống khủng bố mạng, áp dụng các biện pháp xử lý khủng bố mạng xảy ra đối với hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.

Cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế

Điều 25 quy định bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế phải bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu bảo vệ an ninh mạng với yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích cổng kết nối quốc tế đặt trên lãnh thổ Việt Nam; khuyến khích tổ chức, cá nhân cùng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia.

Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế có trách nhiệm sau đây:

Bảo vệ an ninh mạng theo thẩm quyền quản lý; chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ an ninh mạng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Tạo điều kiện; thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng khi có đề nghị.

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Điều 26 của Luật An ninh mạng gồm các quy định về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng. Theo đó, các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; Làm nhục, vu khống; Xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; Bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; Cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp phải ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xoá bỏ các thông tin có nội dung vi phạm.

Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ tại Việt Nam.

Mời quý vị độc giả xem Toàn vănLuật An ninh mạngđược Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018.