22/11/2024 | 15:29 GMT+7, Hà Nội

Tình hình an ninh mạng sẽ "u ám" hơn trong năm 2016

Cập nhật lúc: 01/11/2015, 05:13

Theo 1 thông cáo mới đây được đưa ra bởi Viện nghiên cứu và huấn luyện an ninh mạng (Viện CSO), đã có rất nhiều vụ tấn công mạng nghiêm trọng xảy ra tại Việt Nam trong các năm gần đây và dự báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn vào năm 2016.

Một nghiên cứu khác từ CSIS/McAfee cho biết: Tội phạm mạng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 445 tỷ USD mỗi năm.

Ở quy mô nhỏ hơn, nguy cơ phát tán và lây lan mã độc thường tới từ phía người sử dụng internet, là nhân viên trong một công ty hay tổ chức vô tình bị cài phần mềm gián điệp và từ đó thổi bùng các nguy cơ an ninh mạng lớn hơn do các máy tính trong tổ chức thường kết nối chung một đường truyền.

Trong một nghiên cứu mới đây của hãng bảo mật Kaspersky, 3/4 trong số 18.000 người tham gia khảo sát cho thấy họ chưa trang bị những kiến thức đủ để nhận biết các mối nguy hại trên internet.

Các kết quả nghiên cứu người dùng gần đây từ Kaspersky Lab cũng cho thấy 45% người sử dụng internet đã gặp phải một sự cố phần mềm độc hại trong 12 tháng qua, nhưng 13% trong số những người bị ảnh hưởng không biết tại sao mình lại gặp phải vấn đề này.

Tội phạm mạng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 445 tỷ USD mỗi năm

 

Tuy nhiên, tại Việt Nam và nhiều nước khác, việc mỗi công ty có một chuyên gia an ninh mạng để bảo vệ và phát hiện kịp thời mối nguy từ trong mạng nội bộ công ty là không nhiều, hoặc nhân sự này chưa trang bị đủ kiến thức để đối phó với các nguy cơ an ning mạng.

Theo CSO, lực lượng nhân sự an ninh mạng chuyên trách ở các công ty Việt Nam hiện nay còn rất mỏng, chưa được đào tạo chuyên sâu, dẫn đến công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng tại các cơ quan, tổ chức còn tồn tại nhiều bất cập, trong khi tội phạm mạng gia tăng dồn dập và ngày càng tinh vi hơn.

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, nhu cầu cho các chuyên gia an ninh mạng trên toàn thế giới đã tăng nhanh gấp 3,5 lần so với thị trường IT nói riêng và gấp 12 lần so với thị trường lao động nói chung.

Riêng Việt Nam, theo số liệu Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM ước tính đến năm 2015, cả nước cần hơn 330.000 lao động ở lĩnh vực này.