19/01/2025 | 15:13 GMT+7, Hà Nội

Những nguyên tắc phải nhớ khi ăn hải sản

Cập nhật lúc: 25/04/2016, 11:22

Không thể phủ nhận giá trị dinh dưỡng có trong hải sản đối với sức khỏe. Tuy nhiên, khi chế biến sai cách thì nó lại phản lại tác dụng khiến không ít người ngộ độc, dị ứng, thậm chí tử vong sau khi ăn.

Không nên luộc, hấp hải sản đông lạnh

Nên hạn chế luộc hay hấp những loại hải sản trữ quá lâu trên ngăn đá. Nó thích hợp để xào, chiên hơn bởi sau thời gian cất trữ, vi khuẩn dần hình thành, protein mất đi nhiều, hương vị không còn…

Ngoài ra, cần làm sạch và tan mùi tanh thường có của hải sản bằng hành, tỏi, sả, ớt... Khi ăn hải sản, nên chế biến và ăn càng sớm càng tốt và ở nhiệt độ cao sẽ an toàn cho sức khỏe hơn, ăn lúc còn nóng thì nhiều dinh dưỡng hơn để nguội.

Không ăn hải sản và uống bia cùng lúc vì dễ bị bệnh gút

 Sự kết hợp giữa bia và hải sản là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh gút - căn bệnh đang là mối lo lắng của rất nhiều người hiện nay. Lượng purine trong hải sản, trong quá trình trao đổi chất của con người sẽ hình thành axit uric, axit uric dư thừa có thể gây ra bệnh gút và các bệnh khác.

Ăn nhiều hải sản cùng một lúc và sau đó uống bia, nó sẽ tăng tốc độ cơ thể của sự hình thành axit uric. Lượng axit uric dư thừa sẽ tích tụ tại các khớp xương hoặc các mô mềm từ đó dễ dàng mắc chứng gút, viêm khớp xương và mô mềm, vô cùng có hại cho sức khỏe.

Không nên ăn trái cây và uống trà sau khi ăn hải sản

Sau bữa ăn, người Việt thường có thói quen uống trà và ăn trái cây. Thực tế cho thấy điều này không tốt. Bởi vì lượng acid tannic có trong trà khi kết hợp với lượng canxi có trong hải sản cũng sẽ tạo thành canxi không hòa tan, gây kích ứng lên hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, nó cũng gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và hiện tượng kết sỏi dẫn đến sỏi thận. Tốt nhất sau khi ăn hải sản 2 tiếng trở lên hãy uống trà và ăn trái cây.

Không ăn hải sản đã chế biến từ lâu

Hải sản bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường, chúng rất nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh.

Với một số loại hải sản như cá ngừ, cá thu, vi khuẩn thậm chí biến thịt của cá thành chất độc (chuyển một loại axit amin là histidin trong thịt cá thành chất độc histamine) gây ngộ độc (đỏ da, nóng bừng, trống ngực, đau đầu, khó thở…)

Không ăn hải sản kèm những thực phẩm có tính hàn

Vốn dĩ hải sản đã mang tính hàn. Vì vậy, những thực phẩm cũng mang tính hàn như rau muống, dưa chuột, nước lạnh, đồ uống có ga.. khi ăn cùng hải sản sẽ gây cảm giác đầy bụng, khó tiêu rất khó chịu.

Không ăn thực phẩm giàu vitamin C khi ăn hải sản

Tôm, cua, sò, ốc là những loại hải sản giáp xác chế biến được rất nhiều món ăn ngon mà bổ dưỡng. Tuy nhiên trong cơ thể chúng lại mang 1 hàm lượng Asen pentavenlent lớn. Chất này khi gặp phải một lượng lớn vitamin C sẽ chuyển hóa thành Asen Triocid hay còn gọi là thạch tín. Nó sẽ gây nên ngộ độc cấp tính hay nguy hiểm hơn là dẫn tới tử vong. Vì vậy hãy đảm bảo một bữa ăn an toàn cho gia đình để không có những điều đáng tiếc xảy ra.

Hải sản rất bổ dưỡng tuy nhiên nếu chế biến không đúng cách sẽ rất dễ mắc bệnh

Những ai nên hạn chế ăn hải sản?

Phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Thường xuyên ăn đồ hải sản sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển hệ thống thần kinh của thai nhi hoặc của trẻ nhỏ, đặc biệt có những triệu chứng phải đến khi trẻ từ 7 đến 14 tuổi mới xuất hiện. Vì thế, theo khuyến cáo của các chuyên gia, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên hạn chế ăn đồ hải sản, tốt nhất mỗi tuần chỉ nên ăn 1-2 lần, mỗi lần dưới 100g.

Những người bị bệnh gout hay viêm khớp: Các món ăn từ hải sản cũng là những thực đơn “kiêng kỵ” đối với những người bị bệnh gout. Đây là căn bệnh được mệnh danh là “bệnh nhà giàu” do chế độ ăn nhiều thịt, hải sản và uống rượu bia làm tăng axit uric trong máu. Nếu không tiết chế kịp thời thì đến một lúc nào đó, bệnh nhân sẽ rất đau đớn, khó khăn khi vận động.

Những người bị dị ứng da: Hải sản là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng trong khi ăn uống. Chất gây dị ứng có trong đồ biển khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn cảm.

Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng và thường xuyên xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ vài phút. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng (hoặc khắp người), ngứa ngáy, nôn nao khó chịu. Nặng thì ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở... Cũng có trường hợp nguy kịch, người bệnh có phản ứng kiểu phản vệ, dẫn đến tử vong./.