19/01/2025 | 15:22 GMT+7, Hà Nội

Những nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội TP. HCM

Cập nhật lúc: 21/01/2022, 06:15

Nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, TP. HCM nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ viêc làm; hỗ trợ phục hồi DN về miễn giảm thuế phí, hỗ trợ lãi xuất,...

UBND TP. HCM vừa triển khai kế hoạch nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025; trong đó giai đoạn phục hồi từ nay đến hết năm 2022 và giai đoạn phát triển từ năm 2023 đến năm 2025.

Trụ sở UBND TP. HCM.
Trụ sở UBND TP. HCM.

Tiếp tục trình tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 23-25%

Theo đó, UBND TP. HCM xác định các nguồn lực chính như: gói hỗ trợ từ đề án giải pháp tài khóa, tiền tệ Chính phủ trình Quốc hội thông qua; trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ viêc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về miễn giảm thuế phí, hỗ trợ lãi suất; tăng đầu tư công cho hạ tầng giao thông, hạ tầng số...

Đồng thời, rà soát, lập danh mục toàn bộ cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng để phân loại nhà, đất thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý và nhà, đất không thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/9/2021 của Chính phủ, để tập trung khai thác nguồn thu từ đất đai vào phát triển kinh tế-xã hội.

Kiến nghị trung ương bố trí vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất thúc đẩy động lực tăng trưởng, kết nối liên kết vùng; đề xuất trung ương tăng thêm vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 tương ứng với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của thành phố;

Trong đó, thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thông qua việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư; đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm để thu về nguồn ngân sách cho TP.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm.

Kiến nghị ban hành bổ sung chính sách tạo điều kiện cho cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng tự động hóa, đổi mới sáng tạo.

TP. HCM tiếp tục trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết cho thành phố giai đoạn 2023-2026 trên cơ sở giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 21% hoặc tăng lên 23-25%.

Việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua các hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư... và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế thành phố; đồng thời, tiếp tục kiến nghị Chính phủ ban hành bổ sung gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và quan tâm đến các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhằm có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ổn định sản xuất, phát triển kết nối vùng 

UBND TP. HCM cũng xác định, năm 2022 là giai đoạn khôi phục những hoạt động kinh tế-xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp.

Ổn định sản xuất.
Ổn định sản xuất.

Trong đó, tập trung khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối tiêu dùng; đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, giao thông thuận lợi, nhanh chóng, an toàn cho người dân, người lao động; hạn chế tối đa những đứt gãy chuỗi cung ứng không đáng có.

Chính quyền TP. HCM ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, các động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại; phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; thành lập tổ hỗ trợ, tiếp cận và triển khai hiệu quả gói hỗ trợ từ đề án giải pháp tài khoá, tiền tệ Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Sau đó, từ năm 2023-2025, UBND TP. HCM xác định là giai đoạn phát triển: tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giải quyết điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của TP.; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh là trung tâm kinh tế, tài chính; trung tâm thương mại-mua sắm; dịch vụ logistics; du lịch; đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ...

Ở giai đoạn này, TP. HCM sẽ thực hiện nhiều nhóm giải pháp như huy động hiệu quả nguồn lực; trong đó tập trung vào nhân lực, sử dụng đất đai gắn với các dự án xây dựng, tài chính.

TP. HCM tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công và các đề án ưu tiên thực hiện; trong đó, sắp xếp danh mục dự án đầu tư công trong 4 năm 2022-2025, trên cơ sở nguồn lực có thể huy động, tiếp tục trình Chính phủ duyệt cho phép tăng vốn đầu tư công.

Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, liên kết vùng.
Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, liên kết vùng.

Đối với nhóm giải pháp liên kết vùng, thành phố hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt tập trung hoàn thành đường Vành đai 2 khép kín, khởi công hệ thống đường Vành đai 3 và 4; tuyến Metro số 1, số 2; cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm để kết nối giao thông thông suốt trong nội đô, cũng như giữa TP. HCM và các địa phương lân cận.

Đẩy mạnh tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. HCM-Mộc Bài (Tây Ninh) nhằm phát triển kinh tế biên mậu, phát triển du lịch nội địa;

Mở rộng tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, tuyến đường kết nối các tỉnh;... để kết nối hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP. HCM với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Song song với đó, TP. HCM triển khai chương trình hành động thu hút vốn trung dài hạn trong và ngoài nước thông qua dự án kêu gọi đầu tư, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, kết nối giữa trung tâm tài chính hiện hữu tại Quận 1 và trung tâm tài chính đặt tại Thủ Thiêm; triển khai chương trình phát triển TP. Thủ Đức trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo-cực tăng trưởng...

Nguồn: https://congluan.vn/nhung-nguon-luc-phuc-hoi-va-phat-trienkinh-te-xa-hoi-tp-hcm-post178184.html