19/01/2025 | 15:35 GMT+7, Hà Nội

Cần bổ sung điều luật về doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng

Cập nhật lúc: 15/01/2022, 06:26

Quốc hội tiếp tục bàn về dự thảo Luật sửa đổi các luật, trong đó các đại biểu tán thành việc sửa đổi và thảo luận những bổ sung của Luật Doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Theo đó, các luật được bàn sửa đổi bổ sung một số điều lần này bao gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Trong đó, khi nói về dự thảo sửa đổi của Luật Doanh nghiệp, đa phần các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều còn chưa hợp lý và đầy đủ của Luật hiện hành, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế và chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận toàn thể trực tuyến của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận toàn thể trực tuyến của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Doanh nghiệp quốc phòng tạo ra khoảng 5% GDP cả nước

Các đại biểu quan tâm đến việc bổ sung khoản 5 Điều 217 tại dự thảo Luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp, trong đó ghi rõ: “Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ”.

Thời điểm này, doanh nghiệp Nhà nước trong quân đội được chia thành 2 nhóm gồm: Nhóm doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và nhóm doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh gồm cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa hoặc đã cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng đang quản lý giao nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho 83 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 20 doanh nghiệp cổ phần cùng các Công ty TNHH 1 thành viên, 2 thành viên là công ty con của công ty mẹ, tập đoàn đang được giao nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đây là các doanh nghiệp quân đội thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và kết hợp kinh tế với quốc phòng, thực hiện chức năng tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp quân đội có đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 5% GDP, tương đương khoảng 15-20 tỷ USD trên tổng số 300 tỷ USD GDP cả nước. Đồng thời, nhóm doanh nghiệp này cũng nộp vào Ngân sách khoảng 25% đóng góp của các doanh nghiệp Nhà nước, tương đương 40.000-50.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 150.000 lao động trên cả nước.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khi bàn về dự thảo Luật sửa đổi này cho rằng, việc bổ sung khoản 5 Điều 217 của Luật Doanh nghiệp là cần thiết, có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, phù hợp với chỉ đạo và thực tiễn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: VNE)
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: VNE)

Trong những năm qua, cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh đã được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện. Đây là những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh, bao gồm những doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự như Tập đoàn Viettel và các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng khác, Thiếu tướng Duyệt cho biết.

Cùng với đó, còn có các doanh nghiệp có nhiệm vụ xây dựng, duy trì, củng cố hợp tác phát triển các nguồn lực quốc phòng, hoặc các Binh đoàn đi tới những vùng sâu, vùng xa xóa đói giảm nghèo, xây dựng địa bàn chiến lược phên dậu của Tổ quốc như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Trực thăng Việt Nam, các Binh đoàn 15, 16... Những doanh nghiệp này đã xây dựng được thương hiệu lớn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là cơ sở ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ Tổ quốc từ sớm và từ xa.

Song song đó, là những doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, gồm các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa, hoặc đã cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối vẫn còn thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Các doanh nghiệp này sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng có một số nhiệm vụ quốc phòng được giao, như sản xuất quân trang, tham gia xây dựng một số công trình quốc phòng, tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt mặt khác cho rằng, những doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng này chỉ được hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, không có cơ chế hỗ trợ như doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh. Đây được coi là điều bất cập cần sửa đổi trong Luật.

Chính vì thế, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt đánh giá cao tính cần thiết của việc bổ sung Nghị định 47 của Bộ Quốc phòng, nhằm bảo đảm có đủ hành lang pháp lý để điều chỉnh đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Các đại biểu tham dự phiên họp từ điểm cầu Nhà Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)
Các đại biểu tham dự phiên họp từ điểm cầu Nhà Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Các đại biểu Phạm Văn Hòa, của đoàn Đồng Tháp, Giáo sư Hoàng Văn Cường (Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân) cũng nhất trí với ý kiến này. Ngoài ra, đại biểu Cường còn cho rằng doanh nghiệp kết hợp kinh tế quốc phòng không nhất thiết phải là 100% vốn nhà nước, bởi vì những doanh nghiệp này có thể phải thực hiện quá trình cổ phần hóa.

Giáo sư Hoàng Văn Cường nhận định: "Dự thảo Luật sửa đổi sẽ tác động rất tốt cho quá trình tái cấu trúc lại doanh nghiệp".

Trước đó, Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án Luật cho biết, hiện nay khái niệm, điều kiện xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh mới được hướng dẫn tại văn bản dưới luật, chưa được quy định tại các văn bản luật.

Khái niệm "doanh nghiệp nhà nước" theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã thay đổi so với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, dẫn đến mở rộng phạm vi "doanh nghiệp quốc phòng, an ninh" bao gồm cả doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do các cổ đông khác ngoài Nhà nước nắm giữ.

Trong khi đó, việc xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp Nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là quy định nhất quán kể từ năm 2014 đến nay. Nghị quyết số 132 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế cũng xác định rõ đối tượng áp dụng chỉ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quân đội, công an trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ về tính chất của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, Ủy ban đề nghị quy định rõ "doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ".

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/can-bo-sung-dieu-luat-ve-doanh-nghiep-ket-hop-kinh-te-voi-quoc-phong-63212.html