24/11/2024 | 09:53 GMT+7, Hà Nội

Những người “thổi hồn” vào gỗ

Cập nhật lúc: 29/01/2020, 13:05

Các sản phẩm của làng nghề đồ thờ mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đến nay vẫn giữ được nét truyền thống nhưng lại mang trong mình vẻ đẹp hiện đại...

Vốn có lịch sử từ nhiều thế kỷ trước, các sản phẩm của làng nghề đồ thờ mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đến nay vẫn giữ được nét truyền thống nhưng lại mang trong mình vẻ đẹp hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế và tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

Làng nghề tất bật “chạy” hàng Tết

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang tới gần cũng là thời điểm các xưởng chế tác tượng Phật, đồ thờ mỹ nghệ ở xã Sơn Đồng đang tất bật hoàn thiện các sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng. Ngay từ đầu làng, tiếng đục đẽo lách cách – thứ thanh âm rất đỗi thân quen với bao thế hệ người dân nơi đây từ thuở lọt lòng. Âm thanh đó hòa quyện cùng với mùi thơm của gỗ mít, dổi… càng khiến cho người ta cảm nhận không khí xuân đang cận kề.

Dù đang gấp rút đóng lô hàng đồ thờ gồm cả án gian, hoành phi, câu đối… trị giá hàng trăm triệu đồng để kịp giao cho khách, nhưng thấy khách phương xa tới chơi, ông Nguyễn Như Hải (SN 1966) vẫn không quên chỉ cho chúng tôi tường tận tên gọi, đặc tính của từng sản phẩm. Nghề sản xuất và kinh doanh đồ thờ mỹ nghệ đã được gia đình ông Hải kế thừa từ 4 – 5 đời.

Ông Hải kể, nghề tổ truyền của làng đã có từ rất lâu đời. Các con của ông đều chí thú theo nghề của bố. Các sản phẩm đều được sơn son thếp vàng, thếp bạc tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Trước khi làm một sản phẩm, người nghệ nhân phải hiểu được các bước cơ bản. Nếu làm tượng thì phải pha gỗ ra sao, phác họa thế nào, rồi sau đó mới làm các chi tiết nhỏ hơn để hoàn thiện sản phẩm. Làm sao để ta có thể “thổi hồn” được vào một khúc gỗ vô tri vô giác trở thành một sản phẩm mang tính tâm linh và thẩm mỹ.

Là chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ thờ Thủy Lợi với hơn chục năm trong nghề, anh Nguyễn Viết Lợi (SN 1979) cho biết, để hoàn thiện một sản phẩm trung bình mất khoảng 3 tháng.

Nguyên liệu để tạc tượng là gỗ mít với đặc tính mềm, thớ dặm, ít nứt, dễ gọt và có độ bền cao. Gỗ mít được loại bỏ hết phần giác, chỉ để lại phần lõi. Người thợ phải đục phác thảo những khối mũ (nếu có), rồi trán, mũi, môi, tai... Sau khi đục phác thảo lấy dáng chung một lượt suốt từ diện tới bệ, người thợ sẽ đục chi tiết từng bộ phận rồi mới gọt, nạo, đánh giấy ráp cho nhẵn. Khi gọt phải dùng loại đục dẹt, mỏng để tách các chi tiết sao cho các mảng, các khối không dính vào nhau.

Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng cũng khá kỳ công. Đầu tiên phải hom tượng bằng sơn trộn đất phù sa rồi bó bằng sơn sống và sơn thí. Sau mỗi công đoạn, tượng lại được mài bằng đá và nước. Việc sơn lên rồi lại mài đi cứ được tiến hành đến khi bề mặt tượng phẳng, nhẵn và mọng thì dùng một lớp sơn cầm thếp phủ lên. Khi sơn cầm thếp se lại, người thợ sẽ tiến hành dán bạc hoặc dán vàng quỳ tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Những người thợ cần mẫn bên những chiếc dùi, đục để tạc nên những pho tượng đầy tinh xảo, thể hiện tài hoa của nghệ nhân làng Sơn Đồng.

Áp dụng công nghệ vào sản xuất đồ thờ

Nét đặc trưng của nghề này ở Sơn Đồng là truyền nghề trực tiếp chứ không có “giáo trình” cụ thể. Nghệ nhân thế hệ trước truyền thụ kinh nghiệm, cầm tay chỉ việc cho thế hệ nghệ nhân trẻ sau này. Sản phẩm làng nghề Sơn Đồng đến nay vừa giữ được nét đẹp truyền thống vốn có nhưng đã được tăng tính thẩm mỹ nhờ sự tham gia của nhiều loại máy móc vào một số khâu sản xuất.

Anh Nguyễn Viết Lợi bên pho tượng vừa mới hoàn thành chuẩn bị giao cho khách hàng.

Với mục tiêu đưa sản phẩm làng nghề phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, anh Lợi đã mạnh dạn chế tác những chiếc tủ, chạn với nhiều chi tiết trạm trổ công phu thành đồ trang trí trong nhà thay vì chỉ để đựng bát đũa, nồi niêu như ngày xưa. Những chiếc đèn hắt sáng được thiết kế lắp đặt nhằm tôn thêm vẻ đẹp cho các tượng Phật cũng được anh Lợi áp dụng.

Ngoài ra, công nghệ CNC – máy dùng trong công đoạn đục chạm gỗ cũng hỗ trợ người thợ rất lớn giúp rút ngắn thời gian so với làm thủ công trước đây. Một khi đã “say nghề” thì người thợ có khi còn “quên” ăn ngủ, nhất là dịp đầu và cuối năm.

Anh Lợi mong muốn xã tiếp tục tổ chức các lớp, khóa đào tạo, nâng cao tay nghề truyền thống. Tăng cường bồi dưỡng phát triển nghệ nhân, thợ giỏi. Mong muốn các sinh viên ngành mỹ thuật, kiến trúc về đây thực tập và phối hợp nhằm tạo ra những sản phẩm mới.

Nổi danh là một trong những “tay vẽ” tài hoa, có tiếng của làng nghề Sơn Đồng, nghệ nhân Nguyễn Viết Quý (SN 1943) đã vẽ tranh thờ trên tường của hậu cung đền Thượng (thuộc khu di tích Đền Hùng); vẽ tôn tượng hai cha con Đức Vương Ngô Quyền tại đền thờ Ngô Quyền ở Hương Canh (Vĩnh Phúc)…

Ông Quý tâm sự: “Dù xã hội có hiện đại, sản phẩm đồ thờ mỹ nghệ của Sơn Đồng có vào Nam ra Bắc, thậm chí ra nước ngoài vẫn không thể lẫn vào đâu được. Với chúng tôi, ngoài tay nghề ra thì cần phải có cái tâm và có kiến thức về văn hóa Phật giáo, văn hóa tâm linh, hiểu được các điển tích, tính cách, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức.

Nghề này đặc biệt hơn bất cứ nghề nào khác chính là thể hiện văn hóa tâm linh. Khách hàng họ coi trọng lễ nghĩa, thờ cúng tổ tiên muốn sắm những đồ thờ tinh tế, công phu và mang tính thẩm mỹ. Mình phải chăm chút cho từng công đoạn đến khi sản phẩm hoàn thiện mới yên tâm. Tôi chỉ mong có được sức khỏe để truyền nghề cho thật nhiều nghệ nhân trẻ ngày nay để làng nghề ngày càng phát triển”.

Toàn xã hiện có trên 5.000 lao động tại chỗ với trên 500 hộ gia đình và trên 10 công ty chuyên sản xuất sản phẩm làng nghề. Sản phẩm của làng Sơn Đồng chiếm khoảng 70% thị phần sản phẩm tượng Phật, đồ thờ trên toàn quốc. Tổng thu nhập từ làng nghề được đánh giá qua các năm chiếm khoảng 63% thu nhập toàn xã. Thu nhập bình quân đầu người lao động làm nghề từ 6 - 7 triệu đồng trở lên/tháng, thợ lành nghề có thể cao hơn.