19/01/2025 | 18:18 GMT+7, Hà Nội

Những điều nên và không nên khi đi tạ mộ dịp cuối năm

Cập nhật lúc: 31/01/2019, 06:00

Người Việt xưa quan niệm “cao nấm ấm mồ”, phần mộ được coi là “nhà” của người đã khuất, nên vào những ngày cuối năm người Việt thường sửa sang nấm mồ, đó là một trong những việc hiếu đạo của con cái tưởng nhớ đến những người đã khuất.

Quan niệm ý nghĩa việc tạ mộ cuối năm

Tạ mộ là phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc; thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn; sự hiếu thuận, đạo tình của con cháu với những người đã khuất. Nét đẹp này bắt nguồn từ truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên có từ ngàn đời xưa.

Theo Đại đức Thích Minh Định: “Mặc dù tạ mộ là một phong tục tập quán, không phải là nghi lễ đạo Phật nhưng nó thể hiện sự hiếu thuận biết ơn và nhớ ơn tới ông bà, tổ tiên thì cũng đâu ngoài Phật pháp”.

Có nơi gọi là lễ tạ mộ cuối năm, nhưng cũng có nơi gọi là lễ tảo mộ. Đây có phải là một lễ hay là hai lễ rất khác nhau?

Quan niệm truyền thống xưa, tạ mộ và tảo mộ là hai lễ hoàn toàn khác nhau. Trước tiên, hiểu theo nghĩa đen thì tảo mộ tức là quét dọn, tu sửa cho ngôi mộ. Tạ mộ là làm lễ tạ ơn chư vị thần linh cùng vong linh người đã khuất.

Ảnh minh họa (Ảnh: An ninh thủ đô)

Tạ mộ là phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. (Ảnh minh họa).

Xét về thời gian thực hiện thì tạ mộ và tảo mộ là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Tạ mộ được thực hiện vào thời điểm cuối năm, thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết. Còn tảo mộ được diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, tức là vào thời điểm đầu năm.

Xét về ý nghĩa thì cũng có sự khác biệt giữa tảo mộ và tạ mộ. Tạ mộ cuối năm là khi các gia đình ra mộ tổ tiên, người thân đã khuất của mình để lễ tạ Thổ thần, đắp đất, sang sửa mộ phần, dâng lễ mời vong linh gia tiên cùng về với con cháu sum vầy ngày Tết, đón năm mới sắp sang.

Tùy theo từng địa phương, lễ tạ mộ sẽ được dâng lên ở miếu thờ thần linh cai quản nghĩa trang, hoặc bày lễ ở khoảng đất trống gần với mộ của gia đình mình.

Ngoài ra, lễ tạ mộ còn như một lời mong cầu vong linh gia tiên được an ổn nơi phần mộ.

Còn với lễ tảo mộ đầu năm thường vào tiết Thanh Minh, đầu xuân năm mới; khi đó con cháu sẽ ra phần mộ gia tiên, người thân đã khuất để sửa sang mồ mả, đắp đất, trồng hoa, nhổ bỏ cỏ dại, quét vôi…

Lễ này cũng là dịp người sống nhớ ơn người đã khuất, mong cho vong linh người đã khuất được an ổn nơi chín suối, phù hộ cho con cháu đời sau thêm phần hưng vượng.

Theo đó, bắt đầu từ ngày ông Công, ông Táo, tức từ 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết các gia đình thường sắm sửa lễ vật để cúng chư vị tôn thần quản cai nghĩa trang, đồng thời sửa sang lại phần mộ để chuẩn bị mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết vào trưa ngày 30.

Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường cố gắng trở về cố hương vào dịp này để tạ mộ, sum họp với gia đình.

Theo chuyên gia tư vấn phong thủy Tam Nguyên, Giám đốc công ty TNHH Kiến trúc phong thủy Tam Nguyên: "Mồ mả tổ tiên với người Việt rất quan trọng. Đây là cách để con cháu cảm ơn thần linh, thổ địa khu vực có phần mộ. Việc này tương tự như con cháu làm lễ tạ thần linh, thổ địa tại gia tiên".

Công việc trong lễ tạ mộ là dọn dẹp sạch sẽ cho phong quang, thoáng đãng mộ phần người mất. Nếu là mộ đất thì đắp nấm lại cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại, cây hoang, đây là cách để giảm bớt rắn, chuột đào hang, làm tổ.

Các cụ già thì lo việc cúng khấn tổ tiên nơi phần mộ.

Lễ tạ mộ không chỉ tạ các cụ nhà mình, mà nên hiểu đủ là tạ ơn quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần… đã cho các cụ nương nhờ mảnh đất đó.

Con cháu không chỉ quan tâm tới các cụ đời mình (như cha, mẹ, ông, bà, tam đại, tứ đại), mà ỷ lại cho trưởng họ, trưởng chi lo cho các cụ cao hơn (cao tằng tổ tỷ), bởi đó là thiếu sót lớn vì không có các cụ lớn thì làm sao có các cụ gần.

Do đó khi đi tạ mộ hãy lưu tâm đến tất cả các cụ trong dòng họ.

Cũng nên lưu ý không chỉ thắp hương cho mộ nhà mình mà các ngôi mộ bên cạnh các cụ cũng nên “thăm hỏi”. Nếu có những ngôi mộ vô chủ cũng cần thắp  cho “họ” nén hương.

Những điều nên và không nên làm khi đi tạ mộ

Tạ mộ cuối năm là việc rất quan trọng, là cách để con cháu cảm ơn thần linh, vì vậy, khi đi tạ mộ cần phải có sự chuẩn bị chu đáo lễ vật để cúng.

Ở nghĩa trang có nơi thờ thần linh, thổ địa riêng thì phải bày lễ 2 nơi và tùy thờ phong tục địa phương mà có sự điều chỉnh.

Khi tạ mộ nên dâng mâm cỗ ở miếu thần linh gồm có xôi, gà (giò hoặc gà trống thiến nguyên con bày trên đĩa xôi).

Lễ tạ mộ truyền thống, cần sắm lễ hoa quả đơn giản (hương, nước, hoa tươi, trầu cau, hoa quả, thuốc lá, chè, rượu trắng (chén đựng rượu 5 cái), nến cốc, vàng mã. Tuy vậy vàng mã không nên nhiều.

Điều quan trọng trong việc tạ mộ là thể hiện lòng kính, tưởng nhớ người đã khuất và nguyện làm những điều thiện lành. Bởi vậy, nghi lễ tạ cũng không cần làm linh đình, tốn kém, nặng về hình thức, gây nhiều lãng phí.

Theo tìm hiểu, thời điểm tốt nhất trong ngày để tạ mộ là chọn lúc tạnh ráo, ấm áp, nên nhiều gia đình thường dẫn theo trẻ em theo tạ mộ. Do vậy, không nên đi quá sớm, sương đêm chưa tan; cũng không nên đi chiều muộn vì âm khí nặng nề, không có lợi cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, cũng cần phải chú ý tới sức khỏe của bản thân, phụ nữ có thai, người ốm yếu, đau bệnh, phụ nữ đang kỳ “đèn đỏ”, trẻ em dưới 10 tuổi… không nên tới mộ phần, bởi vì những đối tượng này rất dễ bị nhiễm âm khí, phong hàn, hoặc một số bệnh thời khí.... Không nên sửa sang hay tự ý xây cất mộ.

Cũng cần nên lưu ý không nên ăn đồ cúng ở nghĩa trang, vì có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa, lạnh bụng, chưa kể đến một số vấn đề về tâm linh khác. Tốt nhất là khi đi tạ mộ về nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các khí và âm khí bám vào người và quần áo.