19/01/2025 | 13:39 GMT+7, Hà Nội

Những điều cha mẹ nhất định phải biết để con nhỏ không bị xâm hại

Cập nhật lúc: 14/03/2017, 14:57

Từ những vụ ấu dâm gây chấn động dư luận và hệ lụy khủng khiếp của nó đối với nạn nhân trẻ nhỏ, là cha mẹ, bạn phải nắm rõ những nguyên tắc sau đây để tránh cho con khỏi nguy cơ xâm hại tình dục.

Xem thêm: Phương pháp nuôi dạy con thông minh

Những điều cha mẹ cần phải biết để con nhỏ không bị xâm hại

Những quy tắc này có thể đơn giản nhưng hiệu quả trong việc giúp trẻ tránh xa nguy hiểm khi cần thiết.

1. Quy tắc "hiểu biết"

Kỹ năng đầu tiên mà bạn nên dạy cho trẻ là kiến thức về giới tính và các vùng nhạy cảm trên cơ thể. Cha mẹ cần dạy cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé và dạy cho trẻ biết cách bảo vệ cơ thể trước sự động chạm của người khác nếu trẻ không thích. Bạn có thể nói giảm, nói tránh nhưng không đồng nghĩa với việc né tránh. Hãy giúp con gọi tên chính xác các bộ phận trong cơ thể để khi cần con sẽ biết cách nói chính xác những gì đang xảy ra với con trên cơ thể bé.

2. Quy tắc "riêng tư"

Cần phải làm cho bé hiểu trong mỗi người có những vị trí cần được tôn trọng. Đó chính là phần "riêng tư" của mỗi người. Bạn hãy chỉ ra cho bé biết phần riêng tư của bạn là gì? góc riêng tư của bạn là khi nào? khoảng thời gian nào của bạn là riêng tư? Và theo đó hãy cho bé biết những vùng nào trên cơ thể bé được gọi là "vùng riêng tư". Bạn cũng cần phải nhấn mạnh cho bé hiểu riêng tư nghĩa là không ai có quyền động chạm vào.

3. Quy tắc "không bí mật"

Điều này có vẻ trái ngược với điều kể trên. Tuy nhiên, phải giải thích rõ cho con bạn hiểu, "riêng tư" không có nghĩa là "không bí mật". Nếu riêng tư là câu chuyện của cá nhân bé và không ai được phép động vào thì "không bí mật" là "nguyên tắc chung chỉ của hai mẹ con/hai bố con". Nghĩa là giữa cha mẹ và con cái không có gì là riêng tư cả. Và vì thế, nếu ai nói với bé rằng "đây là một điều bí mật không được nói ra" thì có nghĩa đó là một hành động xấu và con cần phải nói ra cho cha mẹ biết. Khi đó theo nguyên tắc này, bố mẹ sẽ chỉ cho bé biết điều đó thực sự là tốt hay xấu. Hãy thỏa thuận với bé và nhớ tập rượt nguyên tắc này như một trò chơi để bé hiểu và "ngấm".

4. Quy tắc "tôn trọng"

Tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác là một giá trị đương nhiên bạn phải dạy cho con. Để làm điều này tốt, từ trong cuộc sống của mình cha mẹ phải thể hiện sự tôn trọng dành cho bé. Khi bạn thay quần áo, phải tôn trọng sự có mặt của bé. Khi bé thay quần áo, hãy tôn trọng không gian của bé. Sự tôn trọng bạn tạo dựng được cho con sẽ khiến bé có nhu cầu được người khác tôn trọng. Từ điều này bé sẽ hình thành những khoảng cách nhất định với tất cả mọi người ngay khi mới gặp mặt.

5. Quy tắc "phòng thân"

Hãy cho trẻ một tâm thế luôn luôn phòng thân đối với bất kể ai. Bạn hãy đặt tình huống khi trẻ gặp sự cố. Hãy đưa ra giả thiết và cùng đóng vai với trẻ nhập vai tình huống đó. Bạn hãy hướng dẫn trẻ cách chạy trốn. Bạn có thể dạy trẻ tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn cầu cứu người xung quanh. Nên chú ý rằng do sự chênh lệch về sức khỏe nên mọi sự phản kháng của trẻ gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn. Vì vậy chỉ có thể dùng sự thông minh và những kỹ năng mới có thể giúp trẻ thoát thân an toàn. Ngoài ra, bạn cũng nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, số điện thoại khẩn cấp để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Hãy đặt những câu hỏi để trẻ học cách giải quyết:

- Con sẽ làm gì nếu ai đó chạm vào… của con?

- Con sẽ nói việc này với ai?

- Con sẽ làm gì nếu người đó dặn “đó là bí mật của chúng ta”?

- Con sẽ làm gì nếu họ đe dọa như sẽ đánh con, hoặc không cho con kẹo nếu con nói chuyện này ra ngoài?

6. Quy tắc "không chủ quan"

Bạn luôn dạy con và muốn con là người không chủ quan trong mọi tình huống. Nhưng chính cha mẹ cũng phải thực hành điều đó trước hết. Ngay từ trong ý nghĩ bảo vệ con, cha mẹ cũng phải luôn nhớ đến điều này. Bạn không nên giao con cho bất kỳ ai trừ trường hợp bất khả kháng. Trong những tình huống khẩn cấp hãy luôn đặt lợi ích của con lên hàng đầu. Làm điều gì liên quan tới con hoặc có con trong đó, hãy nghĩ đến sự an toàn của con trước hết. Bạn có chấp nhận hỏng việc của mình để bảo vệ con? Khi câu hỏi đó luôn vang lên trong đầu thì bạn luôn biết được điều cần phải làm trong những tình huống bạn phải quyết định nhanh.

PANTS rules - Quy tắc quần lót  

(Quy tắc được đưa ra bởi Hiệp hội Quốc gia Phòng Chống Bạo hành Trẻ em (NSPCC))

P – Private (Riêng tư):

Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.

A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con):

Hãy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “không”.

N – No means no (Không là không):

Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.

T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn):

Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.

S – Speak up (Lên tiếng):

Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...

Cách xử lý khi con bị xâm hại

Là cha mẹ, chẳng ai mong muốn con mình rơi vào tình trạng này. Nhưng nếu chẳng may, con bạn bị xâm hại tình dục, các bậc làm cha làm mẹ hãy tham khảo những gợi ý dưới đây để giúp con vượt qua cú sốc này :

- Kiềm chế cảm xúc đau đớn, giận dữ của mình để trấn an trẻ, tuyệt đối không đánh mắng trẻ vì bị xâm hại không bao giờ là lỗi của trẻ.

- Nhẹ nhàng nói chuyện với con, hỏi “Con đang đau ở đâu? Đau thế nào? Ai làm con đau?”; sau đó, vỗ về trẻ, khẳng định với trẻ là có ba mẹ ở đây sẽ giúp con hết đau. Trường hợp trẻ chỉ bị xâm hại nhe, chưa tổn thương vùng kín thì khi nghi ngờ, cha mẹ cũng cần hỏi con rõ ràng “Chuyện gì làm con sợ, con buồn? Ai đã làm con sợ? Ai đã làm con buồn?”.

Quy tắc 5 ngón tay giúp bé tự bảo vệ mình

Quy tắc 5 ngón tay giúp bé tự bảo vệ mình

Quy tắc 5 ngón tay giúp bé tự bảo vệ mình

- Ngón cái - gần mình nhất tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột - bé có thể ôm hôn mọi người hoặc đồng ý đề các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ.

- Ngón trỏ - tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa.

- Ngón giữa - người quen như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ - bé có thể bắt tay chào hỏi họ.

- Ngón áp út - gặp người mới gặp lần đầu, các bé có thể dừng lại ở mức vẫy tay chào.

- Ngón út - ngón tay xa bé nhất thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

Món quà mà bố mẹ trao tặng cho trẻ là tuổi thơ tươi đẹp và sự phát triển toàn diện. Để trẻ có được tương lai tươi sáng, để cuộc đời trẻ an lành, để tâm hồn trẻ hồn nhiên để tương lai trẻ thành công ... Bạn hãy hiểu biết và dạy con mình những kiến thức để trẻ có cuộc sống luôn vui vẻ. Bởi con cái là gánh nặng ngọt ngào nhất trên đời cho dù vì con mà mệt mỏi bọn cũng luôn can tâm tình nguyện. Hãy chia sẻ thông tin này đến với mọi người nếu bạn thấy hữu ích...