22/01/2025 | 19:57 GMT+7, Hà Nội

Những điều cần lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ ngày Tết

Cập nhật lúc: 20/01/2020, 09:00

Theo phong tục của người Việt Nam, việc dọn dẹp bàn thờ hay còn gọi là bao sái bàn thờ là công việc được chú trọng đầu tiên để chuẩn bị đón Tết nguyên đán.

Từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch, sau lễ cúng ông Táo người dân Việt Nam lại tất bật với công việc vệ sinh, lau dọn bàn thờ (bao sái) để tỏ lòng hiếu kính đến ông bà, tổ tiên và chào đón năm mới mang lại may mắn và rước tài lộc về nhà.

Theo quan niệm, đây là thời điểm "thần linh đi vắng", ông Công ông Táo cưỡi cá chép về trời bẩm báo những việc đã xảy ra trong gia đình suốt cả năm vừa qua nên gia chủ tranh thủ sửa sang nơi thờ tự đón Tết, để làm sao cho đến đêm 30 Tết, khi các vị thần linh trở về thì mọi việc đã hoàn tất.

Việc lau dọn bàn thờ sạch sẽ, trang nghiêm luôn được xem là việc làm thiêng liêng, quan trọng để bày tỏ lòng thánh kính của gia chủ với thần linh, tổ tiên

Trong văn hóa tín ngưỡng người Việt, bàn thờ trong mỗi gia đình là nơi rất linh thiêng, là nơi "ngự" của các vị thần linh, gia tiên vì vậy việc lau dọn bàn thờ, rút tỉa chân nhang sao cho đúng cách phải đặc biệt chú ý.

Việc lau dọn bàn thờ thường do gia chủ (thường là nam giới) đại diện trong gia đình đứng lên thực hiện (nếu nam giới đi vắng thì nữ giới thực hiện). Trước khi dọn dẹp bàn thờ, gia chủ phải lưu ý tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc quần áo chỉn chu để nghi thức được trang nghiêm, thành kính.

Tùy theo phong tục và quan niệm của mỗi địa phương về thời gian và cách lau dọn bàn thờ khác nhau. Dưới đây là những lưu ý khi lau dọn bàn thờ trước khi đón năm mới.

Trước khi dọn bàn thờ, gia chủ cần chuẩn bị một đĩa hoa quả, thắp hương để thông báo và xin phép thần linh, Tổ tiên tạm lánh sang một bên để vạn sự được an khang thanh tịnh. Sau đó đợi hương tàn bắt đầu bao sái.

Bàn thờ và bài vị tổ tiên, bát hương… đều cần lau rửa sạch sẽ bằng nước thơm (thường là ngũ vị hương, nước rượu gừng, nước hoa hồng vàng). Nếu có bài vị của thần Phật thì cần lau trước khi lau bài vị tổ tiên bởi theo quan niệm dân gian, lau bài vị tổ tiên trước là mạo phạm với thần Phật. Sau khi lau bằng nước thơm thì gia chủ dùng khăn khô, sạch lau lại cho sạch sẽ.

Tiếp đến là bao sái bát hương. Dùng 2 tay hạ bát hương xuống khỏi bàn thờ. Đặt lên 1 bàn cao đã để lót 1 mảnh vải đỏ hoặc vàng. Sau đó rút tỉa chân nhang từng cái 1. Để lại 3 hoặc 5 hoặc 9 chân nhang. Mang ý nghĩa kéo dài lộc từ năm cũ của năm mới.

Tuyệt đối gia chủ không đổ úp ngược bát hương xuống, không để bát hương xuống đất hay sàn nhà. Nếu tro quá đầy có thể dùng 1 cái thìa sạch (thìa mới mua) múc bớt tro ra. Lấy khăn đã thấm rượu gừng hay nước hoa hồng vàng lau sạch bát hương. Cả xung quanh cả đáy. Chân nhang đã rút ra bọc lại đem đi hoá sau chứ không nên vứt xuống ao, hồ làm mất vệ sinh môi trường.

Tiếp đó, gia chủ đem bài vị thần linh, tổ tiên và bát hương an vị lại vị trí cũ (dùng 2 tay).

Bên cạnh việc lau dọn bàn thờ, rút tỉa chân hương, các gia đình sẽ mua sắm các lễ nghi để bày biện đón năm mới gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, nên thanh tịnh và có thể theo tập tục cúng gia tiên nhà mình.

Bàn thờ là nơi tôn nghiêm nên luôn phải giữ sạch sẽ, gọn gàng vì vậy không nên để 1 năm mới lau dọn ban thờ 1 lần mà gia chủ có thể lau dọn vào các dịp trong năm. Đó là vào trước các ngày rằm, ngày mùng 1, ngày giỗ chạp, các ngày lễ quan trọng hay trước ngày Tết.

Việc lau dọn bàn thờ sạch sẽ, trang nghiêm luôn được xem là việc làm thiêng liêng, quan trọng để bày tỏ lòng thánh kính của gia chủ với thần linh, tổ tiên, vì vậy những lưu ý trên sẽ giúp các bạn thực hiện nghi lễ dọn dẹp bàn thờ một cách trang nghiêm, cung kính nhất.