19/01/2025 | 10:08 GMT+7, Hà Nội

Những điều cần biết khi chăm trẻ sơ sinh

Cập nhật lúc: 12/11/2019, 17:15

Sức khỏe và thể chất của trẻ sơ sinh còn rất non yếu. Vì thế, khi chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các vấn đề dưới đây.

Cách bế trẻ sơ sinh chuẩn theo từng tháng tuổi

Ảnh minh họa

Rất nhiều chị em phụ nữ, nhất là đối với những người lần đầu làm mẹ thường lóng ngóng không biết bế trẻ sơ sinh như thế nào là chuẩn nhất để không ảnh hưởng đến sự phát triển xương sống và xương cổ của bé.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ Nhi khoa, việc bế trẻ sơ sinh theo những tư thế ngang, thẳng đứng hay bế vác vai cần phụ thuộc vào tháng tuổi của bé vì lúc đó xương mới cứng cáp và phù hợp.

Ví dụ, trẻ sơ sinh từ 1-2 tháng tuổi có chiều dài phần đầu chiếm khoảng 1/4 tổng chiều dài toàn thân nhưng xương sống còn rất yếu. Vì thế, nếu bế vác, trọng lượng của toàn phần đầu sẽ dồn xuống xương cột sống là không tốt. Tư thế nằm ngang là tư thế phù hợp nhất để bế trẻ sơ sinh từ 1-2 tháng tuổi.

Tại sao bé khóc

Điều khiến các bà mẹ và các ông bố đau đầu nhất và lo lắng nhất là tiếng khóc của bé. Khi vừa sinh ra, ngôn ngữ giao tiếp đầu tiên của bé với thế giới xung quanh chính là tiếng khóc. Bé có thể khóc vì đói, khát, tã ướt, hay vì bé buồn, ốm, buồn ngủ, khó chịu trong người… Vì vậy khi nghe bé khóc, mẹ cần xem bé có bị đói, ướt hay không để đáp ứng kịp thời nhu cầu của bé.

Thông thường tiếng khóc của trẻ sơ sinh chia làm 2 loại: Tiếng khóc sinh lý và tiếng khóc bệnh lý với các biểu hiện và âm điệu khác nhau. Phân biệt sự khác nhau trong tiếng khóc của bé còn giúp mẹ phát hiện ra những tình huống nguy hiểm cho sức khỏe của bé, từ đó có những can thiệp kịp thời.

Làm sao cho bé ngủ

Để đảm bảo bé được phát triển tốt, giấc ngủ rất quan trọng. Mẹ cần cho bé bú no, vệ sinh sạch sẽ, mát xa, hát ru, đọc truyện cho bé trước khi đi ngủ. Các hoạt động đó sẽ được lặp đi lặp lại mỗi tối và trở thành thói quen, để khi mẹ đặt bé lên giường vỗ về là bé sẽ ngủ ngay.

Tránh đặt xung quanh cũi bé quá nhiều gối chăn, thú nhồi bông vì có thể gây ngạt thở cho bé. Nên đặt bé nằm ngửa khi ngủ và tạo không gian yên tĩnh cho bé có một giấc ngủ ngon. Tránh để cho bé thức quá khuya.

Cách tắm cho bé

Ảnh minh họa

Tắm - không chỉ là hoạt động đơn giản của mẹ giúp làm sạch cơ thể cho trẻ sơ sinh mà còn là khoảng thời gian mẹ nên tận dụng để truyền đạt tình yêu thương đến con qua những cử chỉ âu yếm, vuốt ve hay ánh mắt dịu dàng.

Để đạt được những điều này, mẹ nên nắm vững từng quy trình, từ bước chuẩn bị cho đến cách tắm chuẩn cho bé.

Theo đó, để khoảng thời gian tắm diễn ra suôn sẻ và an toàn, mẹ nên chuẩn bị trước các vật dụng như: Bồn tắm, khăn ướt, sữa tắm, cốc múc nước, bông thấm nước tắm, nhiệt kế (đo nhiệt độ phòng), khăn khô.

Cho bé bú mẹ đúng cách

Nhiều bà mẹ khi mới sinh bé, thấy vú chưa tiết sữa đã vội cho bé bú bình. Điều này sẽ dẫn đến bé không được bú phần sữa non rất quý giá cho sức khỏe của bé. Hơn nữa việc cho bé bú bình sớm sẽ khiến bé không chịu bú mẹ, dẫn đến mẹ dễ bị mất sữa sớm. Bé không được bú mẹ dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém.

Vì vậy, bà mẹ cần cho bé bú sớm ngay trong những giờ đầu sau sinh, cho dù chưa có hiện tượng tiết sữa. Cần cho bé bú đều hai bên vú, mỗi bên ít nhất 10 phút. Bú như thế bé sẽ nhận được vừa sữa đầu (có vẻ trong), vừa sữa cuối (màu trắng đục). Sữa đầu là sữa có hàm lượng đường nhiều hơn, giúp bé thỏa mãn cơn khát, nhưng sữa cuối mới chứa hàm lượng chất béo nhiều, giúp bé tăng trưởng tốt. Nếu bé không được cung cấp sữa cuối thì dù cho bú nhiều bé vẫn không lên cân.

Đưa trẻ đến nơi đông người

Có thể bạn sẽ cảm thấy vô cùng buồn chán khi cứ phải ở nhà với em bé sơ sinh trong thời gian đầu. Tuy nhiên ở nhà chính là nơi tuyệt vời nhất cho bé trong thời gian này vì đó là nơi tất cả các nhu cầu thiết yếu của trẻ được đáp ứng dễ dàng như ăn, ngủ, vệ sinh… Vì vậy mẹ tránh mang trẻ đến siêu thị hay trường học để đón bé lớn, do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu và cần giữ vệ sinh sạch sẽ.