19/01/2025 | 10:05 GMT+7, Hà Nội

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phổi

Cập nhật lúc: 20/08/2018, 20:31

Những ngày qua, thông tin diễn viên trẻ Mai Phương mắc bệnh ung thư phổi lan truyền khiến nhiều người bất ngờ và thương xót. Không phải chỉ những người hút thuốc lá hay sống trong môi trường ô nhiễm mới là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh... Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ung thư phổi được đánh giá là căn bệnh phổ biến cũng như tỷ lệ người mắc bệnh, số ca tử vong ngày một tăng. Hơn 90% bệnh nhân tử vong chỉ sau một năm phát hiện bệnh, khi đã có dấu hiệu di căn, bởi việc phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu rất khó khăn. 

TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bứu Hưng Việt cho biết, ước tính tại thủ đô Hà Nội trung bình tỷ lệ được chẩn đoán ung thư phổi vào khoảng 40/100.000 dân và ở TP.HCM là khoảng 30/100.000 người.

1. Ho khan, ho kéo dài

Ho là triệu chứng cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng ho khan kéo dài hơn 2 tuần và ngày càng trầm trọng mà không rõ nguyên nhân, bạn nên gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.

2. Giảm cân bất thường, ăn không ngon miệng 

Nếu cân nặng giảm sút một cách bất thường, không rõ nguyên nhân, đó là dấu hiệu sức khỏe có vấn đề nghiêm trọn, đây cũng là dấu hiệu chung của các loại bệnh ung thư. 

Khi tế bào ung thư phát triển, nó khiến hệ thống năng lượng của cơ thể suy giảm, dẫn tới cảm giác mệt mỏi, kiệt sức thường xuyên.

3. Đau lưng

Đau lưng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nhưng đây cũng là một trong những triệu chứng của ung thư phổi. 

Bệnh nhân bị đau lưng là do khối u chèn ép trực tiếp lên các cấu trúc vùng thắt lưng gây kích thích dây thần kinh đi qua ngực hoặc niêm mạc của phổi.

Đau lưng cũng có thể gây ra bởi sự di căn của bệnh tới xương sống, tuyến thượng thận. Khoảng 35% bệnh nhân ung thư phổi di căn xương có triệu chứng đau lưng, đặc biệt cần chú ý khi có các cơn đau từ phần giữa lưng trở lên.

4. Ho ra máu hoặc có vết máu trong nước bọt, đờm

Khi có biểu hiện ho ra máu thì bệnh thường không còn ở giai đoạn sớm, việc uống các loại thuốc trị ho, chống viêm không còn tác dụng. Thông thường ho ra máu sẽ đi kèm các triệu chứng như thở dốc, đau ngực, sốt dai dẳng... 

Những dấu hiệu bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối

Ở giai đoạn cuối, người bị ung thư phổi có những triệu chứng, biểu hiện khá rõ ràng và liên tục:

- Khi nuốt người bệnh cảm giác rất khó khăn, đau đớn.

- Người bệnh có cảm giác khó thở, khàn giọng, ho ra máu, ho thường xuyên và liên tục hơn.

- Người bệnh còn bị đau tức ngực, thở gấp, thở dồn, thở không đều.

- Thường xuyên bị sốt kéo dài nhưng rất dễ nhầm lẫn với những căn bệnh cảm cúm thông thường.

- Bệnh nhân ung thư phổi còn có biểu hiện bị trầm cảm, chán ăn, mất ngủ, đau ngực, đau lưng, đau vai, cánh tay, mặt bị phù, mi mắt bị sụp.

Những biểu hiện khi ung thư phổi đã di căn:

- Đau xương ( Đau vùng lưng hoặc vùng hông)

- Có những thay đổi về hệ thần kinh: đau đầu, yếu hay tê cẳng chân, cẳng tay; hoa mắt, gặp vấn đề thăng bằng, lên cơn tai biến,... do ung thư di căn lên não hay tủy sống

- Vàng da và mắt do ung thư di căn tới gan.

- Nổi các khối u trên bề mặt do ung thư di căn đến da hay các hạch lympho (ung thư tấn công vào các tế bào miễn dịch), như nổi các hạch vùng cổ hay trên xương đòn.

Không hút thuốc vẫn mắc ung thư phổi?

GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, đến nay nhân dẫn đến ung thư phổi vẫn chưa rõ ràng, nhưng khoảng 90% bệnh nhân là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.

Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.

Việc phải tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên cũng chịu tác hại không kém người hút trực tiếp

Những người phải tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên cũng chịu tác hại không kém người hút trực tiếp

Các nhà khoa học cũng tìm ra mối liên hệ các yếu tố nguy cơ với bệnh ung thư phổi như: môi trường ô nhiễm, tiếp xúc lâu với các chất phóng xạ như uranium, mỏ kền, mỏ cromate; một số ngành nghề có tiếp xúc như công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt...

Những trường hợp tiếp xúc với một số chất gây ô nhiễm không khí nhất định như radon, amiăng... có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn gấp 3-4 lần so với những người khác.

Ước tính đến năm 2020, số mắc mới ung thư phổi ở cả hai giới tại Việt Nam là hơn 34.000 người mỗi năm.