21/11/2024 | 20:52 GMT+7, Hà Nội

Những chính sách có hiệu lực trong tháng 10/2020

Cập nhật lúc: 01/10/2020, 16:24

Nhiều chính sách mới được thực hiện trong tháng 10 này như phạt những người bán hàng xách tay không có hóa đơn, phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai...

Bán hàng xách tay không hoá đơn có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Bán hàng xách tay không hoá đơn có thể bị phạt

Nghị định 98/2020 quy định những người bán hàng xách tay nếu không chứng từ, không khai báo hải quan sẽ bị phạt 100-200 triệu đồng. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

Cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000-50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu (hiện nay mức phạt 200.000-50 triệu đồng). Tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng.

Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chỉ được gọi điện thoại quảng cáo từ 8h đến 17h

Nghị định 91/2020 có hiệu lực từ 1/10 quy định không được phép gọi quá một cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được gọi từ 8h đến 17h mỗi ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận với người sử dụng. Trường hợp vi phạm các quy định này sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.

Nghị định này cũng quy định mỗi cá nhân quảng cáo không được phép gửi quá 3 tin nhắn tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ. Quy định hiện hành là không được phép gửi quá một tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày.

Nếu người sử dụng từ chối nhận nhưng người quảng cáo vẫn tiếp tục gửi tin sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi gọi điện quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi.

Tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai

Phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai

Tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/10 quy định hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác thì bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (trước đây phạt từ 2 - 4 triệu đồng) trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao… được làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu khu vực đó.

Ngoài ra, hành vi vi phạm nêu trên còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đồng thời người vi phạm bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm này.

Không chỉ vậy, Nghị định 99 cũng quy định, nếu tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định thì bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng (hiện nay mức phạt này đang là 40 - 60 triệu đồng).

Mua hàng miễn thuế được nhận hàng ở nước ngoài

Những tín đồ mua hàng miễn thuế ở nước ngoài sẽ rất vui khi Nghị định 100/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Dụ thể theo khoản 1 Điều 3 Nghị định này, người mua hàng miễn thuế được nhận tại các địa điểm sau:

- Người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế: Quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu quốc tế nơi hành khách xuất cảnh;

- Khách du lịch là người nước ngoài theo đoàn bằng đường biển, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế mua hàng miễn thuế trong nội địa: Quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu cảng biển loại 01 nơi khách du lịch xuất cảnh.

Đáng chú ý, ngoài địa điểm nhận hàng quy định trên, khách mua hàng (trừ khách mua hàng trên chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam) được nhận hàng ở nước ngoài. Đây là quy định mới được bổ sung tại Nghị định 100 năm 2020.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2020

Phải nộp đến 339.000 đồng/lần khi cắt, cấp điện trở lại

Ngày 09/9/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 23/2020/TT-BCT quy định về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại.

Cụ thể, mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại cơ sở (M) là mức chi phí cho một lần ngừng, cấp điện trở lại tại khu vực đồng bằng, có khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện đến địa điểm thực hiện từ 05 km trở xuống theo công thức:

Trong đó:

- Chi phí nhân công: Tính theo các yếu tố gồm mức lương cơ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho 01 ngày công, hệ số lương bậc thợ, hệ số phụ cấp lưu động và số công cho một lần đóng cắt theo các cấp điện áp;

- Chi phí đi lại: Là chi phí đi lại để thực hiện cho một lần ngừng, cấp điện trở lại.

Đặc biệt, Thông tư này quy định cụ thể mức chi phí này như sau:

- Tại điểm có cấp điện áp từ 0,38 kV trở xuống: M = 98.000 đồng;

- Tại điểm có cấp điện áp trên 0,38 kV đến 35 kV: M = 231.000 đồng;

- Tại điểm có cấp điện áp trên 35 kV: M = 339.000 đồng.

Phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại do các tổ chức, cá nhân liên quan phải trả cho bên bán điện để thực hiện ngừng, cấp điện trở lại trong trường hợp:

- Ngừng, giảm cấp điện không khẩn cấp: Ngừng cấp điện theo yêu cầu để đảm bảo an toàn phục vụ thi công công trình; theo yêu cầu của bên mua điện;

- Ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm bị bên bán điện ngừng cấp điện.

Thông tư này có hiệu lực từ 30/10/2020.

Phí và giá dịch vụ hàng không được giảm trong 6 tháng

Thông tư số 19/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 01/3/2020 đến hết ngày 30/9/2020.

Theo đó, kể từ ngày từ ngày 01/3/2020 đến hết ngày 30/9/2020, mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa áp dụng bằng 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019.

Đối với khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, từ ngày 01/3/2020 đến hết ngày 30/9/2020, Bộ Giao thông Vận tải áp dụng mức giá tối thiểu là 0 đồng đối với mộ số dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định khung giá, cụ thể: Dịch vụ thuê sân đậu máy bay, thuê quầy làm thủ tục hành khách, tra nạp xăng dầu hàng không, dịch vụ mặt đất, thuê cầu dẫn khách lên xuống máy bay…

Đồng thời, Thông tư số 19/2020/TT-BGTVT cũng quy định giá tối thiểu 0 đồng trong thời gian trên đối với 3 dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá gồm: Cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách; cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa; dịch vụ cơ bản thiết yếu tại nhà ga hành khách.