04/05/2024 | 01:47 GMT+7, Hà Nội

Những ''chiến binh'' thầm lặng sau cách ly

Cập nhật lúc: 28/04/2020, 14:13

Khi các địa điểm cách ly tập trung để phòng dịch Covid-19 vãn bóng người cũng là lúc các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế tại đây lại tiếp tục đợt cách ly mới cho chính mình.

Có người tình nguyện cách ly ngay tại khu cách ly tập trung; có người trở về gia đình tiếp tục cách ly tại nhà. Những câu chuyện "hậu" cách ly cho thấy sự hy sinh thầm lặng của các "chiến binh" thời bình.

Cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu phục vụ người dân tại khu cách ly tập trung Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai). Ảnh: Việt Dũng

Những câu chuyện ít biết về hậu cách ly

Ngày 15-4, khi khu cách ly tập trung Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) không còn người cách ly để phòng dịch Covid-19, các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế phục vụ tại đây bước vào hành trình tự cách ly thêm 14 ngày. Nhiều người chọn phương án về nhà, tự tìm khoảng không gian riêng để cách ly. Riêng Trung úy Nguyễn Văn Việt, nhân viên quân khí Ban Hậu cần kỹ thuật (Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai) đã xung phong ở lại để bảo vệ khu cách ly, cũng là tự cách ly chính mình.

Khác với những ngày làm việc gấp gáp liên tục trước đó trong khu cách ly gần 2.000 người, giờ đây một mình anh ở giữa khu nhà ở cao tầng rộng rãi. Hằng ngày, anh đi tuần tra toàn bộ khu vực cách ly, tỉ mẩn sắp xếp lại những đồ đạc còn chưa gọn gàng. "Chỉ còn mấy ngày nữa là hết thời gian tự cách ly, tôi có thể về nhà, sẵn sàng chờ nhận nhiệm vụ mới...", anh Việt chia sẻ.

Trong khi đó, tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến tình nguyện ở lại khu cách ly của bệnh viện để phục vụ, theo dõi sức khỏe cho những người thuộc diện F1. Ngày 9-4, đợt cách ly kết thúc, 24 người F1 trở về gia đình. Còn chị về nhà, ở trong căn phòng trên tầng 3 để tự cách ly thêm 14 ngày. Những ngày đầu, chị bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên vì không thể trực tiếp chăm sóc con trai học sắp thi đại học. Nhưng chính nhờ những tin nhắn của chồng động viên, cập nhật liên tục kết quả học tập của con, chị mới yên tâm phần nào. Không những thế, con trai chị luôn hỏi han, "tiếp tế" đồ ăn cho mẹ nên mọi mỏi mệt, lo âu của chị đã tan biến.

Những ngày tự cách ly đối với bác sĩ Nguyễn Hoài Linh, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội cũng rất đáng nhớ. Sau khi hết hạn cách ly ở khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, anh trở về nhà với sự háo hức sẽ nhìn thấy tận mắt cô con gái 15 tháng tuổi. Nhưng nhìn thấy bố, cô bé đã òa khóc như gặp người lạ. Chị Nguyễn Thị Hiểu, vợ anh Linh xúc động: "Nhìn thấy khuôn mặt thất thần của chồng khi con gái không nhận ra bố, tôi cũng rơm rớm theo. Cũng may là 10 ngày sau đó, hai bố con đã "làm quen" lại với nhau dù phải đứng xa nhau".

Trong khi đó, một bác sĩ khác của Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội làm nhiệm vụ cùng đợt với bác sĩ Nguyễn Hoài Linh, có bố chồng nằm viện nhưng chị không thể đến chăm sóc vì vẫn phải tự cách ly. Khi ông mất, chị không giúp được gì nhiều. Đến giờ, chị vẫn day dứt với chính mình dù gia đình nhà chồng luôn động viên, chia sẻ.

Còn điều dưỡng Phạm Hồng Nhung - người cùng "chiến tuyến" với bác sĩ Nguyễn Hoài Linh, kể lại khoảnh khắc khi chị trở về nhà, con gái nhỏ nhìn thấy chị đã òa khóc nức nở vì nhớ mẹ, nhưng chị phải đứng từ xa nhìn con và buộc phải gửi con sang bà ngoại để bảo đảm an toàn cho bé.

Cán bộ, chiến sĩ phát cơm chiều tại khu cách ly Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Động lực để đóng góp cho cộng đồng

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, tính đến nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tiếp nhận, vận chuyển 15.355 công dân về các khu cách ly tập trung. Để quá trình cách ly của công dân diễn ra suôn sẻ, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ.

Và đương nhiên, sau những đóng góp ấy là những hy sinh thầm lặng khó kể hết. Quan trọng là họ đều coi đó như một phần trong công việc của mình. Đại úy Phạm Tường Bắc (Ban Chỉ huy quân sự quận Nam Từ Liêm), làm nhiệm vụ phục vụ vòng trong khu cách ly Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội kể, khi những chiếc xe lăn bánh đưa 669 người cách ly cuối cùng tại trường ra ga tàu, bến xe, sân bay… để về nhà thì các anh mới thở phào nhẹ nhõm. Rồi sau đó các anh chấp nhận bước vào hành trình cách ly cho chính mình… cũng để an toàn cho cộng đồng, gia đình.

Chia sẻ với những cống hiến thầm lặng của các bác sĩ, điều dưỡng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội Trần Quốc Hùng cho biết, chứng kiến những ngày trực tiếp làm việc ở khu vực cách ly càng trân trọng tinh thần nhiệt huyết của các thành viên, trong đó có 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng của bệnh viện. Và may mắn là gia đình, "hậu phương" của họ luôn động viên, mong muốn "chia lửa" cùng cả nước chống "giặc Covid-19", để họ yên tâm tự cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Chính những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế từng làm việc tại khu cách ly tập trung cũng có thêm động lực khi nhận được phản hồi từ những người từng được cách ly. Chị Dương Chính, một người từng ở khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, đã ghi lại những cảm xúc trên trang cá nhân mạng xã hội, gửi lời chúc sức khỏe đến "các chú, các anh và các chị trực tiếp làm nhiệm vụ tại khu cách ly Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội" trong thời gian tự cách ly tại nhà. Hay những câu chuyện về những người từng cách ly tại các khu cách ly tập trung vẫn thường xuyên nhắn hỏi thăm, động viên và mong mỏi được trở lại thăm những "chiến binh" tận tụy khi dịch bệnh bị đẩy lùi vẫn đang được kể lại trên nhiều kênh thông tin… “Đấy là động lực để chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới” - đại úy Phạm Tường Bắc chia sẻ.