19/01/2025 | 10:13 GMT+7, Hà Nội

Những căn nhà đổ sụp...

Cập nhật lúc: 01/08/2018, 14:28

Tính đến trưa ngày 31/7, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình đã có 9 nhà bị đổ sập hoàn toàn xuống sông Đà, 10 ngôi nhà sập một phần, 9 nhà có dấu hiệu bị nứt nẻ và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cần di dời.

Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến, hơn 100 người dân đã được sơ tán đến vùng an toàn, UBND TP Hoà Bình đang triển khai phương án chuyển các nhà dân đến khu tái định cư mới. Mức hỗ trợ ban đầu cho các gia đình bị sạt lở là 70 triệu đồng.

Những con số quá nhỏ so với những gì đang diễn ra.

Thực tế cho thấy, ven sông Đà nói riêng và ven các con sông khác có rất nhiều gia đình đang đã và sinh sống ổn định suốt nhiều năm trời. Tại thời điểm các gia đình xây dựng nhà ở trên đất ven sông, các khu vực này đều an toàn hơn hiện nay rất nhiều.

Khu đất bị sạt lở nằm kẹp giữa sông Đà và quốc lộ 6 (nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc). Ảnh: VNE.

Khu đất bị sạt lở nằm kẹp giữa sông Đà và quốc lộ 6 (nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc). Ảnh: VNE.

Tuy nhiên, sau hàng chục năm mưa nắng, nước chảy liên tục gây xói mòn 2 bên bờ sông khiến các căn nhà này ngày càng tiến sát bờ sông hơn.

Cùng với đó, tình trạng phá rừng đầu nguồn, khai thác cát trái phép, tự ý lập các bến cát, bến tàu ở nhiều nơi làm dòng chảy của sông bị thay đổi, nước sông dâng cao nhanh và đột ngột mỗi khi mưa lũ khiến tình trạng xói mòn 2 bên bờ sông càng diễn ra nhanh chóng và nghiêm trọng hơn.

Trong khi đấy, các chính quyền địa phương còn thiếu sâu sát, chưa quan tâm triệt để đến vấn đề này mà mới chỉ dừng lại ở kế hoạch, chủ trường.

Đơn cử như tại Hòa Bình, từ năm 2017, thành phố đã có kế hoạch di dời các hộ dân dọc bờ sông Đà đến khu tải định cư ở huyện Kỳ Sơn để đảm bảo an toàn nhưng hơn 1 năm trôi qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ trong khi bờ sông ngày càng yếu hơn, lấn sâu vào đất liền hơn và đe dọa cuộc sống của nhiều người hơn.

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, 19 căn nhà ở bờ sông Ô Môn (thành phố Cần Thơ) cũng bị lở sụt nghiêm trọng do tình trạng sạt lở bờ sông. Trong đó, có 5 căn nhà sụp đổ hoàn toàn xuống lòng sông.

Những sự việc tương tự cũng từng xảy ra ở nhiều địa điểm khác như Nhà Bè (TPHCM), Hậu Giang, Cà Mau, Nghệ An,...

Lần nào, sau mỗi vụ việc, người ta cũng bày tỏ sự xót xa, thương cảm và yêu cầu cơ quan chức năng cần gấp rút vào cuộc. Lần nào các vị lãnh đạo cơ quan hữu quan cũng kêu gọi rút kinh nghiệm sâu sắc và yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý hành lang an toàn sông, đồng thời bố trí tái định cư cho những người dân trong diện cần di chuyển. Tuy nhiên, khi sự việc lắng xuống, dường như tất cả đâu lại hoàn đấy.

Chính quyền thì quá bận rộn với quá nhiều dự án kinh tế, văn hóa, giáo dục,... Người dân thì vừa tiếc ngôi nhà vốn thân thuộc, vừa ngại di dời, vừa coi thường nguy hiểm nên chẹp miệng bỏ qua. Lâu dần, khi nước sông ngày một dâng cao, bờ sông ngày càng lấn sâu và người dân chủ quan thì cũng là lúc tai họa đột ngột giáng xuống khiến nhiều gia đình hoàn toàn trắng tay.

Cũng cần nói thêm rằng, trong những vụ sạt lở bờ sông và sụp nhà gần đây đều may mắn không có thương vong về người mà chỉ gây thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì không ai có thể dám chắc điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Vậy nên, có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần bớt hô khẩu hiệu mà cần tập trung vào giải quyết thực tế là rất nhiều hộ gia đình đang sống cùng hiểm nguy trực chờ bên các dòng sông lớn mà mùa lũ thì đang diễn ra với quá nhiều nguy cơ.

Chỉ có việc thực hiện triệt để việc di dời các hộ dân trong diện nguy hiểm ven các dòng sông lớn thì những bài báo đầy xót xa về những căn nhà đổ sụp như thế này mới có thể sớm chấm dứt trong tương lai.