Nhu cầu nội địa, xung lực cho quá trình phục hồi kinh tế
Cập nhật lúc: 06/11/2021, 06:30
Cập nhật lúc: 06/11/2021, 06:30
Thách thức từ lạm phát
Hai năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Hầu hết các dự báo tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2020 - 2021 đều không đạt được như kỳ vọng. Thậm chí, trong quý III/2021, lần đầu tiên GDP Việt Nam tăng trưởng âm, với mức giảm là 6,17%.
Nhận định về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 năm qua, tại Diễn đàn Xung kích Kinh tế Việt Nam 2021, diễn ra sáng nay (5/11) do Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia-Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2020 - 2021 giảm tương đối sâu, khoảng 6% - 7% so với các dự báo.
Dù vậy, về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa hồi phục và tăng trưởng, sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19.
Phân tích rõ hơn về điều này, ông Trần Toàn Thắng cho biết: Trong bối cảnh cả thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, đã tạo ra động lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Nhu cầu đầu tư toàn cầu sau dịch sẽ tăng cao, dòng vốn FDI cũng sẽ tăng trưởng theo.
Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là lạm phát.
Theo ông Thắng, nhìn vào thực tế có thể thấy, trong giai đoạn sau dịch, lạm phát trên thế giới có xu hướng tăng mạnh. Các loại nguyên liệu đầu vào như kim loại, sắt thép, xăng dầu,... đều đã tăng giá. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam.
“Giá xăng dầu tăng sẽ khiến lạm phát tăng và điều này ảnh hưởng không tốt tới quá trình phục hồi. Tuy nhiên, việc giá dầu tăng có thể kéo dài tới hết năm 2022. Sang năm 2023, giá dầu sẽ ổn định hơn”, ông Thắng cho biết.
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng hóa, logistics tăng mạnh trong thời gian qua cũng khiến tỷ lệ lạm phát trở nên trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phục hồi kinh tế.
Ông Thắng cho biết: Hầu như giá cước vận chuyển, logistics trên thế giới đều đã tăng từ 10 - 20 lần. Đơn cử, như giá container vận chuyển từ Trung Quốc tới Hà Lan đã tăng từ 2.000 USD lên 22.000 USD, tăng hơn 10 lần. Có trường hợp, giá trị vận chuyển còn cao hơn giá trị gói hàng.
“Chúng ta là nước nhập khẩu nhiều. Do đó, việc giá cước vận chuyển hàng hóa tăng sẽ ảnh hưởng tương đối đến lạm phát ở Việt Nam. Đối với xuất khẩu, giá cước tăng cũng ảnh hưởng rất tiêu cực. Nếu chi phí logistics trên toàn cầu tiếp tục duy trì mức cao trong dài hạn, sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư nước ngoài, hoặc quá trình tái cơ cấu kinh tế sẽ chậm lại”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tốc độ phục hồi kinh tế phụ thuộc lớn vào cầu tiêu dùng nội địa
Theo dự báo của ông Trần Toàn Thắng, kết thúc năm 2021 sẽ có 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Với kịch bản tốt, trong quý IV, GDP được dự báo sẽ tăng 3,17%, điều này sẽ giúp GDP cả năng tăng 1,9%.
Với kịch bản trung bình, trong quý IV, ông Thắng dự báo GDP sẽ tăng 2,02%, và GDP năm sẽ tăng 1,52%. Trong trường hợp xấu nhất, GDP quý sẽ âm, giảm 1,28%, nếu trường hợp này xảy ra, GDP năm vẫn sẽ tăng ở mức 0,43%.
Sang năm 2022, ông Thắng tiếp tục đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Kịch bản thứ nhất, nếu dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, chuỗi cung ứng phục hồi nhanh và chi phí logistics giảm, các gói hỗ trợ đạt hiệu quả cao, thì GDP cả năm có thể đạt được 6,7%.
Kịch bản thứ hai, trong trường hợp kinh tế thế giới phục hồi tốt, các quốc gia như Mỹ, EU tăng trưởng 3 - 3,5%, Trung Quốc tăng trương 5%. Việt Nam kiểm soát được cải thiện và các giải pháp hỗ trợ được triển khai tốt, thì GDP cả năm có thể đạt được 5,8%.
Kịch bản thứ ba, nếu dịch bệnh vẫn khó đoán, biến chủng mới, các đối tác thương mại phục hồi chậm hơn kỳ vọng, có thể GDP cả năm đạt được mức thấp nhất khoảng 4,5%.
Theo ông Thắng, tổng cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021, và đầu năm 2022 sẽ là một xung lực hỗ trợ kinh tế hồi phục.
Ông Thắng phân tích: Nhu cầu tiêu dùng nội địa chiếm tới 70% - 80% trong cơ cấu GDP. Vì vậy, nếu các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho kinh tế mở cửa trở lại, không ngăn sông, cấm chợ sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng.
Theo một số nghiên cứu tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam, sau những biến động của dịch bệnh, thiên tai, thị trường tiêu dùng phải cần 12 tháng để hồi phục.
Thế nhưng, trong năm 2021, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam, vì vậy, quá trình phục hồi tương tự như năm 2019 không dừng lại ở 12 tháng, có thể dài hơn trong vài năm.
“Đợt dịch thứ 4 ảnh hưởng quá nhiều tới nền kinh tế, thu nhập của người dân cũng giảm đi rất nhiều. Do đó, quá trình phục hồi sẽ diễn ra dần dần, khó có thể phục hồi nhanh được”, ông Thắng nói.
Nguồn: https://congluan.vn/nhu-cau-noi-dia-xung-luc-cho-qua-trinh-phuc-hoi-kinh-te-post165252.html
08:03, 05/11/2021
09:42, 20/10/2021
08:30, 20/10/2021