Các chính sách hỗ trợ vẫn còn \"thiên vị\" doanh nghiệp FDI
Cập nhật lúc: 20/10/2021, 08:30
Cập nhật lúc: 20/10/2021, 08:30
Sau 35 năm đổi mới, khối kinh tế tư nhân đã khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế tư nhân đóng góp 40% vào GDP
Tại buổi Hội thảo công bố báo cáo “Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới” trong khuôn khổ Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức sáng nay (19/10) tại Hà Nội, TS Nguyễn Thị Luyến - Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp - thuộc CIEM khẳng định, trong giai đoạn từ năm 2011, cho tới nay, khối kinh tế tư nhân đã tăng trưởng về cả số lượng và chất lượng.
Cụ thể, theo bà Luyến, số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới tăng đều mỗi năm, nếu như trong giai đoạn 2006 - 2014, mỗi năm có khoảng 70.900 doanh nghiệp thành lập mới, thì trong giai đoạn 2015 - 2020, con số này tăng lên 122.500 doanh nghiệp/năm.
Số lượng doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cũng tăng lên đáng kể. Ví dụ, năm 2011 có khoảng 325.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động, thì sang năm 2019 đã tăng lên 647.000 doanh nghiệp.
Quy mô vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh, từ 6.875 nghìn tỷ đồng năm 2011, lên 24.024,5 nghìn tỷ đồng vào 2019, tăng gấp gần 3,5 lần.
Bà Luyến nhấn mạnh, trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp tư nhân lọt vào trong danh sách top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam ngày càng nhiều. Thậm chí, đã có 6 đơn vị lọt vào danh sách những doanh nghiệp lớn của châu Á và thế giới.
“Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân đóng góp tới 40% GDP, hỗ trợ hàng triệu người lao động có việc làm với mức lương bình quân lên 8,3 triệu đồng/tháng vào năm 2020. Điều này cho thấy, khối kinh tế tư nhân ngày càng có vị thế quan trọng trong nền kinh tế”, TS Nguyễn Thị Luyến cho biết.
Tuy nhiên, theo TS Luyến, năng lực của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế. Năng lực cạnh tranh thấp với năng lực nội tại yếu, chậm được cải thiện.
Khu vực kinh tế tư nhân đông về số lượng nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa; trình độ công nghệ, trình độ quản trị không cao, khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh hạn chế, năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn yếu; hiệu quả hoạt động còn thấp và chưa đồng đều.
Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự tương ứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Đặc biệt, năng lực chống chịu trước “cú sốc” đại dịch Covid-19 còn hạn chế. Tình trạng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trở nên phổ biến.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định bao gồm cả nguyên nhân nội tại và nguyên nhân từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Thực tế, những yếu kém trong nội tại vừa là hạn chế vừa là nguyên nhân cản trở quá trình nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Bên cạnh đó, vẫn còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận.
“Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, điều hành thiếu nhất quán, đặc biệt ở địa phương trong giai đoạn dịch Covid-19, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, tình trạng phân biệt đối xử vẫn diễn ra”, TS Luyến chia sẻ quan điểm.
Cần có sự công bằng cho kinh tế tư nhân
Mặc dù kinh tế tư nhân của Việt Nam đang từng bước trưởng thành và ghi đậm dấu ấn trên trường thế giới, song vẫn chưa thể vượt qua cái “bóng” khổng lồ của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này đã dẫn đến hiện tượng, các doanh nghiệp “nội” đang thua ngay chính sân nhà.
Một phần, Chính phủ, và các địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đơn cử như miễn thuế thuê đất, hỗ trợ thuế,... Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân lại không nhận được đặc quyền này.
Đồng tình với nhận định trên, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, khối kinh tế tư nhân đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, cùng các Bộ, ngành, địa phương.
Thế nhưng, có rất nhiều chính sách rất mạnh hỗ trợ khối các doanh nghiệp FDI, thì doanh nghiệp tư nhân lại không có. Vì vậy, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ cần phải có công bằng, không phân biệt doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI.
“Tôi cho rằng, các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng các doanh nghiệp FDI là đủ, không cần hơn. Chỉ cần có vậy, các doanh nghiệp tư nhân cũng đủ sức phát triển vượt bậc hơn hiện nay rất nhiều”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Ông Thiên cũng nhấn mạnh, ngay cả trước đây, khi chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp tư nhân, nhất là khối doanh nghiệp từ Đông Âu trở về đều đã vượt qua nghịch cảnh rất tốt. Do đó, nếu có thêm chính sách hỗ trợ, chắc chắn sẽ là một xung lực cho khối kinh tế tư nhân phát triển.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Luyến đánh giá, để nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, trước mắt tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.
Đối với bản thân các chủ thể khu vực kinh tế tư nhân, để tận dụng được cơ hội cũng như khắc phục những hạn chế, cần chú trọng nâng cao chất lượng, quy mô để đảm đủ lớn về quy mô, đáp ứng yêu cầu chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt.
“Các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau, tập hợp các doanh nghiệp cùng ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng chia sẻ cơ hội, khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với những bất định như thiên tai, dịch bệnh”, TS Luyến đánh giá.
Nguồn: https://congluan.vn/cac-chinh-sach-ho-tro-van-con-thien-vi-doanh-nghiep-fdi-post162239.html
17:12, 16/10/2021
06:15, 03/10/2021
06:05, 29/09/2021