Nhìn từ “cuộc chiến” thương hiệu Grow Plus: Ai là người chịu thiệt?
Cập nhật lúc: 20/07/2015, 04:51
Cập nhật lúc: 20/07/2015, 04:51
Hai doanh nghiệp về sữa có thị phần lớn nhất Việt Nam là Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng (NutiFood) đang đấu tố lẫn nhau vì một sản phẩm sữa trùng tên: Grow Plus. Đây là sản phẩm sữa dành cho trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi. Bên nào cũng có lập luận để bảo vệ thương hiệu của mình.
Sự việc bắt đầu vào ngày 20/5/2015, Vinamilk tung ra thị trường sản phẩm sữa dành cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi mang nhãn hiệu Grow Plus. Chỉ một ngày sau, NutiFood đã có ngay văn bản gửi tới Vinamilk vì cho rằng sản phẩm của Vinamilk có sự trùng hợp ngẫu nhiên với sản phẩm của NutiFood cho ra thị trường từ năm 2012. Vinamilk cũng đáp lại bằng việc gửi văn bản đến nhiều cơ quan ban ngành khẳng định: đó là dòng sản phẩm lâu đời của họ chứ không phải của NutiFood.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị NutiFood cho rằng, sản phẩm dành cho trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi - Grow Plus được NutiFood bắt đầu nghiên cứu từ năm 2010. Đến giữa tháng 4/2012, Grow Plus bắt đầu có mặt tại thị trường trong nước và được người tiêu dùng đánh giá cao nhờ tính hiệu quả của sản phẩm. Đồng thời, NutiFood đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, bảo đảm mình là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu Grow Plus.
Tuy nhiên, đến ngày 20/5/2015, trên thị trường xuất hiện sản phẩm Grow Plus dành cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi của Vinamilk với tên gọi, hình ảnh kiểu dáng thiết kế bao bì, mầu sắc, công dụng sản phẩm tương tự với sản phẩm Grow Plus của NutiFood. Sự trùng hợp này không chỉ khiến người tiêu dùng hiểu lầm công ty Vinamilk sao chép nhãn hiệu của NutiFood, mà còn có nguy cơ gây ra nhiều rủi ro cho cả hai công ty.
Vinamilk khẳng định: sản phẩm Grow Plus của Vinamilk là một trong các dòng sản phẩm của nhãn hiệu Dielac - một nhãn hiệu truyền thống lâu đời của Vinamilk, đã được sử dụng từ hàng chục năm nay, và đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu Dielac được Vinamilk phát triển và đa dạng hóa thành nhiều dòng sản phẩm như: Dielac Alpha, Dielac Alpha Gold, Dielac Grow, Dielac Grow Plus, Dielac Mamma... và "Dielac Grow Plus" là một trong các dòng sản phẩm đó.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải cho rằng, cách trả lời của Vinamilk như trên là chưa đúng với mong muốn hợp tác của NutiFood: "Chúng tôi rất hiểu rằng việc xác định các sản phẩm có nhái nhau hay không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận. Vì vậy, khi phát hiện có sản phẩm mới của Vinamilk trùng nhãn hiệu Grow Plus của NutiFood, chúng tôi đã gửi công văn tới Vinamilk, bày tỏ mong muốn cùng Vinamilk ngồi lại để bàn bạc và tìm ra hướng xử lý vẹn toàn cho cả đôi bên. Tuy nhiên, như vậy là Vinamilk đã từ chối hợp tác" - ông Hải nói.
Theo một chuyên gia kinh tế, việc ai lấy cắp của ai cần có thời gian cho cơ quan chức năng phán xét. Tuy nhiên, việc hai doanh nghiệp Việt đấu lẫn nhau trên sân nhà lại rất đáng quan tâm suy xét.
Qua quan sát hai sản phẩm, chúng ta dễ dàng nhận thấy có những dấu hiệu tương tự về nhãn hiệu sữa Grow Plus của hai công ty trên, cụ thể như sau: tên sản phẩm Grow Plus; tem chứng nhận của Hoa Ký; đối tượng sử dụng: dùng cho trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi; biểu tượng: em bé phát triển khoẻ mạnh; tên công thức gần giống nhau; nhóm sản phẩm: sữa bột; màu sắc: màu đỏ và vàng là hai màu chủ đạo.
Ở khía cạnh pháp lý, NutiFood cho rằng Vinamilk có hành vi sử dụng nhãn hiệu dễ gây nhầm lẫn với sản phẩm của mình. Nhãn hiệu Grow Plus là một trong số những nghiên cứu nổi bật của đơn vị này, được ra mắt vào tháng 4.2012 và được người tiêu dùng đánh giá rất cao về hiệu quả của sản phẩm.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết rằng sản phẩm Grow Plus của NutiFood đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu từ tháng 8/2013, tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Về phía Vinamilk cũng khẳng định dòng sản phẩm Dielac Grow Plus cũng đã được đăng ký nhãn hiệu và cũng chưa được cấp giấy chứng nhận.
Mặc dù cả hai công ty đều đã đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu Grow Plus, tuy nhiên NutiFood là đơn vị đã thực hiện đăng ký bảo hộ trước Vinamilk. Quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (điều 90 của luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau: “2. Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau… thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ”.
Như vậy, Nutifood sẽ được hưởng sự ưu tiên do đáp ứng tiêu chí “ngày nộp đơn sớm nhất” nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ so với Vinamilk. Tuy nhiên, do chưa xác định được phạm vi đăng ký bảo hộ của NutiFood nên chưa thể xác định được nhãn hiệu sữa Grow Plus của Vinamilk nhầm lẫn với sản phẩm của NutiFood tới mức độ nào. Hơn nữa, NutiFood chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Grow Plus nên Vinamilk sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính, NutiFood cũng không có quyền ngăn chặn hành vi của Vinamilk khi chưa được cấp văn bằng bảo hộ.
Vì vậy, để có câu trả lời chính xác, chúng ta cần đợi kết luận từ cục Sở hữu trí tuệ sau khi xem xét, thẩm định, công bố kết quả về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm sữa Grow Plus của hai đơn vị trên.
Qua những dấu hiệu tương tự như đã phân tích, có thể thấy rằng bằng quan sát thông thường người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn về sản phẩm sữa Grow Plus của NutiFood và Vinamilk.
Mặc dù cả hai doanh nghiệp đều đã nêu ra những lý do khá hợp lý cho mình, tuy nhiên, với sự lý giải sự việc mà "ai cũng cho rằng mình đúng" ấy khiến người tiêu dùng hoang mang. Khi người tiêu dùng muốn lựa chọn một sản phẩm sữa phù hợp nhưng hình thức của cả hai nhãn hiệu lại "hao hao giống nhau" thì hẳn nghi ngại về chất lượng hay niềm tin về một thương hiệu bị lung lay là hoàn toàn có thể xảy ra.
Việc tranh chấp thương hiệu giữa hai doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phải chờ kết luận thẩm định của cơ quan chức năng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng thiệt hại trước mắt cho cả hai thương hiệu này là người tiêu dùng đang mất đi hình ảnh đẹp với thương hiệu Việt, bởi lòng tin của người tiêu dùng đang bị lung lay. Lẽ ra trong chương trình kêu gọi “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực đi đầu sáng tạo để đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng đột phá thì ngược lại, vẫn còn những cạnh tranh theo kiểu “ăn theo”, bắt chước mẫu mã, sản phẩm của nhau, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Chị Phạm Thu Hương, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Trẻ nhà mình bị suy dinh dưỡng nên rất cần được bổ sung đầy đủ protein, năng lượng và các vi chất thiết yếu cháu thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe và phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí não.
Từ trước đến nay, mình rất chuộng sữa Grow plus của Công ty A vì chất lượng tốt, nhưng tuần qua đến đại lý mua loại sữa này lại được đưa loại sữa Công ty B. Do mẫu mã, màu sắc hộp sữa rất giống nhau nên không phân biệt được, đến khi về nhà mới biết mua nhầm của hãng sữa khác. Dù sản phẩm của Công ty B cũng có uy tín nhưng do sử dụng quen loại sữa này của công ty A nên tôi rất bực bội và cảm thấy bị lừa dối. Mặt khách, khi con mình đang dùng quen sản phẩm của Công ty A giờ dùng sản phẩm của Công ty B liệu có làm sao không? Mong các doanh nghiệp sớm giải quyết rõ ràng để người tiêu dùng không phải chịu thiệt”.
Phải khẳng định rằng, các doanh nghiệp sữa của Việt Nam đã có một thời gian dài nỗ lực không ngừng để thị trường sữa thoát khỏi cảnh bị chiếm lĩnh bởi thương hiệu ngoại. Do đó, rất cần một sự minh bạch giữa các doanh nghiệp sữa trong nước nhằm tạo sự ổn định, bền vững của thị trường này, đồng thời không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Từ sự việc trên, một chuyên gia thương hiệu cho rằng, cả Nutifood và Vinamilk đều là những thương hiệu lâu năm, đã có uy tín, chỗ đứng trên thị trường, nhất là đã có một số lượng khách hàng trung thành, vậy cớ sao phải “na ná” nhau như vậy? Một khi người tiêu dùng đã tin cậy chất lượng và yêu quý thương hiệu nào thì dù doanh nghiệp đó có bao bì, mẫu mã mới lạ, họ vẫn chọn lựa, tin dùng. Không thể phủ nhận cùng một dòng sản phẩm, công dụng như nhau sẽ khó tránh khỏi sự trùng lắp về công thức sản xuất nhưng ý tưởng marketing, bao bì sản phẩm, màu sắc thì hoàn toàn có thể khác biệt, không nhất thiết hãng này màu xanh, hãng kia cũng phải màu xanh na ná, hay hãng này lấy tên này, hãng kia cũng lấy tên tương tự hoặc y chang nhau.
Việc tranh chấp của Vinamilk và NutiFood, chính là bài học chung cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một thương hiệu Việt Nam chân chính và luôn giữ được cảm tình của người tiêu dùng là thương hiệu dám tiên phong đi đầu để tạo sự khác biệt, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hoàn hảo nhất về mặt dinh dưỡng và sức khỏe. Việc “ăn theo”, bắt chước nhãn hiệu của nhau nhau không chỉ làm giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt mà quan trọng hơn, nó còn tạo ra hình ảnh không đẹp trong lòng người tiêu dùng, làm mất niềm tin vào các doanh nghiệp./.
08:21, 21/08/2020
02:28, 06/06/2015