Nhìn lại 1 năm đầy biến động của ngành ô tô Việt Nam
Cập nhật lúc: 24/12/2018, 08:00
Cập nhật lúc: 24/12/2018, 08:00
Thị trường ôtô-xe máy Việt Nam trải qua một năm 2018 với nhiều biến động. VnExpress điểm lại những vấn đề nổi bật nhất:
Sau năm 2017 chờ đợi không mua xe, khách hàng "vỡ mộng" khi các hãng không giảm giá trong 2018 như kỳ vọng. Nguyên nhân được đưa ra là đã giảm mạnh trong năm 2017 để kích cầu.
Không những giá không giảm, nhiều mẫu xe hút khách của Toyota, Honda, Mazda còn quay đầu tăng giá. Những đợt điều chỉnh giá tương tự từ các hãng khác khiến viễn cảnh xe giá rẻ vẫn còn xa vời với khách hàng Việt.
Giá xe trong nước chịu nhiều biến động còn đến từ nguồn cung hạn chế của xe nhập khẩu lẫn lắp ráp. Các đại lý vì thế được dịp làm giá. Người mua phải chi thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để nhận xe sớm.
Nghị định 116 ban hành tháng 10/2017 khiến các hãng nhập khẩu gần như không có xe bán trong gần nửa năm đầu 2018. Nghị định yêu cầu Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) nhưng các hãng, phần lớn đều không thể đáp ứng kịp bởi thời gian từ lúc ban hành đến khi có hiệu lực chỉ hai tháng.
Không thể chờ đợi lâu hơn, các hãng nhập khẩu bằng nhiều cách hoàn thiện thủ tục, giấy tờ cần thiết. Đến tháng 8/2018, làn sóng xe nhập bắt đầu trở lại cùng hàng loạt mẫu xe mới ra mắt thị trường.
Xe nhập về nước đều đặn từ nửa sau 2018 nhưng những mẫu xe bán chạy luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Khách hàng vì vậy khó mua xe đúng giá niêm yết khi phải chi thêm tiền phụ kiện.
Ôtô lắp ráp: cơ hội tăng trưởng, tỷ lệ nội địa hoá vẫn thấp
Sự khó khăn của ôtô nhập khẩu cũng là cơ hội để xe lắp ráp lên ngôi. Tính đến hết tháng 11/2018, doanh số xe lắp ráp tăng 11%, trong khi xe nhập giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ động hơn về nguồn cung nhưng hầu hết các mẫu xe lắp ráp đều trong tình trạng không đáp ứng kịp, đặc biệt trong nửa đầu 2018. Sau đó, sức ép từ xe nhập sắp về khiến các đại lý giảm giá xe lắp ráp để tranh thủ đẩy mạnh bán hàng.
Xe lắp ráp tăng trưởng nhưng chưa phải là tín hiệu tích cực mang tính nền tảng. Những cam kết của các hãng về tỷ lệ nội địa hoá vẫn chưa biến chuyển nhiều, công nghiệp phụ trợ còn èo uột.
Sự xuất hiện của hai mẫu xe concept Lux A 2.0 và SA 2.0 tại triển lãm Paris tạo nên cú hích lớn về mặt hình ảnh thương hiệu. Lần đầu tiên một hãng xe Việt Nam bước ra biển lớn, hợp tác với những gã khổng lổ như BMW, Bosch, Pininfarina, Magna Steyr để sản xuất ôtô.
VinFast trở thành một hiện tượng truyền thông, thu hút không chỉ ở tốc độ phát triển thần tốc mà còn ở khía cạnh tự hào dân tộc. Sự hào hứng của người Việt về một hãng xe "made in Viet Nam" trỗi dậy sau thời gian dài chìm vào quên lãng.
Ba mẫu ôtô cùng xe máy điện Klara của hãng công bố mức giá gây nhiều tranh cãi trên thị trường. Với VinFast, thương hiệu Việt sở hữu nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít e ngại.
Năm 2018 chứng kiến số lượng ôtô gặp lỗi và triệu hồi tăng so với 2017. Những hãng bị ảnh hưởng trải từ phổ thông đến hạng sang.
Một vài "khủng hoảng" xảy ra trên thị trường như vụ Mercedes GLC bị nước vào vi sai cầu trước, Honda CR-V gỉ sét vòng đệm càng chữ A bánh sau, vụ kiện Ford Focus. Bên cạnh băn khoăn về chất lượng xe, người Việt phần nào cho thấy ý thức mạnh hơn về việc phản ánh, tranh chấp quyền lợi hợp pháp của bản thân với các hãng.
Luật thuế tài sản đề xuất áp dụng mức 0,4% giá trị xe/năm, phí trước bạ xe bán tải đề xuất chịu 60% so với mức xe con là những thông tin đáng chú ý trong 2018. Cả hai đề xuất đều có thể khiến chi phí sở hữu xe đối với người Việt tăng nếu đi vào thực tế.
Nếu luật thuế tài sản được áp dụng, một người mua mẫu Mercedes GLC giá 2 tỷ phải chi thêm 8 triệu để sở hữu so với hiện nay. Trong khi với cách tính phí trước bạ mới, khách mua Ford Ranger giá 800 triệu tại Hà Nội cần chi thêm hơn 40 triệu cho tiền lăn bánh.
Hiện cả hai đề xuất này đều chưa được phê duyệt.
Không sôi động như ôtô, sức mua chưa có dấu hiệu giảm ở phân khúc xe máy, tuy vậy thị trường cũng không nhiều khởi sắc. Các hãng không có sản phẩm mới tạo "bão" thị trường mà chủ yếu là các bản nâng cấp, bổ sung tính năng.
Hiện tượng xe máy xanh bắt đầu khởi phát trong 2018 với nhiều hãng xe góp mặt. Honda có PCX, Yamaha có Grande, những xe máy hybrid dùng động cơ xăng lai điện. Bên cạnh đó là xe máy điện VinFast Klara. Piaggio dự kiến bán Vespa Elettrica trong 2019, Kymco cũng có kế hoạch tham gia mảng xe máy "xanh" trong thời gian tới.
13:44, 17/12/2018
12:41, 13/12/2018
06:00, 11/12/2018
15:00, 09/12/2018