Nhiều tín hiệu lạc quan từ các thị trường có FTA
Cập nhật lúc: 26/08/2019, 19:01
Cập nhật lúc: 26/08/2019, 19:01
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu (XK) sang các thị trường là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định để thúc đẩy, đa dạng hóa thị trường XK.
Với EVFTA, để DN Việt tận dụng được cơ hội XK cần cải thiện khâu sản xuất chế biến đối với những sản phẩm có tiềm năng. (Ảnh minh họa)
Theo nhận định của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy các ưu đãi từ các FTA cơ bản đã được tận dụng có hiệu quả.
Điển hình như trong 7 tháng qua, XK sang Nhật Bản đạt 11,4 tỷ USD, tăng 9,3%; Hàn Quốc: 10,7 tỷ USD, tăng 4,4%; ASEAN: 15,17 tỷ USD, tăng 5,4%; Nga: 1,67 tỷ USD, tăng 14,1%; New Zealand: 315,8 triệu USD, tăng 15%…
Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định để thúc đẩy XK, đa dạng hóa thị trường XK.
Nhằm thúc đẩy XK trong những tháng cuối năm, ngoài việc thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, để mở rộng thị trường XK, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới mà FTA Việt Nam – EU (EVFTA) hay CPTPP là những điển hình.
Với EVFTA, để DN Việt tận dụng được cơ hội XK (chẳng hạn như ngành hàng nông sản thực phẩm), bà Magdalena Krakowiak, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Trung và Đông Âu tại Việt Nam có lời khuyên là cần cải thiện khâu sản xuất chế biến đối với những sản phẩm có tiềm năng XK. Đặc biệt là cần đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và được EU công nhận về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Theo bà Magdalena, thị trường EU có xu hướng trả giá cao hơn cho những sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường và với EVFTA chính là cơ hội cho nông sản, thủy hải sản, rau củ quả của Việt Nam.
Trong bối cảnh có những lợi thế XK từ các FTA thì vấn đề xuất xứ hàng hóa vẫn là một thách thức lớn với các DN Việt. Như lưu ý của ông Nestor Sherbey, chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GTFA), ngoài nông sản XK có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, những sản phẩm thuộc một số nhóm hàng khác rất cần chứng minh được xuất xứ, hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” nhằm nâng cao hiệu quả tham gia các FTA thế hệ mới và các FTA đã ký kết. Đặc biệt là ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế
Thực tế cho thấy các FTA đã và đang tạo cơ hội cho hoạt động XK của Việt Nam. Nhưng, có lẽ còn quan trọng hơn, đó là qua tình hình XK hàng hóa được cập nhật hàng tháng cũng là một chuẩn so sánh, có thể đo lường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam và mức độ hiệu quả ở những thị trường có FTA. Đây cũng là động lực để DN Việt tiếp tục cải thiện năng lực XK trong thời gian tới.
Nguồn: https://congluan.vn/nhieu-tin-hieu-lac-quan-tu-cac-thi-truong-co-fta-post66990.html
11:00, 23/08/2019
13:00, 22/08/2019
09:20, 21/08/2019