19/04/2024 | 15:45 GMT+7, Hà Nội

Nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi suất nhưng các \"ông lớn\" vẫn duy trì mức thấp

Cập nhật lúc: 14/05/2021, 15:00

Những ngày đầu tháng 5/2021 đến nay, lãi suất huy động của một số ngân hàng bắt đầu có biến động trái chiều.

Cụ thể, một số ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tháng 5/2021 theo hướng tăng nhẹ như: PGBank tăng 0,2 điểm% ở kỳ hạn 1 và 3 tháng lên 3,7%/năm. Vietcapital Bank tăng 0,2 điểm% ở kỳ hạn 6 tháng lên 5,9%/năm. SHB ghi nhận mức tăng tới 0,3% so với hồi đầu tháng 4. Tại ACB, lãi suất huy động tăng 0,05 - 0,3 điểm phần trăm tùy theo từng kỳ hạn.

Nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi suất
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng lại điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động tại một vài kỳ hạn.

Chẳng hạn, lãi suất huy động tại KienLongBank giảm nhẹ 0,1% với nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại Kienlongbank giảm từ 6,85%/năm xuống còn 6,75%/năm cho tiền gửi 18, 24 và 36 tháng. Lãi suất gửi tiền từ 1 - 3 tháng hiện còn 3,1 - 3,4%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng từ 5,6 - 5,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng đến dưới 18 tháng dao động từ 6,5 - 6,7%/năm.

Tại NamABank, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng giảm 0,05 điểm%, còn lãi suất huy động ở kỳ hạn 9 tháng giảm tới 0,5 điểm%. MBBank cũng giảm 0,1 điểm% lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.

Nhóm ngân hàng lớn, lãi suất huy động vẫn giữ nguyên ở mức thấp. Cụ thể, lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank hiện là 5,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất huy động tại BIDV, Vietinbank, Agribank cao nhất đều là 5,6%/năm. Trong đó, Vietinbank áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; Agribank áp dụng tại kỳ hạn từ 12 tháng đến 24 tháng còn tại BIDV áp dụng kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

Những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay chủ yếu là những ngân hàng nhỏ như VietABank, Kienlongbank, CBBank, NamABank,...

Trong tháng 5, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đang giữ vị trí đứng đầu với lãi suất huy động cao nhất là 8,2%/năm với điều kiện tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng.

Ngân hàng VietBank giữ vị trí thứ hai với lãi suất tiết kiệm ghi nhận được là 7,8%/năm. Tuy nhiên VietBank áp dụng lãi suất này cho mọi khoản tiền gửi tại kỳ hạn 13 tháng. Tiếp đến là ngân hàng ACB tiếp tục duy trì lãi suất 7,4%/năm đối với khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng.

Theo mẫu thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình tại các ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ 0,02 - 0,03% đối với cả 2 kỳ hạn 6 và 12 tháng.

Diễn biến tăng lãi suất huy động VND chủ yếu tới từ nhóm ngân hàng có vốn hoá nhỏ (quy mô dưới 5.000 tỷ đồng), với mức tăng 0,06% ở cả 2 loại kỳ hạn.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng vốn hoá lớn có quy mô trên 5.000 tỷ đồng vẫn gần như không thay đổi, khi tăng 0,01% với kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,005% với kỳ hạn 6 tháng.

Việc lãi suất huy động tăng nhẹ đầu tháng 5/2021 được nhìn nhận là diễn biến mang tính cục bộ, tăng nhẹ gần như đi ngang so với tháng trước đó. Một vài ngân hàng nhỏ điều chỉnh tăng nhưng chỉ ở mức tăng nhẹ, trong khi cũng có ngân hàng điều chỉnh giảm. Đa phần vẫn là giữ nguyên so với biểu lãi suất cũ.

Đáng chú ý, nhóm các ngân hàng thương mại có gốc quốc doanh, lãi suất tiếp tục duy trì mức thấp.

Ngoài ra, lãi suất cho vay liên ngân hàng có xu hướng tăng mạnh. Theo số từ Ngân hàng Nhà nước, trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5 (4 - 7/5), mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì mức cao so với cuối tháng 4. Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường vào ngày 7/5 ở mức 1,21%; kỳ hạn 1 - 2 tuần lần lượt là 1,35% và 1,41%.

Như vậy, so với một tháng trước đây, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng gần 5 lần, còn các mức lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng khác cũng tăng khoảng 2 - 3 lần.

Nguồn: https://congluan.vn/nhieu-ngan-hang-ruc-rich-tang-lai-suat-nhung-cac-ong-lon-van-duy-tri-muc-thap-post133322.html