29/03/2024 | 16:45 GMT+7, Hà Nội

Các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động

Cập nhật lúc: 22/03/2021, 06:00

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không tăng lãi suất huy động thì e rằng kênh đầu tư, nhà đầu tư sẽ dịch chuyển dòng vốn sang kênh đầu tư khác. Vì thế, mặt bằng lãi suất sẽ phải tăng nhưng có thể chỉ ở từng thời.

ngân hàng
Covid-19 “chưa tan” ngân hàng đã vội tăng lãi suất vài lần trong tháng 

Theo ghi nhận của PV Nhà báo và Công luận, một số ngân hàng đang điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng ở nhiều kỳ hạn trong bối cảnh tín dụng và kiểm soát dịch Covid-19 chưa thực sự khởi sắc. Thậm chí có những ngân hàng đã điều chỉnh trong biên độ hẹp vài lần trong tháng.

Theo đó, lãi suất huy động tại Techcombank tăng 0,2 - 0,5 điểm % lãi suất tại tất cả các kỳ hạn 1 - 8 tháng. Lãi suất tại kỳ hạn 36 tháng cũng tăng mạnh từ 4,8%/năm lên 5,2%/năm. Đáng chú ý, dù còn 10 ngày nữa mới kết thúc tháng 3 nhưng ngân hàng đã có tới 2 lần điều chỉnh lãi suất.

Còn tại ngân hàng ACB, lãi suất huy động đầu tháng 3/2021 với kỳ hạn 2 tháng được điều chỉnh tăng 0,1 điểm %/năm.

Cùng xu hướng tại ngân hàng VPBank cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 2 - 5 tháng thêm 0,2 điểm % cho các khách hàng gửi tiết kiệm từ trên 300 triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Lãi suất huy động với số tiền gửi từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng tăng 0,15%/năm kỳ hạn 2 tháng và tăng 0,1%/năm kỳ hạn 3 - 5 tháng. Với số tiền từ 50 tỷ đồng trở lên, lãi suất ngân hàng tại kỳ hạn 2 - 5 tháng cũng tăng 0,05% - 0,2%/năm, tùy từng kỳ hạn… 

Ngân hàng Quân đội (MB Bank) cũng tăng lãi suất tiết kiệm đối với một số kỳ hạn. Theo đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng được nâng lên 5,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nâng lên 4,68%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Sacombank cũng vừa điều chỉnh lãi suất, theo đó lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng đồng loạt tăng lên mức 3,95%/năm, chỉ thấp hơn 0,05 điểm phần trăm so với mức trần. Kỳ hạn 6 tháng lãi suất ở mức 5,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%/năm.

Sacombank tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn với mức tăng 0,1-0,2 điểm phần trăm, nâng kỳ hạn 1 tháng lên mức 3,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng lên 3,4%/năm, kỳ hạn 6 và 12 tháng lên 4,8%/năm và 5,6%/năm, kỳ hạn 36 tháng lên 6,3%/năm.

Đáng chú ý, hiện lãi suất huy động cao nhất thuộc về ngân hàng Việt Á, lên tới 7,1%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi ở kỳ hạn 15 và 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ; 6,1%/năm ở kỳ hạn 6 tháng đến 9 tháng. 

Tuy nhiên, đây là mức lãi suất niêm yết chính thức, không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với từng đối tượng khách hàng. bên cạnh đó, lãi suất gửi online thường cao hơn từ 0,1 đến 0,5 điểm phần trăm so với gửi tại quầy. 

Riêng ở khối “ông lớn” Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cùng tăng 0,3 điểm phần trăm với kỳ hạn 6 tháng, tăng 0,7 và 0,9 điểm phần trăm với kỳ hạn 12 tháng. 

Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trở lại 

Nhận định về diễn biến của thị trường lãi suất, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong bối cảnh Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát, việc tiêm vaccine đang được triển khai, CPI tháng 2 tăng mạnh, nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trở lại trong thời gian tới.

Một số ngân hàng TMCP cũng cho biết, tiền gửi vào ngân hàng đang tăng chậm hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trước mắt, tình trạng này chưa đáng lo ngại vì nhu cầu tín dụng đang thấp. Nhưng tới đây, khi hoạt động sản xuất kinh doanh tăng dần thì việc tăng lãi suất huy động là khó tránh.

Chia sẻ với PV Nhà báo và Công luận, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu như bây giờ chúng ta giảm lãi suất quá thấp thì e rằng kênh đầu tư, nhà đầu tư sẽ dịch chuyển dòng vốn sang kênh đầu tư khác và như thế sẽ tác động tiêu cực đến thanh khoản của các ngân hàng.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, diễn biến hiện nay đang cho thấy lạm phát tháng 3 tiếp tục xu hướng tăng. Cùng với đó, việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu ở nhóm dịch vụ ăn uống, giải trí và đi lại tăng lên.

Đáng lưu ý, đó là yếu tố từ ngoài nước cũng đang gây áp lực lên lạm phát khi trên thế giới khi nhiều ngân hàng Trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận lạm phát có thể tăng. Chưa kể, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ có thể làm nền kinh tế thế giới bị "quá tải" và làm tăng lạm phát, ông Lực phân tích. 

Tuy nhiên, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng giữ mặt bằng lãi suất ổn định, để nhằm vừa ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp về cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2021. Do đó, mặt bằng lãi suất sẽ chỉ nhích nhẹ và có thể chỉ ở từng thời điểm, vị chuyên gia này nhận định.

Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lạm phát và lãi suất nếu tăng cũng sẽ diễn ra từ từ, bởi trong năm 2021, lạm phát của Mỹ khó vượt 2%. Tương tự, lạm phát của Việt Nam khả năng vẫn giữ được dưới 4% như mục tiêu của Chính phủ. Do đó, lãi suất sẽ tăng dần từ cuối tháng 3/2021, song mức tăng sẽ không quá lớn”, ông Thịnh nhận định.  

 

Nguồn: https://congluan.vn/cac-ngan-hang-se-phai-tang-lai-suat-huy-dong-post124172.html