19/01/2025 | 07:02 GMT+7, Hà Nội

Nhiều hệ lụy khi không kiểm soát được gian lận thương mại

Cập nhật lúc: 21/11/2019, 13:15

Gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang là mối lo ngại lớn với các nền kinh tế. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, hàng hóa xuất khẩu sẽ mất uy tín...

Gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang là mối lo ngại lớn với các nền kinh tế. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, hàng hóa xuất khẩu sẽ mất uy tín, đồng thời bị các nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp có thể gây thiệt hại cho DN.

Diễn biến ngày càng phức tạp

Hiện nay Việt Nam đã và đang dần chuyển đổi thành nền kinh tế mở với 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, còn lại một FTA đã ký và ba FTA đang trong quá trình đàm phán. Đây là một lợi thế, nhưng cũng là điểm bất lợi khi thuế nhập khẩu của một số nước đối với hàng hóa của Việt Nam được giảm mạnh, hoặc không đánh thuế với một số mặt hàng. 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai, Việt Nam là nước có nguy cơ bị “mượn đường” và hàng hóa nước ngoài lợi dụng giả mạo xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi. Một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu được phát hiện chuyển tải từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức như: các mặt hàng xe đạp, kẽm, giày, mũ da và nhiều mặt hàng khác. Không chỉ vậy, đã có nhiều ngành hàng của Việt Nam bị lọt vào diện nghi vấn, điều tra của các nước trên thế giới do lo ngại vấn đề xuất xứ. Những vụ việc gian lận thương mại như vậy vô hình chung sẽ làm các đối tác FTA nghi ngờ, thực hiện các biện pháp phòng vệ với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu. Điều này cũng sẽ gây nhầm lẫn, thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín các mặt hàng sản xuất cùng chủng loại trong nước, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức cạnh tranh của ngành hàng trong nước.

BCĐ 389 Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Ông Âu Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, một số nhóm mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng đột biến lớn hơn 25% so cùng kỳ năm 2018, như máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử, nhôm, sắt thép, gỗ... nên cơ quan hải quan xếp vào nhóm có tiềm ẩn nguy cơ lớn về gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, một số nhóm hàng khác như dệt may, da giày, thủy sản, giấy cũng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao. Đáng chú ý, hải quan phát hiện nhiều vụ hàng hóa Trung Quốc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước khác. Ngoài ra, còn có thủ đoạn doanh nghiệp chế xuất 100% vốn nước ngoài, nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để xuất sang nước thứ ba.

Chỉ rõ hơn những dấu hiệu cho thấy hàng hóa Việt Nam đang bị giả mạo xuất xứ để xuất khẩu, ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại của USAID cho rằng, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng Trung Quốc lại là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu nhiều nhất. Thời gian gần đây kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang Mỹ gia tăng những sản phẩm từ: kim loại, nhựa, gỗ, dụng cụ thiết bị quang học… điều này chỉ sau khi Mỹ áp thuế bổ sung với các sản phẩm nêu trên. Bên cạnh đó, với việc xuất khẩu số lượng lớn sang Mỹ thì hoạt động nhập khẩu đối với những mặt hàng này tại Việt Nam cũng tăng chóng mặt, chủ yếu những loại hàng hóa này đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cần có chế tài mạnh tay

Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, tình trạng gian lận thương mại đang diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Nhất là trong bối cảnh thương chiến giữa Mỹ- Trung ngày càng căng thẳng, việc hàng Trung Quốc giả mạo hàng Việt Nam đang trở thành mối lo ngại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Cùng với đó là còn không ít tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cố tình vi phạm, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Như việc còn nhiều doanh nghiệp trong nước để cạnh tranh về giá, đã nhập khẩu linh kiện giá rẻ, kém chất lượng về Việt Nam rồi bán sang các quốc gia khác. Không ít doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, cụm linh kiện, cụm chi tiết về Việt Nam chỉ cần lắp ráp đơn giản thành sản phẩm hoàn chỉnh gắn nhãn “xuất xứ Việt Nam”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gian lận khi xuất khẩu.

Để giải quyết vấn đề này, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thời gian qua Tổng Cục Hải quan đã có những giải pháp chủ động ban hành các văn bản, quy định và nhiều động thái khác nhằm tăng cường kiểm tra giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và ghi nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, nhận thấy tác động tiêu cực của hoạt động chuyển tải bất hợp pháp, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu tất cả các Cục Hải quan, bao gồm các cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không, tăng cường công tác giám sát hoạt động xuất nhập khẩu nhằm chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ các đối tác khác và bảo vệ hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cơ quan Hải quan cũng nhận định nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Mặt khác cần nâng cao vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan theo luật Hải quan; chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam; thu hút dịch chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam; nâng cao tính tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Để làm được việc này, các cơ quan chức năng, các Bộ, ngành và các địa phương cần thiết phải phối hợp chặt chẽ, giám sát, đồng đều nhằm phát hiện, ngăn chặn từ đó xử lý các hành vi gian lận xuất xứ, tăng cường giám sát đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài trên địa bàn nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với thị trường trong nước, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc ghi nhãn mác hàng hóa lưu thông để kịp thời phát hiện các hành vi ghi nhãn không đúng quy định đánh lừa người tiêu dùng. Nhất là cần có chế tài xử phạt nặng đối với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có hành vi thực hiện việc chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ gây bất lợi cho nền kinh tế đất nước.