19/01/2025 | 10:16 GMT+7, Hà Nội

Gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái ngày càng tăng

Cập nhật lúc: 15/11/2019, 07:20

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh, từ đầu năm 2019, hành vi gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái ngày càng tăng, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.

Sau một năm hoạt động (từ ngày 12/10/2018 -12/10-2019), lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. Các vụ việc chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự: 107 vụ việc, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Ảnh minh họa

Theo ông Linh, từ đầu năm tới giờ, do ảnh hưởng của nhiều chính sách khác trên thế giới, tỷ lệ gian lận thương mại, xâm phạm trí tuệ càng ngày gia tăng, trong đó có hành vi gian lận thương mại mới. Gần đây là gian lận thương mại trên môi trường mua sắm online, thương mại điện tử, đặc biệt gian lận phổ biến về xuất xứ hàng hóa.

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay phổ biến liên quan đến giả xuất xứ, có hai hình thức, một doanh nghiệp có thể đặt hàng Made in Vietnam ngay ở bên ngoài nước ngoài, sau đó thẩm lậu và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Hoặc tổ chức gia công sản xuất, cắt nhãn, gắn mác Made in Vietnam, gần như các hàng hóa đó không phải sản xuất ở Việt Nam, để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trên thị trường nội địa.

“Có thể nói, gian lận xuất xứ rất tinh vi, khó phát hiện, bắt được quả tang về hành vi giả nhãn mác, thì mới xử lý được”, ông Linh cho biết. Từ đầu năm tới giờ, gian lận xuất xứ hàng hóa gia tăng, lực lượng QLTT đã xử lý vi phạm hành chính cũng như chuyển cho công an xử lý rất nhiều vụ việc, từ các mặt hàng gia dụng, quần áo, giày dép, thiết bị, điện tử, hoa quả …

Mới đây nhất lực lượng quản lý thị trường cũng đã đồng loạt kiểm tra 5 cửa hàng của thương hiệu thời trang Seven.Am trên địa bàn Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cửa hàng kinh doanh đều không xuất trình được đầy đủ hoá đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Đồng thời, chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định. Chính vì vậy, Quản lý thị trường số  đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 9.035 sản phẩm để điều tra, làm rõ.

Để ngăn chặn tình trạng nói trên thì Quản lý thị trường phải phối hợp với các lực lượng khác như hải quan, để kiểm soát ngay từ khâu nhập khẩu, các lực lượng công an, kinh tế trong thị trường nội địa để theo dõi các đối tượng, lần ra các ổ nhóm. 

“Việc kiểm tra công khai ở ngoài đường không hiệu quả bằng việc tập trung các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, cơ sở sản xuất thì mới tấn công, xử lý một cách triệt để”, ông Linh cho biết.