23/11/2024 | 18:41 GMT+7, Hà Nội

Nhất trí bổ sung đối tượng cử tuyển đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người

Cập nhật lúc: 25/02/2019, 23:00

Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thường trực ủy ban nhất trí với nhiều nội dung Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có chính sách cử tuyển.

Về chính sách cử tuyển, Thường trực ủy ban cơ bản nhất trí với quan điểm của nhân dân và sự tiếp thu của Chính phủ về việc bổ sung đối tượng cử tuyển đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người;

Học sinh dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; điều chỉnh từ phân công sang ưu tiên tuyển dụng để phù hợp với quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và nhấn mạnh việc bảo đảm chất lượng đầu ra sau đào tạo, để chính sách được thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng địa bàn, địa phương.

nhat tri bo sung doi tuong cu tuyen doi voi hoc sinh cac dan toc thieu so rat it nguoi
Thường trực ủy ban cơ bản nhất trí với quan điểm của nhân dân và sự tiếp thu của Chính phủ về việc bổ sung đối tượng cử tuyển đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Chính phủ cần có những quy định chặt chẽ, phân công phân cấp rõ trách nhiệm để chính sách cử tuyển được triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả.

Chính sách cử tuyển thể hiện sự ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đây cũng cũng là tiền đề để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, song chính sách này lại chưa phát huy được hiệu quả. Giai đoạn 2011 – 2017 có gần 8.700 học sinh học cử tuyển. Trong đó, có hơn 4.500 học sinh đã tốt nghiêp và chỉ mới bố trí được việc làm cho hơn 1.660 người (đạt tỷ lệ 36,15%). Do vậy cần phải có sự điều chỉnh trong chính sách này.

T.Fan