Nhà đầu tư "đổi vị" tìm kiếm sản phẩm nghỉ dưỡng truyền thống
Cập nhật lúc: 18/02/2019, 10:00
Cập nhật lúc: 18/02/2019, 10:00
Sau giai đoạn khủng hoảng, bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc mạnh mẽ với sự bung hàng ồ ạt của mô hình căn hộ khách sạn condotel, hometel. Loại hình mới mẻ này chiếm lĩnh nguồn cung và giao dịch, tạo nên sức nóng của thị trường nghỉ dưỡng những năm qua. Tuy nhiên, từ năm 2018, mô hình trên đã giảm sức hút, dẫn tới sự giảm tốc của thị trường. Đáng chú ý, giới đầu tư đang có xu hướng đổ tiền vào các sản phẩm nghỉ dưỡng truyền thống, vốn hiện diện từ trước khi "cơn bão" condotel đổ bộ là biệt thự biển, chung cư biển.
Số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy trong năm 2018, ở hầu hết các thủ phủ phát triển du lịch, nguồn cung mới và giao dịch condotel đều giảm mạnh so với năm trước đó. Đến quý III/2018, lượng giao dịch condotel cả nước chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm, trong khi tồn kho lên đến hơn 20.000 căn.Đáng chú ý, trong quý III, hầu hết các vùng vốn phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng đều không có nguồn cung mới chào hàng, ngoại trừ ở Nha Trang có dự án Lanuna mở bán lần đầu ra thị trường. Lượng giao dịch cả nước về sản phẩm condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) một nhà đầu tư biệt thự biển cho thuê chia sẻ, trước khi condotel xuất hiện ở Việt Nam và cả sau khi cơn sốt condotel đi qua ông vẫn quyết định không xuống tiền với sản phẩm này mà tiếp tục “trung thành” với dòng sản phẩm nghỉ dưỡng truyền thống. Lý do là hiện condotel vẫn chưa được pháp luật định nghĩa rõ ràng cũng như chưa có quy định cụ thể về quyền sở hữu sổ đỏ, do đó sẽ rất rủi ro cho các nhà đầu tưkhi đầu tư loại hình này.
Ông Mạnh cho biết thêm: “Một sản phẩm nếu không có pháp lý vững chắc thì khi có vấn đề phát sinh, cơ sở pháp luật đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư là không có. Ngoài ra, lợi nhuận condotel chủ đầu tư cam kết rất cao nhưng trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện được cam kết thì lại không hề có chế tài nào được đưa ra để xử phạt”.
Ngoài ra, hoài nghi về bài toán cam kết lợi nhuận 8 - 12%/năm của condotel, ông Mạnh cho rằng các chương trình cam kết này góp phần đẩy giá condotel lên mức quá cao. Các chủ đầu tư đang nâng giá để trả cam kết. Trong khi, giá bán của căn hộ chung cư ông Mạnh mua chỉ bằng 1/2 đến 2/3 so với giá của các căn condotel. Ông Mạnh cho rằng với năng lực phát triển, vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế thì bài toán cam kết lợi nhuận cao là không khả thi.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam phân tích, trong tương lai, tăng trưởng ngành du lịch có thể được tiếp tục dẫn dắt bởi tăng trưởng giao thương và sự cải thiện hơn nữa về cơ sở hạ tầng, qua đó góp phần thúc đẩy phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phát triển. Với tiềm năng của thị trường Việt Nam, có một dòng vốn lớn từ nước ngoài cũng như nội địa đang săn đón quỹ đất phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng, do đó dự kiến phân khúc này sẽ trở nên sôi động hơn trong tương lai.
Cụ thể, ở khu vực miền Bắc, với việc thông cầu Bạch Đằng vào tháng 9/2018 và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cũng như Sân bay Vân Đồn cuối năm 2018, bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ thu hút thêm nhiều sự quan tâm trong thời gian tới. Tại Khánh Hòa, trong 3 năm tới, khu vực Phạm Văn Đồng và Bãi Dài sẽ là những điểm nóng. Tại Phú Quốc, làn sóng tiếp theo sẽ diễn ra ở Bắc đảo (nơi có casino đầu tiên cho phép người Việt vào chơi), cũng như khu vực phía Nam sân bay. Còn tại Đà Nẵng, khu vực quận Sơn Trà cũng như khu vực gần Hội An (Quảng Nam) sẽ là điểm nóng trong tương lai.
Gia tăng kết nối khiến việc lan tỏa dự án đến những địa phương mới như Sa Pa (Lào Cai), Quảng Bình, Quy Nhơn (Bình Định) trở nên khả thi hơn. Ngoài ra, trong thời gian tới, khi quỹ đất dành cho dự án nghỉ dưỡng ven biển hạn hẹp dần, bất động sản ở các địa phương miền núi có thể trở thành điểm nóng. Tuy nhiên, dự án ở miền núi cần được phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, không thể cứ gượng ép áp dụng những mô hình như condotel cao tầng.
Ông Thức cho rằng: “Những chủ đầu tư thành công chính là những đơn vị xét đến không chỉ nguồn cầu mua sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, mà cả nguồn cầu thuê phòng khi dự án đi vào vận hành. Nhằm tạo điểm nhấn và thu hút cả hai nguồn cầu này, các dự án mới có thể xem xét sử dụng những đơn vị quản lý chưa có mặt tại Việt Nam, hoặc những tên tuổi “boutique” hơn với thiết kế/concept mới lạ”.
An An