25/11/2024 | 20:27 GMT+7, Hà Nội

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người cộng sản kiên trung, hết lòng vì nước, vì dân

Cập nhật lúc: 07/10/2018, 07:01

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, từ lãnh đạo một tỉnh, một khu hay một Bộ, ngành, một lĩnh vực rồi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và cả khi đã nghỉ hưu, đồng chí Đỗ Mười đều để lại dấu ấn rất quan trọng, những tình cảm trong sáng với đồng bào, đồng chí…

Từ một thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, năm 19 tuổi, đồng chí Đỗ Mười đã tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân. Năm 1939, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. Tháng 3-1945, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông.

Đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng và chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh khu Tả Ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu một số Bộ, ngành, nhiều năm tham gia lãnh đạo Chính phủ và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng.

Trưởng thành từ một công nhân, với nhiệt huyết cách mạng sục sôi, lại chịu khó tự học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cùng với sự mẫn cảm chính trị đã tạo cho đồng chí Đỗ Mười sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực với một tư duy sắc sảo, nhạy bén và khả năng cuốn hút mọi người cùng hành động.

nguyen tong bi thu do muoi nguoi cong san kien trung het long vi nuoc vi dan

Đồng chí Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ) vào ngày 1-11-1992. Ảnh: TTXVN.

Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, cùng với những thăng trầm trong tiến trình phát triển của đất nước đã tôi luyện đồng chí Đỗ Mười thành một nhà lãnh đạo có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán và gắn bó máu thịt với nhân dân.

Từ cuối thập niên 70 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, nền kinh tế nước ta trong tình trạng khủng hoảng kéo dài, lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn, trong nhiều vấn đề cụ thể còn là cuộc đấu tranh về quan điểm phát triển đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao. Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo và các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước đi quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế, từng bước đổi mới mô hình phát triển kinh tế.

Nhờ đó, những khó khăn của nền kinh tế dần được tháo gỡ, sản xuất và đời sống nhân dân được từng bước cải thiện. Trên cơ sở phát huy nội lực, Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34% năm 1989, 14% năm 1992.

Nói về nhân cách và tác phong làm việc của đồng chí Đỗ Mười, ông Vũ Hữu Ngoạn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh, nguyên Thường trực Ban Chỉ đạo Biên soạn Văn kiện Đảng toàn tập, người có cơ duyên được gần gũi, tiếp xúc trực tiếp với đồng chí Đỗ Mười trong một quãng thời gian dài từng chia sẻ: “Vào những năm 1987 – 1988, đồng chí Đỗ Mười làm Thường trực Ban Bí thư, thường triệu tập Thành ủy Hà Nội và các ban của Trung ương đến giao ban. Đặc biệt trước và sau những ngày lễ, Tết, đồng chí quan tâm lắng nghe phản ánh tình hình tư tưởng và kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Với tư cách là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, khi ấy, tôi có dịp được báo cáo tình hình với đồng chí Đỗ Mười, đồng thời được trực tiếp nghe nhiều ý kiến của đồng chí. Kể từ tháng 6-1991, đồng chí Đỗ Mười giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, tôi có dịp được tháp tùng đồng chí trong một số cuộc thăm và làm việc ở các địa phương, được đồng chí trực tiếp gặp và trao đổi tại phòng làm việc của Tổng Bí thư ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân.

Do vậy, tôi có dịp hiểu biết thêm phong cách, đức độ, cùng tầm trí tuệ sâu sắc của đồng chí Đỗ Mười. Cùng một vấn đề, đồng chí trăn trở, suy nghĩ, lật đi lật lại, gợi ý nhiều lần, đặt câu hỏi nhiều lần cho nghiên cứu, với thái độ rất cởi mở, dân chủ, lắng nghe. Đồng chí rất coi trọng thực tiễn, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, khích lệ đổi mới tư duy, đồng thời cũng rất coi trọng nguyên tắc. Tôi thấy mình được trưởng thành và sắc bén thêm nhiều về chính trị, tư tưởng, lý luận.

Đồng chí Đỗ Mười ít khi đọc bài viết sẵn mà thường nói vo. Người ta thấy đồng chí nói vo nhưng rất chặt chẽ, logic, sinh động, càng sôi nổi, càng nói càng hay, càng cuốn hút người nghe. Còn về những bài viết, những dự thảo văn kiện, đồng chí thường góp ý kiến về nội dung, trước khi dự thảo văn kiện. Đồng chí có thói quen xem xét rất tỉ mỉ, cặn kẽ, chú ý từng câu chữ, từng dấu chấm phẩy, đảm bảo tính chính trị thực tiễn và phù hợp với yêu cầu phát triển sáng tạo lý luận”.

Noi gương các đồng chí Tổng Bí thư tiền bối, đồng chí Đỗ Mười với cương vị Tổng Bí thư đã là người đứng đầu thể hiện tính tiên phong của Đảng về phương diện tư tưởng, công tác lý luận. Có lý luận để dẫn đường, để làm cơ sở cho đường lối, quan điểm, chính sách và tổ chức hành động đúng đắn. Đồng chí Đỗ Mười đã để lại dấu ấn sâu sắc cho những quan điểm, chính sách và thái độ đúng đắn như: phát huy nội lực là chính, đồng thời tranh thủ ngoại lực, hội nhập mà không hòa tan, đa phương hóa đa dạng hóa trong hoạt động đối ngoại.

Nhắc tới đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc của mình về người đồng chí tiền bối: “Khi về làm công tác chuyên trách ở Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất sâu sắc của đồng chí Đỗ Mười với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo” do Mặt trận phát động.

Tuy tuổi đã cao nhưng đồng chí Đỗ Mười đã nhiều lần đến cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tự tay bỏ những phong bì tiền vào hòm quỹ ủng hộ người nghèo, dự họp góp ý với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân Đại hội VI của Mặt trận (năm 2004). Những ý kiến của đồng chí bao giờ cũng rất sâu sắc và có sức cổ vũ đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Tôi biết đồng chí không chỉ quan tâm đến việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, của hệ thống chính trị, mà đồng chí còn luôn quan tâm đến tâm tư tình cảm, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Vài thập kỷ qua, đồng chí Đỗ Mười không chỉ là người lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng trong lãnh đạo, chỉ đạo tầm vĩ mô, vi mô để cùng Đảng ta đưa đất nước phát triển nhanh, vững chắc theo Cương lĩnh chính trị năm 1991 của Đảng, mà đồng chí còn là tấm gương sáng về tinh thần học tập suốt đời, về lối sống cần kiệm, giản dị, liêm khiết, về ý thức tổ chức nghiêm minh và suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Mỗi lần đến thăm đồng chí Đỗ Mười ở nhà riêng, nhìn kỹ tấm hình Bác Hồ có dòng chữ Bác viết ở góc ảnh “Tặng chú Mười”, tôi lại càng thêm cảm phục và quý trọng đồng chí. Tôi tự nghĩ đồng chí Đỗ Mười cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng ta đã thực sự suốt đời sống vì Đảng, vì dân. Và đồng chí Đỗ Mười rất xứng đáng là lớp học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười trong tám thập kỷ hoạt động cách mạng liên tục, ngày 28-4-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc mừng và trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Đỗ Mười. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đây vừa là vinh dự lớn lao của bản thân đồng chí và gia đình, vừa là niềm tự hào của Đảng đã tôi luyện nên những chiến sỹ cộng sản kiên trung mà đồng chí Đỗ Mười là tấm gương mẫu mực, sáng ngời để các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo”.

(Bài viết có sử dụng tài liệu từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười – Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử”)

Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười diễn ra trong hai ngày Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Đỗ Mười, đã từ trần hồi 23g12, ngày 1-10-2018 (tức ngày 22-8 năm Mậu Tuất), tại BV Trung ương Quân đội 108, Hà Nội

Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Đỗ Mười, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Đỗ Mười với nghi thức Quốc tang.

Linh cữu đồng chí Đỗ Mười quàn tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng đồng chí Đỗ Mười bắt đầu từ 7g ngày 6-10-2018 đến 7g 30 ngày 7-10-2018 tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười tổ chức vào 9g ngày 7-10-2018, tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng từ 13g cùng ngày tại quê nhà, khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất TP HCM cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Đỗ Mười tại Hà Nội, TP HCM.

Trong hai ngày Quốc tang (ngày 6-10 và 7-10-2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Theo TTXVN

Thủy Liên