18/01/2025 | 17:01 GMT+7, Hà Nội

Nguyên nhân nào khiến điện thoại sạc đầy vẫn nhanh hết pin?

Cập nhật lúc: 12/09/2019, 19:00

Có rất nhiều trường hợp smartphone bị rơi vào tình trạng sụt pin nghiêm trọng chỉ sau vài tiếng sử dụng, ngay cả khi đã sạc pin đầy dung lượng.

Điều này sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ đến việc sử dụng điện thoại, đặc biệt là những khi chúng ta có công việc quan trọng cần sử dụng đến smartphone. Vậy nguyên nhân khiến pin smartphone nhanh chóng cạn kiệt là gì?

Chúng ta có thể kể đến một số những lý do phổ biến như bạn bật 3G, 4G liên tục trên thiết bị hoặc bật định vị GPS chẳng hạn. Ngoài ra, còn một số những yếu tố khác cũng khiến thiết bị của chúng ta nhanh bị cạn kiệt pin mà bạn không để ý đến.

1. Điều chỉnh lại hệ thống màn hình:

Việc bạn để màn hình có độ sáng cao, hay thậm chí để màn hình nhiều màu sắc sặc sỡ cũng phần nào khiến pin thiết bị nhanh sụt pin hơn.

Khi điện thoại có màn hình càng lớn và chỉnh ánh sáng màn hình càng cao thì sẽ tiêu hao nhiều dung lượng pin hơn rất nhiều. Tốt hơn hết bạn nên giảm ánh sáng trên thiết bị ở mức vừa phải, không qua tối để khó nhìn, không quá sáng để ảnh hưởng tới thị lực. Hầu hết các dòng smartphone hiện nay đều có thanh điều chỉnh ánh sáng màn hình tại phần thiết lập nhanh trên thiết bị.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các màn hình màu sắc quá sặc sỡ cũng không nên. Với các smartphone hiện nay như Samsung sử dụng màn hình Super AMOLED mỗi một điểm ảnh sẽ tự động phát sáng. Khi chúng ta sử dụng những hình nền quá sáng màu, sặc sỡ, điện thoại sẽ tự có khả năng phát sáng hơn. Ngược lại khi sử dụng các hình nền đơn giản màu đen thì ánh sáng sẽ sản xuất ra ít hơn, từ đó giúp tiết kiệm pin khá nhiều.

2. Tắt kết nối WiFi/Bluetooth khi không sử dụng:

Nhiều trường hợp khi bạn bật 3G, 4G, Bluetooth hay kết nối WiFi và quên không tắt chúng đi khi dùng xong mà vẫn kết nối trên điện thoại, cũng khiến pin thiết bị giảm dung lượng. Ngay cả khi chúng ta không truy cập và sử dụng thì những dịch vụ đó cũng sẽ tự động dò kết nối như WiFi hay 3G, 4G chẳng hạn. Bên cạnh đó, một số những ứng dụng cần sử dụng mạng đang chạy ngầm sẽ làm hao pin, hơn nữa tốn dung lượng truy cập mạng.

3. Quản lý các ứng dụng chạy ngầm:

Đây được coi là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến dung lượng pin giảm đáng kể. Những ứng dụng như mạng xã hội Facebook, Instagram, hay tin nhắn, email sẽ luôn tự động cập nhập dữ liệu, ngay cả khi bạn không mở chúng làm tiêu hao năng lượng pin khá nhiều. Bên cạnh đó, việc để quá nhiều các ứng dụng chạy ngầm trên thiết bị còn khiến máy xảy ra tình trạng chậm, ì ạch trong quá trình sử dụng.

4. Sạc pin không đúng cách:

Việc sạc pin sai cách không đơn giản khiến thiết bị rơi vào trạng thái cạn kiêt, mà có thể dẫn tới tình trạng nổ thiết bị do quá trình sạc, điện thoại sẽ tỏa nhiệt nhiều hơn.

Nhiều người có thói quen vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, gây ảnh hưởng không nhỏ tới pin. Nếu sử dụng trong thời gian dài khi smartphone vẫn còn sạc có thể ảnh hưởng tới người sử dụng. Bên cạnh đó, tránh sạc điện thoại qua đêm sẽ không tốt cho thiết bị.

Lưu ý với với những ai sử dụng thêm pin dự phòng cần sử dụng pin chính hãng, đảm bảo. Nếu sử dụng pin trôi nổi, không rõ nguồn gốc lâu ngày có thể ảnh hướng xấu tới thiết bị, nguy hiểm hơn đó là xảy ra tình trạng nổ điện thoại.

5. Nhiệt độ môi trường:

Với những nơi có nhiệt độ quá khắc nghiệt, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp cũng ảnh hưởng tới điện thoại, khiến pin sụt nhanh hơn, nặng hơn có thể ảnh hưởng đến cả phần cứng của thiết bị.

Trên đây là một số những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng dung lượng pin smartphone giảm nghiêm trọng. Trong quá trình sử dụng, chúng ta nên kiểm soát những ứng dụng chạy ngầm trên thiết bị, cũng như điều chỉnh lại các cài đặt sao cho phù hợp, sạc pin đúng cách để tránh việc hao pin cũng như một số những trường hợp nguy hiểm khác xảy ra.