23/11/2024 | 20:42 GMT+7, Hà Nội

Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vẫn tiềm ẩn

Cập nhật lúc: 19/05/2020, 15:12

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mặc dù nhiều ngày qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện nay vẫn kiên trì chiến lược phòng chống dịch từ trước đến nay đó là ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để.

Tất cả công dân nhập cảnh về nước đều được cách ly 14 ngày, xét nghiệm ít nhất 2 lần, khi về nhà thì vẫn phải theo dõi sức khỏe. Đồng thời phải lường trước người về theo đường mòn lối mở, không về theo đường chính thống, cần giám sát chặt.

“Như ca mắc Covid-19 mới đây tại Tây Ninh đi từ Campuchia về là một ví dụ. Trường hợp này tiếp xúc với 17 người, nếu không phát hiện được ca đầu tiên này thì không biết sẽ thế nào. Rất may hệ thống của chúng ta đã phát hiện được dù người này không về theo con đường chính thống”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Công tác giám sát, cách ly, xét nghiệm được thực hiện chặt chẽ sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng. (Ảnh T.Đ)

Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá, đến ngày 17-5, Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả đẩy lùi Covid-19, qua 31 ngày không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng. Các trường hợp nhập cảnh tiếp tục giám sát chặt. 52 ca mắc Covid-19 gần đây nhất đều là những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, được cách ly ngay khi nhập cảnh nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng.

Tuy vậy, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.

Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, hiện nay Việt Nam vẫn đủ năng lực cách ly người nhập, năng lực xét nghiệm tất cả các trường hợp cách ly ít nhất 2 lần (khi về nước và trước 14 ngày khi ra khỏi khu cách ly). Không có dịch bùng phát cộng đồng mạnh thì chúng ta vẫn đủ khả năng điều trị. Chúng ta cũng có kinh nghiệm điều trị từ dịch SARS trước đó.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam không có khả năng xảy ra kịch bản bùng phát dịch trong cộng đồng vì cả hệ thống từ CA, quân đội đến người dân đều có kinh nghiệm trong việc phòng bệnh-quan trọng là không được chủ quan.

Lúc này người dân có hơi chủ quan, nhưng người dân đã dần quen cách sống với dịch, nhiều thói quen tốt sau dịch hình thành như vấn đề rửa tay bằng xà phòng. “Nếu không chủ quan, vẫn làm tốt thì chúng ta không bị làn sóng thứ 2”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Vì vậy, ngành y tế cần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ở cộng đồng nếu có. Lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ ngay để phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch, càng phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên càng tốt như ca ở Tây Ninh mới đây là ca đầu tiên, phát hiện sớm thì mới mong dập được dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới hiện còn diễn biến phức tạp, kéo dài 1-2 năm, không thể hết ngay như SARS. Hiện nay nhiều nước trên thế giới chưa lên đỉnh dịch. Hay như châu Phi nếu dịch bùng lên thì sẽ rất khó khăn. Vì thế dịch sẽ còn kéo dài, không thể hết ngay.

60%-70% các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc ca bệnh sốt nhẹ, ho chỉ như cúm và nó có thể tồn tại trong cộng đồng và lây lan. Vì tính chất như vậy nên dịch có sự lây lan kéo dài mà chúng ta không giải quyết được.

Dịch Covid-19 xảy ra đến nay 5-6 tháng, cơ chế lây truyền hiện chưa thấy có sự thay đổi. Bệnh vẫn lây qua đường hô hấp, lây theo giọt bắn.