Nguy cơ biến đổi khí hậu "quét sạch" nhân quyền
Cập nhật lúc: 27/06/2019, 23:01
Cập nhật lúc: 27/06/2019, 23:01
Trong báo cáo gửi tới Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HRC), ông Alston khẳng định, nỗ lực của các quốc gia, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và chính Liên hợp quốc hiện không tương xứng với mức độ khẩn cấp và nghiêm trọng của các vấn đề về khí hậu, đang đe doạ nghiêm trọng nhân quyền trên toàn thế giới.
Báo cáo cũng lên án đích danh Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã che giấu các nguy cơ về biến đổi khí hậu nhằm bảo toàn đường lối chính trị của mình, làm xáo trộn khí hậu. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng bị xướng tên do đã vạch ra kế hoạch khai thác rừng nhiệt đới Amazon. Bên cạnh đó, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc cũng đưa ra một số bước tiến tích cực, bao gồm các vụ kiện chống lại các khu vực và công ty sử dụng nhiên liệu hoá thạch; hoạt động biểu tình về biến đổi khí hậu của nhiều trường học trên thế giới và cuộc nổi loạn chống tuyệt chủng Extinction Rebellion.
Biến đổi khí hậu đang đe doạ quyền con người. Ảnh: AFP. |
Trong báo cáo của mình, ông Alston nêu rõ, biến đổi khí hậu đang đe doạ 50 năm nỗ lực xoá đói giảm nghèo và phát triển toàn cầu. Theo đó, các nước đang phát triển sẽ phải chịu khoảng 75% chi phí cho cuộc khủng hoảng khí hậu, mặc dù một nửa số dân nghèo nhất thế giới chỉ gây ra khoảng 10% lượng khí thải carbon dioxide. Những bất cập này có thể sẽ kéo theo gia tăng bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc và các hiện tượng xã hội tiêu cực khác.
Khi cơn bão Sandy tàn phá New York vào năm 2012, những người thu nhập thấp đã rơi vào tình trạng thiếu thức ăn, nước sạch, năng lượng và không được chăm sóc sức khoẻ. Trong khi trụ sở của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs được bảo vệ kiên cố bởi hàng chục nghìn bao cát và vận hành máy phát điện. Đây chính là cách mà quyền bình đẳng và nền hoà bình bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu, ông Alston giải thích: "Thế giới này sẽ sớm trở thành nơi mà người giàu trả tiền để thoát khỏi cái nóng, đói khát và xung đột, trong khi phần còn lại của thế giới gánh chịu đau khổ".
Theo bản báo cáo, kể từ thời điểm này, tất cả các hoạt động nhân quyền đều cần lấy khủng hoảng khí hậu làm trung tâm. Các điều ước quốc tế về khí hậu gần đây là chưa hiệu quả khi không nêu ra được các vấn đề về quyền con người, kể cả hiệp định Paris 2015. Nhiều quốc gia thậm chí đang có xu hướng vượt qua mọi cảnh báo và ngưỡng khoa học về khí thải, khai thác tài nguyên,…
Ông Alston cho biết, những điều bất cập này có thể trở thành chất xúc tác để các quốc gia thúc đẩy những thay đổi cần thiết về kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo đời sống của những người có thu nhập thấp,…
Báo cáo của ông Alston về biến đổi khí hậu và nghèo đói sẽ được đưa ra trước hội đồng HRC tại thành phố Geneva (Thuỵ Sĩ) vào ngày 28/6.
Ông Ashfaq Khalfan - thành viên Tổ chức Ân xá Quốc tế cho hay: "Biến đổi khí hậu giờ đây chính xác là vấn đề về nhân quyền, khi tác động của nó lên người dân ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các quốc gia không thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường tức là đang vi phạm các nghĩa vụ về nhân quyền. Chúng tôi cần mọi người sống có trách nhiệm, cùng hành động vì biến đổi khí hậu và bảo vệ quyền con người"
Ông Khalfan chia sẻ thêm, Tổ chức Ân xá đã lên kế hoạch nhắm vào các chính phủ và công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
07:01, 23/06/2019
08:19, 06/06/2019
07:13, 24/01/2019