19/01/2025 | 01:33 GMT+7, Hà Nội

Người tạo nên huyền thoại Huyndai

Cập nhật lúc: 10/08/2016, 15:56

Đọc bài “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” của nhà báo Phạm Nguyễn Toan viết về Tập đoàn Vingroup và “thuyền trưởng” của Tập đoàn này, ông Phạm Nhật Vượng; tôi chợt nhớ đến một nhân vật huyền thoại của nền kinh tế Hàn Quốc thời còn hoang sơ tựa như Việt Nam ta ngày nay. Người đó có tên là Chung Ju Yung, Chủ tịch đầu tiên của Tập đoàn Huyndai.

Nhà sáng lập, Chủ tịch đầu tiên của Tập đoàn Hyundai – Chung Ju Yung.

Nhà sáng lập, Chủ tịch đầu tiên của Tập đoàn Hyundai – Chung Ju Yung.

Tập đoàn Huyndai hiện đóng vai trò hàng đầu trong nền kinh tế Hàn Quốc, đã góp phần đưa xã hội công nghiệp Hàn Quốc từ chỗ hoang sơ năm 1960 thành một trong những “con rồng” của Châu Á. Huyndai có công khai phá ngành xây dựng tại Hàn Quốc, tạo ra ngành đóng tàu và là người mở đường cho ngành ô tô Hàn Quốc phát triển…

Chủ tịch huyền thoại của tập đoàn Chung Ju Yung đã viết một cuốn hồi ký nói về cuộc đời mình. Dưới đây, xin trích hai câu nói của ông :

“Khi doanh nghiệp còn nhỏ thì tài sản thuộc về cá nhân, nhưng khi doanh nghiệp lớn lên thì tài sản ấy là của chung, của tất cả những người lao động, của toàn xã hội. Với tôi, chỉ cái cửa hàng gạo ngày xưa là tài sản mà tôi có”.

 “Tôi còn nhớ khi nhà máy đóng tàu Hyundai đang ra sức khắc phục những khó khăn thì một vị Phó Thủ tướng Hàn Quốc phụ trách kinh tế thời đó đồng thời cũng là một nhà kinh tế học khả kính, đã gọi tôi tới. Ông ta khẳng định chắc chắn rằng đây là việc không có khả năng thực hiện được và nói nếu ngành đóng tàu của Huyndai thành công thì ông ấy sẽ đốt 10 đầu ngón tay và lên thiên đường. Thế mà hôm nay, Hyundai đã trở thành nhà máy đóng tàu số 1 thế giới, còn ông ấy vẫn sống trên trái đất này”.

Khi ấy, có người đề nghị tôi bình luận về vấn đề này.Tôi cho rằng chẳng có gì khó khăn để nói được những câu như thế. Ở nước ta lâu nay, có nhiều người nói những câu còn hay hơn nhiều, “có cánh” hơn nhiều, nhưng để làm được những việc như  ông Chung Ju Yung đã làm thì mới đáng để người đời khâm phục và đi  tìm lời lý giải.

Ngoài những thành công hiển hách, như đóng vai trò hàng đầu trong nền kinh tế Hàn Quốc, góp phần đưa xã hội công nghiệp Hàn Quốc từ chỗ hoang sơ năm 1960 thành một trong những “con rồng” ở Châu Á, có công khai phá ngành xây dựng Hàn Quốc, tạo ra ngành đóng tàu, là người mở đường cho ngành sản xuất ô tô Hàn Quốc phát triển, ông còn có những việc làm long trời lở đất khác nữa mà câu chuyện dưới đây chỉ là một ví dụ.

Vốn xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, nghèo đến mức độ khó có thể nghèo hơn được nữa, ông thường mơ đến có trong tay có mảnh đất xa vút tầm mắt để cày cấy cho thỏa chí. Nhưng để trở nên giàu có thì không thể bắt đầu từ việc cấy hái nên ông quyết tâm rời bỏ quê hương để đi tìm chân trời mới. Từ chỗ làm thuê đến làm chủ một cửa hàng gạo, rồi chủ một nhà máy đóng tàu. Khi đã giàu có, ước mơ khai hoang lấn biển để có một vùng đất đai màu mỡ lại trỗi dậy trong ông.

Hàn Quốc có một vịnh lớn nhất lúc bấy giờ nằm ở bờ biển phía tây - nam có tên là Chonshu. Nếu làm được một con đập ngăn nước giữa hai đầu bờ vịnh thì có thể tạo ra một vùng đất trồng trọt màu mỡ khoảng 16.000ha.

Công việc này gần như không tưởng vì hai lẽ. Thứ nhất, phải đầu tư một nguồn vốn quá lớn, hàng trăm tỷ won, mà khả năng khai thác chắc chắn không có lời bằng đầu tư vào mảnh đất sẵn có khác nên chẳng ai dại dột gì đầu tư vào đây. Thứ hai là trở ngại về kỹ thuật vì thủy triều ở đây lên xuống với tốc độ quá mạnh, đặc biệt là khi nước rút, nên việc làm đê chắn gần như không thể thực hiện được.

Thế nhưng, Chung Ju Yung vẫn quyết tâm làm cũng chỉ vì hai lẽ. Thứ nhất là đất nước Hàn Quốc đang thiếu lương thực, người nông dân thiếu đất trồng cấy, phải tận dụng hết khả năng ưu đãi của thiên nhiên để phục vụ sự phồn vinh của đất nước. Thứ hai là thỏa mãn mong muốn cá nhân, vừa thực hiện được mơ ước của mình từ thời hàn vi, biến mảnh đất này thành nơi sản xuất lương thực nhiều hơn cả California - nơi sản xuất lương thực lớn nhất của Mỹ - vừa muốn thử thách chính mình một lần nữa.

Công việc không tưởng thứ nhất không có gì đáng ngại bởi với uy tín thành công trước đó của Chung Ju Yung, các ngân hàng và tổ chức tài chính sẵn sàng cùng ông đầu tư vào cuộc đương đầu với thiên nhiên này. Nhưng việc không tưởng thứ hai mới là thách thức có một không hai ở Hàn Quốc trong việc khai hoang lấn biển.

Toàn bộ công trình đê dài 6.400 m được thi công từ hai đầu vịnh bằng những tảng đá 4-5 tấn được đục lỗ xâu lại với nhau bằng dây sắt 2-3 tảng một. Nhưng đến gần 300 mét cuối cùng thì sức người cùng các trang thiết bị hiện đại lúc bấy giờ dường như bất lực, tốc độ nước lên đến 8 mét/giây, những tảng đá to như chiếc xe hơi được xâu chuỗi với nhau cứ ném xuống là bị trôi đi mất tăm mất tích.

Công cuộc hàn khẩu con đê chắn sóng Chonshu đứng trước một thất bại thê thảm nếu không có một sáng kiến mới của Chung Ju Yung. Ông chợt nhớ đến con tàu chở dầu cũ được công ty mua của Thụy Điển 3 tỷ won, nặng 230.000 tấn, dài 300 mét, rộng 45 mét và cao 27 mét, đủ để “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”. Thế là con tàu được kéo đến và đánh chìm tại nơi hàn khẩu.

Sau 6 năm (1982-1988), khu vực khai hoang trên đã trở thành một vùng đất nông nghiệp được cơ khí hóa với quy mô lớn. Ý chí và sự sáng tạo của Chung Ju Yung đã đem lại hiệu quả lớn cho Hàn Quốc về việc mở rộng lãnh thổ, tăng sản lượng lương thực và tạo công ăn việc làm cho 6,6 triệu người.

Trở lại câu nói trên đây của Chung Ju Yung, chẳng qua là ông chỉ nói ra những điều được chắt lọc từ mồ hôi và công sức của chính mình. Sức nặng của câu nói là ở những thành quả sinh ra nó chứ không phải là từ ý nghĩa của chính nó.

May mắn thay, dường như ở Việt Nam ta cũng bắt đầu xuất hiện những huyền thoại như thế./.