22/11/2024 | 15:51 GMT+7, Hà Nội

“Siêu Bộ” cần phải “siêu” giỏi!

Cập nhật lúc: 04/08/2016, 11:04

Gánh nặng một tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, đang đặt lên vai các đại biểu Quốc hội.

Với một nước nghèo như Việt Nam, 5 triệu tỷ đồng là to lắm!

Vậy cần quản lý như thế nào để những “đồng tiền thuế của dân” ấy không bị vung vãi như bấy lâu nay, để những “con tàu há mồm”, như đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, sơ sợi Đình Vũ…, không thể xuất hiện?

Trước một thực trạng không lấy gì làm sáng sủa, một khi những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của dân đang bị phung phí, Bộ KH&ĐT vừa chính thức công bố dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp Nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng này.

Nhiều nỗi lo toan đã xuất hiện

Lo rằng, nếu chỉ với mục tiêu sẽ tách hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi Bộ chủ quản và chuyển sang Ủy ban chuyên trách lại tựa như một “siêu Bộ” khác, liệu có phải là phương án tối ưu?

Với thực trạng hiện nay, nghe nói, nhiều “ông” muốn ôm cái “bánh ngọt” này lắm, bởi chỉ cần “nhặt những hạt rơi hạt vãi” xung quanh nó thôi thì cũng đã đủ giàu có đến mấy mươi đời rồi. Đấy là chưa kể nếu có thể xà xẻo được thì còn “khủng” nữa! Cho nên, nhiều Bộ không muốn san sẻ cho ai cái sân sau đầy mầu mỡ ấy.

Một khi ngân sách Nhà nước đang căng như dây đàn, nhiều đại biểu Quốc hội cũng hy vọng vào nguồn tài sản này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Nguyễn Hữu Quang cho hay, hiện nay vốn Nhà nước nằm rải rác tại các DN có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.

Nếu ta so sánh với các thành phần kinh tế khác, có chỉ số quan trọng là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, thông thường nếu quản lý tốt thì tỷ lệ này là 17% – 20%.

Và ông hy vọng: "Việc thành lập được cơ quan này, để nhằm mục tiêu là làm sao sử dụng có hiệu quả 1,3 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước. Giả sử như nếu nhân 1,3 triệu tỷ đồng với 17% thì ta có mỗi năm chúng ta có 200 nghìn tỷ lợi nhuận từ các DN".

Đấy cũng chỉ là hy vọng thôi, chứ trong bộ máy Nhà nước ta hiện nay, liệu có bao nhiêu nhân tài trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp có thể tự tin biến ước mơ này thành hiện thực?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bài học mới đây về “chấm dứt đế chế Yahoo” vẫn còn nóng bỏng trong trí nhớ của bất cứ nhà đại tài phiệt nào trên thế giới. Từ một tài sản có lúc nên đến 125 tỷ USD mà nay chỉ còn chưa đầy 5 tỷ USD chẳng phải là hậu quả của những quyết định sai lầm trong quản trị doanh nghiệp sao? Mà họ thì chắc chắn có một bộ máy quản trị giỏi hơn chúng ta rồi.

Cái lo này lại đẻ ra nhiều cái lo tiếp theo. Ông Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến phân tích: “Theo quy định của Luật, ngoài cử người đại diện vốn Nhà nước, còn phải cử cả kiểm soát viên đối với công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước và một nhóm ban kiểm soát, tức là cần tới 3 người nữa cho một công ty.

Như vậy, ta cần hơn 600 người cho Uỷ ban này là rất khó, đặc biệt là người có năng lực quản lý.Vấn đề thứ hai là cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính nào với một cơ quan quản lý Nhà nước mà lại chi ra để thuê được các chuyên gia giỏi? Điều này rất khó.

Vấn đề thứ ba là một bộ máy đó làm thế nào để quản lý được 30 Tập đoàn, Tổng công ty trong các ngành nghề khác nhau? Đây là một thách thức lớn cho Uỷ ban. Cho nên, tính khả thi ở đây là vấn đề rất quan trọng cần xem xét”.

Ôi, đúng là động vào đâu cũng thấy khó. Và cứ theo cái đà tư duy như thế này thì thoát được vòng luẩn quẩn này có khi lại chui vào cái vòng luẩn quẩn khác.

Để thoát ra, có lẽ phải quay lại bắt đầu từ cái gốc của vấn đề, có nghĩa phải xác định đây là tiền của dân, giao cho Nhà nước quản lý để phục vụ lại dân. Vậy thì có nhiều con đường để đi đến cái đích ấy chứ không nhất thiết “ôm” cả một mớ bòng bong hết khó khăn này đến khó khăn khác vào một “siêu Bộ”.

Chẳng hạn, nếu nhanh chóng thoái vốn Nhà nước ra khỏi một số lĩnh vực không nhất thiết cần phải nắm giữ, đạt được 1/3 số đó thì Nhà nước đã có trên 400 nghìn tỷ đồng.

Sau đó, lấy khoản tiền này làm “ngòi nổ” cho nguồn năng lượng dồi dào trong dân, thí dụ như kích thích chương trình khởi nghiệp, ý chí làm giàu trong lớp trẻ, tạo công ăn việc làm cho dân chúng.

Giả sử cứ một tỷ đồng có thể đỡ đầu cho 5 doanh nghiệp ra đời thì 400 nghìn tỷ kia sẽ đỡ đầu cho 2 triệu doanh nghiệp. Đó là một giá trị vô cùng lớn, không chỉ cơ hội cải thiện cho cuộc sống của cả chục triệu người dân mà còn là nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.

Vấn đề ở đây là, từ trước đến nay, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về việc khuyến khích dân làm giàu đã được Chính phủ tạo ra bước đột phá nào chưa, liệu việc sử dụng một phần đồng tiền của dân đã đúng với mục tiêu đó chưa?

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã từng nhận xét: “Chúng ta cần nhớ lại bài học Nhật Bản, Hàn Quốc, suốt thời gian dài trọng dụng doanh nghiệp tư nhân nên chỉ khoảng 25 năm họ đã giàu có”. 

Và ông đưa ra một ý tưởng rất đáng trân trọng: “Tôi cho rằng VN cần phát động một phong trào khởi nghiệp, đồng thời với nó là một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu đến năm 2020, đưa VN trở thành một quốc gia khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu đất nước ít nhất có 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020”.

Vừa rồi, thực tiễn đã chứng minh, một startup Việt Nam có tên là Vntrip.vn đã thuyết phục thành công John Wu, nhà đầu tư kiêm giám đốc công nghệ của Alibaba gần 10 năm, rót vốn đầu tư 3 triệu USD.

Có thể nhận xét rằng thời gian vừa qua, chúng ta chưa tạo ra một bước đột phá nào trong  việc thực sự khuyến khích người dân làm giàu. Bởi vì ở nhiều nước phát triển, cứ 15-20 người dân có 1 doanh nghiệp mà ở nước ta, sau vài chục năm khuyến khích dân làm giàu, bình quân gần 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp(?!).

Vì thế, trước hết xin ủng hộ chủ trương rút toàn bộ tài sản kinh doanh của Nhà nước về một mối, hình thành một bộ máy “siêu” gì cũng được, nhưng nhất thiết là phải siêu giỏi trong việc sử dụng nguồn vốn ấy trở lại phục vụ người dân hiệu quả và thiết thực, mà gợi ý như trên chỉ là một ví dụ./.