24/11/2024 | 08:04 GMT+7, Hà Nội

Người đi vay cần có kỷ luật và quyết tâm trả nợ đúng hạn

Cập nhật lúc: 20/03/2020, 13:41

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 18 sửa đổi, bổ sung một số điều về cho vay tiêu dùng để hoạt động này phát triển lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, để thị trường thực sự phát triển, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của người đi vay, cân đối chi tiêu, trả nợ đúng hạn để không nảy sinh hành vi tiêu cực như chây ỳ, trốn nợ, hay thậm chí hành hung nhân viên thu hồi công nợ…

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trên thực tế, đa phần người đi vay đều ý thức được việc phải trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, có không ít trường hợp người đi vay trốn tránh trách nhiệm để xù nợ.

Điều này hết sức không nên bởi, người đi vay phải hiểu được trách nhiệm của mình là trả nợ đầy đủ và đúng hạn cho ngân hàng, công ty tài chính khi vay tiêu dùng theo đúng hợp đồng đã ký. Khách vay có thể không may bị mất việc làm, ốm đau…, nhưng trong bất cứ trường hợp nào, khi đã đi vay là phải hoàn trả được nợ, nhất là toàn bộ nợ gốc.

“Ý thức trách nhiệm trả nợ phải bắt đầu từ khi có ý định đi vay chứ không phải chờ lúc đặt bút ký hồ sơ vay vốn thì người vay mới xét đến việc trả nợ.

Tuy nhiên, một số trường hợp khách hàng chưa xây dựng được một kế hoạch tài chính cá nhân rõ ràng khi quyết định vay tiêu dùng, dẫn đến việc không có khả năng trả nợ, chậm thanh toán hay thậm chí là trốn nợ.”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, và khuyến nghị để tránh những hệ lụy không đáng có phát sinh từ việc thiếu trách nhiệm đối với khoản nợ đã vay, các khách hàng cần cân nhắc kỹ, không nên vay khi không thật sự cần thiết hoặc đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản bản thân. Để trả được nợ, số tiền trả mỗi tháng cho ngân hàng, công ty tài chính không nên quá 60% thu nhập.

Vì khoản thu nhập hằng tháng phải được chi trả cho ăn, ở, mặc đi lại… và cả nộp thuế nữa. Do đó, 40% còn lại là dự trữ an toàn để có thể vay và trả được nợ. Nếu vay trên mức này thì nguy cơ không trả nợ đầy đủ và đúng hạn là có thể xảy ra.

Vẫn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi đi vay, khách hàng cần phải hiểu cặn kẽ từng câu, từ trong hợp đồng. Nếu không hiểu hợp đồng, thì nên hỏi người thân, hỏi chính nhân viên tín dụng để được tư vấn về các điều khoản về gốc, lãi, phương pháp tính lãi, thời hạn trả nợ, lãi phạt như thế nào, cách giải quyết các tranh chấp khi phát sinh, điều kiện để chấm dứt trước thời hạn, các trường hợp bất khả kháng… Trong trường hợp nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng có những quy định xử lý món nợ xấu ra sao.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, phải lưu giữ tất cả hóa đơn, nhất là hóa đơn thanh toán, trả nợ hàng tháng và các tài liệu liên quan. Đặc biệt, người đi vay cần bảo mật thông tin và thận trọng đối với giấy tờ cá nhân như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, đăng ký xe máy hay những giấy tờ khác tương tự. Việc cho người khác mượn thông tin hoặc giấy tờ tùy thân để vay tiêu dùng vừa gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho chính người đi vay khi xảy ra tranh chấp, vừa là tổn thất cho những đơn vị cấp tín dụng như công ty tài chính.

Cuối cùng và quan trọng nhất, người đi vay cần có kỷ luật và quyết tâm trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay mỗi tháng, trả nợ đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hay nghiêm trọng hơn là mất khả năng thanh toán nợ. Không nên cho rằng được vay trong lúc cần tiền là vui rồi, mà khách hàng hãy đọc những điều khoản trong hợp động thật cặn kẽ, hỏi giao dịch viên của ngân hàng, công ty tài chính về trách nhiệm của người vay, của bên cho vay trước khi đặt bút ký.

“Không nằm ngoài xu thế của các nước, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam sẽ phát triển hơn trong những năm tới. Bởi, dân số hơn 95 triệu người, trong đó số người trưởng thành khoảng 60% tổng dân số, tương ứng 60 triệu người. Đặc biệt, với dân số trẻ thì nhu cầu tiêu dùng là rất lớn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích và cho rằng để phát triển kinh tế, vai trò của ngân hàng và công ty tài chính trong cho vay tiêu dùng là rất quan trọng và cần thiết.

Còn để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững, chắc chắn cần nâng cao trách nhiệm của cả hai bên gồm người đi vay là khách hàng và bên cho vay là công ty tài chính.

Điều quan trọng, người đi vay phải hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi với khoản vay. Khả năng trả nợ của họ phải được đảm bảo. Nếu vay mà không tính toán theo kiểu “vung tay quá trán”, thì trước hết rủi ro cho chính người vay.

Về phía công ty tài chính, đây là những tổ chức tín dụng hợp pháp, hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của luật pháp Việt Nam. Nhiều đơn vị cũng luôn ý thức được việc phải đảm bảo món cho vay phải an toàn, ít rủi ro nhất. Hay nói cách khác, công ty tài chính cũng phải tính toán được khoản vay có trả nợ được hay không.

“Rõ ràng, với việc cả công ty tài chính và người đi vay luôn chủ động ý thức được trách nhiệm của mình thì thị trường tài chính tiêu dùng nói riêng, nền kinh tế nói chung sẽ phát triển ổn định và tiến tới bền vững”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.