19/01/2025 | 09:26 GMT+7, Hà Nội

Người dân không nên hoang mang, tẩy chay thực phẩm là thịt lợn an toàn

Cập nhật lúc: 24/03/2019, 09:20

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, người dân không nên lo sợ dẫn đến tẩy chay thịt lợn an toàn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, tính đến 17g ngày 20-3-2019 có phát sinh thêm 10 hộ chăn nuôi thuộc Sóc Sơn (8 hộ), Đông Anh (1 hộ), Thường Tín (1 hộ) làm mắc bệnh và tiêu hủy 154 con lợn. Đến nay, trên địa bàn TP dịch bệnh đã xảy ra tại 41 hộ chăn nuôi và 1 hộ tự nguyện tiêu hủy tại Long Biên, 26 thôn, 19 xã của 7 quận, huyện; tổng số lợn đã tiêu hủy 945 con với trọng lượng 50.159 kg.

Các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Quốc Oai trong ngày không có phát sinh; các địa phương còn lại tình hình dịch bệnh ổn định.

Trước thông tin về dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) khiến một bộ phận người tiêu dùng Hà Nội lo lắng, “quay lưng” với thịt lợn và các sản phẩm liên quan thịt lợn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số chợ trên địa bàn TP Hà Nội, sức mua thịt lợn trên thị trường Hà Nội vẫn duy trì ở mức ổn định. Một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý còn e ngại, nên thay vì mua thịt lợn tại chợ có xu hướng chuyển sang mua thịt lợn tại các cửa hàng tiện ích, chuỗi siêu thị lớn…

nguoi dan khong nen hoang mang tay chay thuc pham la thit lon an toan
Người dân không nên tẩy chay thịt lợn an toàn. Ảnh: Khánh Phong

Chị Trần Bích Ngọc, phường Phú La, quận Hà Đông cho biết: trước thông tin DTLCP xuất hiện, chị Ngọc và gia đình có lo lắng nhưng không vì thế mà quay lưng với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, loại bỏ thịt lợn ra khỏi bữa ăn hàng ngày. “Tôi chủ động tìm kiếm nguồn cung thịt đảm bảo chất lượng, được cơ quan thú y kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch”, chị Ngọc cho biết.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội, tất cả cơ sở giết mổ trên địa bàn TP Hà Nội, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ đều được các quận, huyện kiểm soát hàng ngày nhằm ngăn chặn bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại các cơ sở giết mổ quy mô lớn, cán bộ thú y kiểm tra lâm sàng, phun thuốc khử trùng cho đàn lợn trước khi đưa vào lò mổ và giám sát quá trình giết mổ của các chủ hộ kinh doanh. Trước và sau khi giết mổ, sàn nhà được vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc tiêu độc khử trùng…

Mỗi con lợn được đóng 6 dấu kiểm dịch trên thân trước khi xuất bán. Tại các chợ, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nhanh, phát hiện lợn có biểu hiện dương tính với DTLCP sẽ yêu cầu dừng bán và tiêu hủy. “Các cơ quan chức năng của TP Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống DTLCP”, ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm.

Chia sẻ với chúng tôi chiều ngày 21-3, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết, DTLCP lây lan nhanh, lợn mắc bệnh có khả năng chết lên đến 100%, gây thiệt hại lớn về kinh tế nhưng không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Virus này chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 500C, 20 phút trong nhiệt độ 600C, 2 phút trong nhiệt độ 900C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 1000C.

“Người dân vẫn có thể ăn thịt lợn bình thường, không nên tẩy chay thịt lợn không bị dịch bệnh; lựa chọn thịt lợn sinh học an toàn, được kiểm dịch thú y và nấu chín trước khi ăn.

Khi có nhu cầu mua các sản phẩm thịt lợn thì người dân nên chọn những địa chỉ uy tín, an toàn như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các quầy, sạp có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm…”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để mua thịt lợn khỏe, an toàn, không mắc bệnh, người dân cần chọn miếng thịt có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, thịt không bị nhão, không bị rỉ nước, ấn tay vào miếng thịt có độ đàn hồi; Không chọn miếng thịt có lấm chấm xuất huyết, màu lạ (nâu xám, đỏ thâm, xanh nhạt), đàn hồi kém và bị nhớt.

Văn Biên