22/11/2024 | 11:41 GMT+7, Hà Nội

Đảm bảo nguồn thịt lợn trước, trong và sau dịch bệnh tả lợn châu Phi

Cập nhật lúc: 21/03/2019, 21:00

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến thời điểm hiện nay nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến.

Với các giải pháp và sự vào cuộc, thị trường thịt lợn đến nay vẫn đảm bảo nguồn cung (Ảnh TL)

Với các giải pháp và sự vào cuộc, thị trường thịt lợn đến nay vẫn đảm bảo nguồn cung

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, tính đến nay, tổng trọng lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm.

Năm 2018, tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn (tăng 2,2% so với năm 2017).

Chăn nuôi lợn đang chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ trang trại năm 2014 chiếm khoảng 40 – 45% đã tăng lên 58% năm 2017 và 70 – 75% năm 2018, điều này sẽ giúp hạn chế được nguy cơ lây lan bệnh và góp phần kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Đến thời điểm hiện nay nguồn cung trong nước vẫn  được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến. Trong điều kiện dịch bệnh, nguồn cung thịt cho thị trường có thể được bổ sung bằng các sản phẩm thay thế như thịt gà, bò, cá... Hiện nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thay thế thịt lợn tương đối dồi dào nên sẽ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân – Vụ thị trường cho biết thêm.

Để đảm bảo nguồn thịt lợn trước, trong và sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi kết thúc, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sở công thương thực hiện các giải pháp cơ bản.

Giai đoạn 1 đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, vận động các hệ thống phân phối đối với các cửa hàng, hệ thống siêu thị. Tăng cường thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá, gia tăng sản lượng tiêu thụ. Vận động doanh nghiệp bình ổn thị trường, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến tăng cường thu mua trong nước, tăng cường trữ đông đồng thời chuẩn bị phương án nhập khẩu thịt đông lạnh. Tăng lượng cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu thay thế khác như thịt gia cầm, rau củ quả...

Giai đoạn 2, nguồn cung thịt heo giảm, giá tăng mạnh giải pháp sẽ là đẩy mạnh sử dụng nguồn thịt heo đông lạnh đã dự trữ từ giai đoạn 1; Các DN bình ổn thị trường thực hiện nhập khẩu thịt heo đông lạnh. Thời gian nhập khẩu khoảng 45 ngày, với lượng hàng dự trữ từ giai đoạn 1; các doanh nghiệp bình ổn thị trường đủ khả năng cung ứng thịt heo ra thị trường trong giai đoạn này với sản lượng ổn định, vượt kế hoạch. Chủ động kích cầu, khuyến mại, giảm giá, tăng lượng cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu thay thế khác như thịt gia cầm, rau củ quả.