22/11/2024 | 13:38 GMT+7, Hà Nội

Người bán sách cũ đặc biệt nhất Việt Nam

Cập nhật lúc: 13/05/2020, 14:00

Vóc dáng thư sinh và mới 32 tuổi, Lê Bá Tân đã là ông chủ của tiệm cà phê sách độc đáo giữa đất Sài Gòn.

Tiệm cà phê Sài Gòn năm xưa ở số 50 đường Nguyễn Khắc Nhu, quận 1 tặng sách vào Chủ nhật hàng tuần. Ảnh: NVCC.

Sài Gòn có rất nhiều quán cà phê để mọi người có thể hẹn hò, chuyện phiếm, có riêng cả một phố sách để bạn tham quan và mua bán sách. Tuy nhiên, chỉ có một tiệm cà phê sách mà ở đó chủ quán sẵn sàng tặng bạn sách và mời bạn miễn phí đồ uống của mình nếu như bạn mang một cuốn sách cũ bất kỳ gửi cho tiệm. Ngoài ra, tiệm cà phê đặc biệt này còn có hình thức trao đổi sách "01 đổi 01", có nghĩa là bạn có thể đổi 01 cuốn sách bạn có bất kỳ để chọn lấy 01 cuốn sách mà mình thích của tiệm mang về đọc.

Đó là tiệm cà phê "Sài Gòn năm xưa" ở số 50, đường Nguyễn Khắc Nhu, quận 1, TP.HCM. Đến đây, mọi người không chỉ tìm được một chốn bình yên thong thả, tĩnh lặng ngay giữa trung tâm thành phố mà còn khám phá được nhiều tri thức từ những cuốn sách hiếm có tại tiệm. Đặc biệt, đến tiệm, khách còn được trao đổi và trò chuyện gần gũi với chủ nhân của tiệm cà phê đặc biệt này. Đó là Lê Bá Tân, 32 tuổi, một người trẻ thú vị và hiểu biết.

Từ cậu sinh viên sư phạm Sử đến ông chủ bán sách cũ

Tân kể, quê anh ở Yên Định, Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, Tân đã ham đọc sách và được bố mẹ động viên đọc sách dù gia đình không khá giả. Tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Tân đã có khoảng thời gian trải nghiệm nhiều nghề như làm gia sư, nhân viên đại lý vé máy bay... và 4 năm làm thầy giáo một trường trung cấp ở Bình Dương.

Vậy nhưng, Tân bảo, chỉ đến khi đi bán sách, anh mới biết rõ rằng đây là nghề nghiệp hợp với mình nhất. 

Lê Bá Tân - chủ tiệm "Sài Gòn năm xưa". Ảnh: Kim Vân

Tháng 3/2019, sau nhiều năm kinh doanh sách và được anh em làng sách biết đến với những thương vụ mua bán sách nổi tiếng, Tân quyết định mở quán cà phê sách "Sài Gòn năm xưa" cùng với một người anh tên Hiếu để làm nơi giao lưu, hội ngộ bạn bè và những người có cùng đam mê đọc sách.

Chia sẻ với phóng viên, Tân nói về những ngày khởi nghiệp vất vả khi tiền dồn hết vào tài sản là sách, nhà phải đi thuê. Ba tháng đầu tiên mở quán là những ngày khổ ải nhất. 

"Thực tế không như những gì mình mong đợi, lượng khách tới quán không nhiều vì mình cảm nhận được rằng người dân "sợ" sách. Mà đúng vậy, họ sợ thật. Người chung quanh bảo, giờ này ai mà đi đọc sách, nhà nhỏ vậy sách vở gì, ai đi qua cũng coi quán như một cái gì đó xa lạ..." - Tân nhớ lại.

Tưởng chừng mọi thứ đã bế tắc và phải giải thể quán sau ba tháng khai trương do "tiền đã cạn, trí đã mòn", Tân quyết định mang sách của mình ra tặng mọi người ở quán. Anh không ngờ việc tặng sách đó khiến tiệm của mình được mọi người chú ý tới và ủng hộ nhiệt tình. 

Và cho đến giờ, sau 14 tháng, tiệm cà phê sách của Tân đã có lãi ổn định và được rất nhiều người biết đến với lịch Chủ nhật tặng sách, thứ Bảy đổi sách. Ngoài "đặc sản" sách, thức uống của quán có cà phê và đồ uống tự làm khá ngon, chỉ có giá từ 20-30 nghìn đồng.

Ngoài được đọc miễn phí các cuốn sách hay, thưởng thức trà và đồ uống ngon với giá "mềm", khách đến tiệm còn được chủ quán mời bánh, kẹo. Ảnh: Kim Vân

Ở quán cà phê sách của Tân có hai tầng. Tầng 1 trưng bày các kệ sách được sắp xếp và chia theo từng thể loại. Kệ sách được sắp xếp gọn gàng nên việc tìm sách dễ dàng. Tại đây có những quyển sách quý hiếm, hầu như biến mất trên thị trường. Trước cửa quán để một vài kệ sách nhỏ để tặng những người ghé tiệm hoặc khách đi đường và cả kệ bán sách giá "mềm". 

Tầng 2 của quán là không gian sách mở, có khoảng không ấm cúng và tĩnh lặng với nhạc Trịnh và các bức tranh ký họa về Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, phù hợp để mọi người thoải mái đọc sách cũng như tổ chức những buổi gặp gỡ, trò chuyện chuyên đề về sách và âm nhạc.

"Em muốn chọn cách làm của mình khác hẳn mọi người. Đến các quán sách ở ngoài đường sách, dù được trưng bày rất đẹp đẽ nhưng khách đến mua hàng muốn uống một ly nước lại phải sang một tiệm cà phê hay quán nước bên cạnh. Vậy tại sao mình không tận dụng những người đến với mình để bán thêm một ly nước giúp mình kiếm thêm ít tiền trang trải cho tiệm sách và đời sống. Mình có tiền mà khách hàng mất tiền nhưng lại rất vui" - ông chủ tiệm "Sài Gòn năm xưa" nói về lựa chọn cách làm của mình.

Và theo Tân, nếu như ai đó đến tiệm sách của Tân mua sách mà dễ thương, Tân đều mời họ miễn phí trà, đồ uống hay cà phê.

"Bất cứ người khách nào tới, em cũng đều rất trân trọng và lịch sự. Những người mua bán sách cũng được trao đổi đi lại để cùng quý trọng những cuốn sách chứ không phải là "cuốn này bao nhiêu" rồi đưa tiền là xong vì mua bán như thế khiến mình không thể học hỏi được cái gì cả. Em làm được một công đôi việc, vừa bán sách vừa kết hợp bán cà phê, lấy được nguồn khách từ hai phía. Các bạn trẻ đến đây vừa để học tập, đọc sách, vừa để uống nướccMột số bạn đi qua tiệm thích quá nên đỗ xe mua luôn" - Tân bộc bạch.

Ca sĩ Tùng Dương đã từng ghé "Sài Gòn năm xưa" và rất thích không gian nơi đây. Ảnh: NVCC

Trong cả buổi ở "Sài Gòn năm xưa" với vai một khách đến đọc sách vãng lai, tôi bắt gặp nhiều học sinh cấp 3 đến đọc sách trên tầng 2. 

Em Thu Hiền, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh cho hay, các buổi trưa em thường qua tiệm sách tranh thủ học bài và tìm đọc những cuốn sách em yêu thích. Không gian quán tĩnh lặng rất phù hợp để em ôn bài hiệu quả.

Không chỉ riêng Thu Hiền, cũng trong buổi trưa này, hai vợ chồng Trần Trung Hiếu (32 tuổi) cũng lặn lội đi xe máy từ quận 10 ra "Sài Gòn năm xưa" uống cà phê và đọc sách. Theo Hiếu, gia đình anh trước đây cũng có một nhà sách lớn nên từ nhỏ anh đã rất ham đọc sách. 

Mẹ Hiếu cũng là một người yêu sách đặc biệt, Hiếu vẫn nhớ mãi kỷ niệm mẹ anh khóc khi nhìn thấy những cuốn sách bị mối mọt ăn dần và anh phải lật từng trang để lau chà rồi phơi sách dưới ánh sáng mặt trời. Thế nên mới đây, khi xem clip nói về quán "Sài Gòn năm xưa" là Hiếu đã rủ vợ qua và anh tỏ ra rất hài lòng với không gian của tiệm cà phê sách này.

"Khách đến đây không cần mua sách và không uống cà phê cũng không sao cả, em vẫn có thể mời họ một cốc trà bình thường và đọc sách miễn phí cả ngày" - Tân cho hay. Anh rất tâm đắc với lời dặn của người thầy giáo mà anh ngưỡng mộ: "Muốn làm kinh tế thì trước hết phải là người tử tế, sau đó mới đến tinh tế".

Một khách hàng quen thuộc thường ghé tiệm "Sài Gòn năm xưa" để tìm những cuốn sách ông yêu thích. Ảnh: Kim Vân

Từng là sinh viên, xuất thân từ vùng quê nên Tân hiểu được tâm lý của những người không có tiền muốn mua sách. Và theo Tân, nếu như mình chỉ bày sách trên kệ thì nó chỉ là một tập giấy được viết chữ mà thôi. Khi nào quyển sách đó có người đọc sẽ sinh ra sự thoải mái trong đầu óc và giải đáp được những vấn đề tâm lý, thắc mắc trong đời sống, trong công việc của họ... Như vậy mới không lãng phí.

Xuất phát từ lòng yêu sách rồi đi nhiều, trải nghiệm nhiều, Tân không muốn sách cũ bị rẻ rúng. Tân kể, mọi người bảo anh sao cứ bày vẽ ra kiểu này kiểu kia nhưng thật sự anh thích vậy. Tuy nhiên, ông chủ của "Sài Gòn năm xưa" không có tham vọng quán của mình nhiều khách bởi theo anh, "khách đến một lượng vừa phải để mình phục vụ ổn là tốt nhất".

Ở "Sài Gòn năm xưa" có khá nhiều sách hay, quý khó kiếm trên thị trường. Ảnh: Kim Vân

Tân cho biết, lúc mới mở tiệm sách, anh cũng khao khát là mình sẽ góp phần giúp mọi người nâng cao văn hóa đọc hơn. Vậy nhưng, thực tế, vấn đề này rất khó. Tân chỉ dám khẳng định rằng, những người tìm đến tiệm sách của anh là những người thích đọc. Tân chỉ là người góp phần khơi gợi, thúc đẩy thêm những người trong cộng đồng nhỏ của anh.

Bởi theo Tân, trường học và gia đình là hai môi trường để văn hóa đọc phát triển tốt hơn. Thầy cô giáo và bố mẹ không chịu đọc sách làm sao đòi hỏi học sinh và con cái thích đọc sách được. Trong nhà, nếu bố mẹ cứ suốt ngày cắm cúi điện thoại thì đừng mong con thích sách. Nhưng nếu bố mẹ chịu khó đọc sách và chú ý bày biện không gian xung quanh là sách thì 70-80% đứa con của mình sẽ thích đọc.

Quá trình đọc và quan sát, Tân nhận ra rằng những người thành công cả về tiền tài, danh vọng, nổi tiếng đều là những người đọc sách rất nhiều. Và bằng trải nghiệm của mình, cậu cũng tâm đắc với nhận định: "Một đứa trẻ hồi nhỏ mà thích đọc truyện thiếu nhi, cổ tích thì lớn lên sẽ không bao giờ trở thành người xấu. Nó chắc chắn sẽ là người tử tế, ít nhất là không bao giờ làm hại đến ai cả".