Ngỡ ngàng vẻ đẹp huyền ảo của các nhà thờ Nam Định
Cập nhật lúc: 09/10/2019, 07:20
Cập nhật lúc: 09/10/2019, 07:20
Nếu đến đất Nam Định mà có chút am hiểu về lịch sử, thì không khác gì được quay lại một thời quá khứ. Nơi đây từng được coi như kinh đô thứ hai của vương triều Trần với di tích đền Trần được xây dựng trên nền Thái Miếu phủ Xuân Trường xưa; tháp Phổ Minh đánh dấu một thời Phật giáo hưng thịnh; di tích Phủ Dày thờ chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của Việt Nam; phiên chợ Viềng độc đáo mỗi năm chỉ họp một lần. Nếu là người yêu thiên nhiên bạn có thể đến vườn quốc gia Xuân Thủy được công nhận là rừng ngập mặn của UNESCO theo công ước Ramsar hay ngắm bình minh ở bãi biển Quất Lâm, Thịnh Long.
Nhưng như thế là chưa đủ. Từ năm 1533, vùng đất Trà Lũ Nam Định là nơi đầu tiên công giáo du nhập, giáo phận Bùi Chu được công nhận giáo phận công giáo đầu tiên của Việt Nam. Do đặc điểm lịch sử đó nên đất Nam Định sở hữu những nhà thờ cổ nhất, đẹp nhất, nổi tiếng nhất Việt Nam. Các nhà thờ ở Nam Định, đặc biệt là các nhà thờ ở hai huyện Xuân Trường và Hải Hậu luôn khiến ta mê mẩn về vẻ đẹp siêu thực của nó.
Đầu tiên phải kể đến nhà thờ chính tòa Bùi Chu, có tuổi đời trên 130 năm. Dù nhiều hạng mục xuống cấp nhưng vẻ đẹp cổ kính đến ngỡ ngàng của nhà thờ vẫn là điểm thu hút khách tham quan. Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng theo phong cách Ba-rốc do một kiến trúc sư người Tây Ban Nha thiết kế. Trải qua thời gian, các bức tường vàng đã nhuốm màu rêu phong nhưng trong thánh đường, vòm nhà thờ cùng các hàng cột gỗ lim và những nét trang trí tinh xảo vẫn có một vẻ đẹp rực rỡ.
Các vật liệu để xây dựng nhà thờ đều là các vật liệu ở địa phương. Mái trần nhẹ tạo nên những vòm cong được làm từ vôi rơm, vật liệu quen thuộc của người dân Việt từ xa xưa. Vòm nhà thờ tạo hình ô van ba lá uốn lượn, vừa mang kiến trúc Tây phương, lại có nét Á Đông tạo nên nét khác biệt với các nhà thờ khác. Hai tháp chuông cao vút cùng chiếc đồng hồ được thiết kế riêng cho nhà thờ vẫn còn đó đem tới nhiều hoài niệm. Cái xa xưa và hiện tại cứ đan xen hòa lẫn tạo nên một cảm giác vừa hư vừa thực, vừa mênh mông vừa bí ẩn thâm sâu.
Nếu nhà thờ Bùi Chu cho ta cảm giác về một nhà thờ cổ kính thì Tiểu Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Phú Nhai đem đến sự lộng lẫy và hoành tráng. Nằm ở làng Phú Nhai thuộc xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, nhà thờ có kiến trúc kỳ vĩ với những mái chuông cao vút nổi bật trên nền trời thu xanh ngắt. Đứng trong thánh đường linh thiêng có mái vòm như được dát một lớp vàng khiến ta choáng ngợp. Sự rộng lớn của của nhà thờ, mái vòm thánh đường cao vút cùng những bức tượng đắp nổi bên hông khiến nhà thờ Phú Nhai luôn có sức lôi cuốn huyền bí, hấp dẫn khách tham quan . Cùng với nhà thờ lớn ở Sài Gòn, nhà thờ La Vang ở Huế và nhà thờ Sở Kiện ở Hà Nam, nhà thờ Phú Nhai thật xứng đáng là một trong 4 Tiểu Vương cung thánh đường ở Việt Nam.
Cùng với nhà thờ Phú Nhai ở huyện Xuân Trường thì một nhà thờ khác ở huyện Hải Hậu cũng đem đến cho ta một cảm giác choáng ngợp, ngỡ như lạc bước dưới trời Âu. Nhà thờ Hưng Nghĩa hiện lên như một lâu đài cổ tích trong các câu chuyện cổ. Màu xám đen của nhà thờ pha chút ánh đồng tạo cho du khách một cảm giác siêu thực. Vẫn là kiến trúc Gothic quen thuộc, vẫn những mái vòm cao vút, những chi tiết trang trí tinh tế và tỉ mẩn, nhà thờ Hưng Nghĩa cho ta thấy sự nhiệt huyết của trái tim, sự khéo léo của đôi bàn tay và sự sáng tạo không giới hạn của bộ óc con người. Nhà thờ Hưng Nghĩa không hổ danh lọt top một trong những nhà thờ lớn và đẹp nhất Đông Nam Á.
Nếu nhà thờ Bùi Chu cho ta cảm giác của một xứ sở Á Đông gần gũi cổ kính, nhà thờ Phú Nhai cho ta cảm giác bí ẩn choáng ngợp như đang ở vùng Trung Đông thì nhà thờ Hưng Nghĩa đưa ta đến một góc trời Âu sang trọng và hiện đại. Một trải nghiệm thật thú vị ở một tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ mà ai cũng nên đến một lần để khám phá.
Trên đất Hải Hậu còn có một nhà thờ tuy đổ nát hoang tàn nhưng lại thu hút rất đông khách tham quan, nhất là các bạn trẻ. Đó là nhà thờ đổ Hải Lý với cái tên thơ mộng ban đầu là nhà thờ trái tim.
Sự xâm thực mạnh mẽ của biển, sự biến đổi của khí hậu đã làm cho cả một ngôi làng trải dài theo bờ biển không còn. Nhưng một góc tháp chuông của nhà thờ trái tim vẫn còn đó. Sự đổ nát hoang phế của nhà thờ sát mép biển như một minh chứng cho sự khốc liệt của thời gian và sự hủy hoại của biến đổi khí hậu. Đó như một lời cảnh báo nhắc nhở con người cần sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng yêu quý thiên nhiên.
Đứng dưới tháp chuông còn sót lại, cảm nhận sự nồng nàn của gió biển và sóng biển, sự chói chang của ánh nắng mặt trời, sự cô đơn thanh bình của nhà thờ hoang tàn đổ nát khiến cho con người như đang rơi vào thế giới hư ảo tuyệt vời. Cứ ngỡ như đây là nơi giao thoa của các khái niệm hữu hạn và vô hạn, cái còn và cái mất để mỗi người bớt đi những tham, sân si. Có thể một ngày nào đó, nhà thờ đổ Hải Lý không còn, nhưng hình ảnh độc lạ của nhà thờ đổ chắc chắn sẽ còn mãi trong trí nhớ của tất cả những ai đã đến nơi này.
Đến chiêm ngưỡng những nhà thờ ở Nam Định với kiến trúc cầu kỳ, quy mô hoành tráng, đem lại cho ta bao cảm xúc. Không chỉ giúp cho ta sống chậm lại với những giây phút vui vẻ, không chỉ cảm nhận những vẻ đẹp huyền ảo sống động qua kiến trúc của các nhà thờ mà trái tim ta còn dâng trào những cảm xúc trân quý khâm phục những tài hoa kết tinh trong bàn tay, khối óc con người tạo nên những vẻ đẹp cổ điển, tồn tại mãi với thời gian.
10:30, 06/10/2019
10:00, 02/10/2019
13:57, 30/09/2019