18/01/2025 | 20:20 GMT+7, Hà Nội

Nghiêm cấm lợi ích nhóm, các hành vi tiêu cực, tham nhũng về đất đai.

Cập nhật lúc: 17/02/2022, 06:39

Là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, giao Bộ TN&MT lấy ý kiến về đề xuất phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, trình TTCP xem xét quyết định.

Nghiêm cấm lợi ích nhóm, các hành vi tiêu cực, tham nhũng về đất đai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại đã Chỉ thị số 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về đề xuất phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, tổng hợp, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 15/2. Điều này đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 39/2021 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, nghiêm cấm lợi ích nhóm, các hành vi tiêu cực, tham nhũng về đất đai.

Đồng thời, Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, sử dụng không gian biển (đối với 28 địa phương ven biển) trong quy hoạch cấp tỉnh, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, biển và quy hoạch; khẩn trương lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm (2021 - 2025), tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2022.

Nghiêm cấm lợi ích nhóm, các hành vi tiêu cực, tham nhũng về đất đai.
Nghiêm cấm lợi ích nhóm, các hành vi tiêu cực, tham nhũng về đất đai.

Về phía Bộ TN&MT, trước thực trạng nhiều địa phương thời gian vừa qua có một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản (BĐS); hiện tượng "hét" giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá “ảo” để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức... Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 413 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Cùng với đó, chấn chỉnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Đấu giá quyền sử dụng đất công là một cơ chế mang về nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và hiện chiếm khoảng 90% giá trị đấu giá tài sản công.

Đấu giá quyền sử dụng đất công là một cơ chế mang về nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc, không đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh không bình đẳng trong các cuộc đấu giá.

Chủ động tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ diễn biến bất thường liên quan đến biến động giá đất trong thời gian tới tại địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.

Cùng với đó, phát hiện các tồn tại, bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.

Tổ chức công bố công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch có liên quan, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập các đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp.

Với kết quả rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn; Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày 28/2/2022 để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhức nhối dự án "treo", "bỏ hoang" gây lãng phí tài nguyên đất

Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án “treo”, “bỏ hoang” ở các địa bàn quận, huyện đang gây lãng phí tài nguyên đất.

Nổi cộm tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) là không ít lô đất vàng, với vị trí đắc địa nhưng nhiều năm không được triển khai xây dựng và dừng thi công. Thực trạng này đã khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, lợi ích người dân sống trong vùng quy hoạch dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đáng nói, ngoài việc đất bị bỏ hoang, thì tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn đề mất trật tự, văn minh đô thị. Vậy, nguyên nhân thực sự của hiện trạng trên từ đâu? Vì sao doanh nghiệp vẫn cố ôm “đất vàng” không chịu triển khai dự án?

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội từng cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, dẫn đến các khu “đất vàng” bị bỏ hoang. Bắt nguồn cho việc dự án bị treo có thể kể đến như chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, điều chỉnh giấy phép, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng…

Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng chủ đầu tư “ôm” đất bỏ hoang, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết: Ở góc nhìn khách quan, chủ yếu do doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, bởi chồng chéo về pháp luật. Nguyên nhân chủ quan do doanh nghiệp yếu kém về năng lực, ôm quỹ đất để đầu cơ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia đánh giá, năng lực của Chủ đầu tư không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, mà phần lớn các doanh nghiệp đang thực hiện tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc đầu cơ về đất đai.

Theo GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, việc khó thu hồi các dự án "đắp chiếu" có thể giải thích bằng lý do là có lợi ích chung gì đó ở đây mà lợi ích đó đã được trao đổi rồi nên bây giờ khó thu hồi. Ngoài ra, cũng có thể do ý chí của nhà kinh doanh không bắt nhịp được ý chí của nhà quản lý (là lợi ích, là hiệu quả của dự án – PV) dẫn đến việc Nhà đầu tư chần chừ triển khai.

Đồng thời, Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cũng cho rằng việc các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc ở chỗ khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc thu hồi chậm trễ ngày nào thì nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó.

Do vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Ngoài ra, việc cương quyết thu hồi theo GS. Đặng Hùng Võ có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đó.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng. Bởi nếu chính quyền muốn thu hồi, thì trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Thực tế, với những khó khăn, phức tạp, nên hiện có dự án bị “treo” cả chục năm, nhưng vẫn chưa thể thu hồi, gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị.

Theo quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các điều khoản luật khác có liên quan.

Theo khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Đất được Nhà nước giao; cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất… hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trừ trường hợp do bất khả kháng…

Đối với việc chủ đầu tư, cá nhân sử dụng đất sai mục đích cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo đó, sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi đưa đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của mình vào sử dụng trái với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong giấy chứng nhận hoặc quyết định giao, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đối với hành vi vi phạm trong việc sử dụng đất sai mục đích thì tại Nghị định 102/2014NĐCP ngày 10/11/2014 đã nêu rõ những trường hợp cụ thể của từng hành vi vi phạm cũng như mức phạt từ Điều 6 - Điều 9 của Nghị định này.

Quy trình xử phạt đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích được quy định tại Chương III thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

 Ngoài ra, theo Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Bài toán quy hoạch đô thị cần đảm bảo các yếu tố về văn hóa xã hội, đời sống, kinh tế, phù hợp với hệ thống hạ tầng, giao thông. Không vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua lợi ích an sinh xã hội. Thế nhưng, việc quản lý quỹ đất của cơ quan chức năng ở đây là UBND quận Cầu Giấy còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm. Phía chủ đầu tư các dự án nêu trên chưa thật sự tuân thủ quy định pháp luật. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những sai phạm tồn tại lại là bài toán có quá nhiều điều kiện, khó thoả mãn yêu cầu về quy hoạch đô thị. 

Để xử lý triệt để tình trạng dự án bỏ hoang gây lãng phí đất vàng, thì các cơ quan chức năng phải thực sự nghiêm minh!

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nghiem-cam-loi-ich-nhom-hanh-vi-tieu-cuctham-nhung-dat-dai-20201231000005448.html